00:00 Số lượt truy cập: 3226356

PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HẢI PHÒNG 

Được đăng : 28/04/2025

Hải Phòng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch ở khu vực nông thôn, hiện lưu giữ được nếp sống, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống; những món ăn dân dã mang hồn Việt cùng hệ thống làng nghề thủ công truyền thống (tạc tượng Bảo Hà, mây tre đan Chính Mỹ, dệt chiếu Lật Dương, mây tre đan An Thái…) tạo nên bức tranh nông thôn Hải Phòng phong phú, đa dạng. Xác định phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả. Một số mô hình du lịch nông thôn thí điểm nhằm cải thiện sinh kế người dân và góp phần bảo vệ môi trường tại huyện Cát Hải, Kiến Thụy, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên. Thời gian qua, nông dân đã chủ động phát triển trang trại tổng hợp, mô hình VAC, vườn cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách như trang trại tổng hợp Trường Thành Farm, khu Đảo Bầu, trang trại hoa phong lan, Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Hai Bà Trưng. Sự phát triển của các mô hình này đã làm thay đổi diện mạo làng quê, nông dân có thêm thu nhập. Để phát huy tiềm năng, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

 

26
"Nông trại vui vẻ" không chỉ là nơi cung cấp rau, củ, quả sạch mà còn trở thành địa điểm du lịch trải nghiệm cho các em nhỏ học sinh trong thành phố

Tuy nhiên, thực tế các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Các mô hình chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ do mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa có các tiêu chí về quy mô, diện tích, sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng …

Để hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn thực sự phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp Hải Phòng sẽ đánh giá thực trạng, khuyến nghị các mô hình phát triển phù hợp, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các trang trại, hợp tác xã, nông dân phát triển du lịch, hướng dẫn họ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương.

Mục tiêu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi quận, huyện phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Và có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn.

Ngành du lịch sẽ hướng dẫn công nhận điểm du lịch nông thôn với các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp từng vùng miền, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở du lịch nông thôn. Đối với các hộ nông dân sẽ được hướng dẫn kiến thức, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch; các doanh nghiệp lữ hành phối hợp các trang trại, hợp tác xã phát triển du lịch trải nghiệm chuyên nghiệp.

Phương Loan