00:00 Số lượt truy cập: 3016011

Tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong truyền thông về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 20/11/2023
Tại Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, UBND huyện nhấn mạnh: Việc truyền thông, thông tin được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp huyện và xã, Trang Thông tin điện tử huyện; hệ thống thông tin cơ sở, hội nghị, tập huấn... tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong triển khai các hoạt động truyền thông về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

 anhchupmanhinh20230825luc091457710
Phụ nữ Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái hăng hái thi đua lao động sản xuất

 Nhiệm vụ cốt lõi là tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, tuyên truyền viên; Tổ chuyển đổi số cộng đồng xã, thị trấn; thôn, tổ dân phố; người làm công tác giảm nghèo. Tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với cán bộ và người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. In ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu; giới thiệu các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về công tác giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo qua tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác giảm nghèo và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59-KH/HU, ngày 22/12/2021 của Huyện ủy Trạm Tấu về thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuyên truyền về Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Thực hiện các công tác truyền thông, vận động người dân vùng nghèo, vùng khó khăn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tiếp cận và hưởng thụ các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội; chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất theo hướng khoa học, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường gắn kết quân dân, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận lòng dân, quốc phòng và an ninh nhân dân.

Cùng với đó, truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện mục tiêu từng bước xóa bỏ tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn trên cơ sở tập trung, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững; chú trọng triển khai các dự án giảm nghèo nhằm hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo động lực phát triển.

Đối với hộ nghèo, đổi mới phương thức hỗ trợ thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư); trong xây dựng nông thôn mới vận động, tuyên truyền các hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tài sản, hiện vật hoặc tiền…

Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo, lấy sự phát triển của người nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo. Khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách.

Tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm…; lấy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là khâu then chốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát huy giá trị những cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp, tuyên truyền vận động các hộ nhiều đất san sẻ cho các hộ thiếu đất để sản xuất, phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huy động các nguồn lực giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm trên 8%; trong hai năm 2021 - 2022 giảm 6,9%, vượt 0,4% chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó có trên 200 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Trạm Tấu phấn đấu năm 2023 tỉ lệ giảm nghèo đa chiều đạt trên 8%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 49,87%, tỷ lệ hộ cận nghèo sẽ còn 6,26%.

                                                                                                    Minh Hằng