Trong sản xuất cánh đồng lớn ở Đồng Tháp, cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.
Đẩy mạnh Chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp
Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Để cụ thể hoá Nghị quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 05/8/2022 về việc ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp xoay quanh ba trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trên lĩnh vực chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đến năm 2025, qua đó xây dựng mối liên kết, chia sẻ tiềm lực, phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, khai thác tối đa nguồn lực và điều kiện sẵn có của hai bên, hướng đến kết nối, mở rộng hợp tác đến các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng đang ứng dụng một số hệ thống số hóa, chuyển đổi số theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi; thuỷ lợi; lâm nghiệp; kinh tế hợp tác; đặc biệt, Chương trình OCOP đã xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (trong đó có 272 sản phẩm đạt 03 sao và 85 sản phẩm đạt 04 sao); bên cạnh phân phối theo kênh truyền thống, các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngay từ đầu năm 2023. UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 06/KH-UBND về thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025, với mục tiêu tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện, Văn phòng Điều phối đang phối hợp với Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá đánh giá nông thôn mới”, chương trình được áp dụng trong Quý II/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu trữ và đánh giá xã, huyện đạt chuẩn NTM liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh. Ngoài ra, Văn phòng Điều phối đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới về “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Đây là, chương trình nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Hỗ trợ điện thoại thông minh giúp nông dân thích ứng với chuyển đổi số
Nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa trên các nền tảng công nghệ số như: Các Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM, trong các hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước, THT, HTX, Hội quán trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,…); xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn; thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thí điểm mô hình Làng thông minh trong xây dựng NTM gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn,…).
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp đã gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Đồng Tháp về tình hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản. Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã được nghe nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho người nông dân về giá bán nông sản sạch, xây dựng nhà kho lạnh bảo quản nông sản, ngăn ngừa phân bón giả…
Tiếp thu các kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp ông Lê Quốc Phong đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp, các đơn vị liên quan cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, sản xuất cho bà con nông dân; tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả, thể hiện được tính tự chủ, tự lực hợp tác của người nông dân, điển hình như: Hội quán, Hợp tác xã. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi giữa các cấp ủy với bà con nông dân; hỗ trợ người nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất.
Đối với, bà con nông dân cần nhận thức được vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để từ đó luôn nỗ lực vươn lên, chủ động thay đổi trong sản xuất hướng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Dịp này, Tỉnh uỷ Đồng Tháp trao tặng hơn 80 chiếc điện thoại thông minh cho đại biểu nông dân tiên tiến, nhằm hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp.
Thu Hiền