00:00 Số lượt truy cập: 2670196

Quảng Bình: Tăng cường cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn 

Được đăng : 12/11/2023
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đạt kết quả cao, tỉnh Quảng Bình đã đưa ra mục tiêu trong năm 2023, có 98% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh; 81% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được cấp Giấy chứng nhận ATTP; 60% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...

quang-binh1

Người dân phấn khởi được sử dụng nước sạch

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang tập trung để triển khai thực hiện 06 chương trình chuyên đề do Chính phủ ban hành. Đặc biệt đối với Chương trình chuyên đề “Tăng cường bảo vệ môi trường an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định 925/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng.Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí nước sạch do chưa có công trình cấp nước tập trung. Vì thế, để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch và nâng chất lượng tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.

Trong tháng 9 vừa qua, Quảng Bình đã rà soát thấy vẫn còn một số xã như Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), Quảng Tiến (Quảng Trạch), Sơn Hóa (Tuyên Hóa) chưa đạt tiêu chí về nước sạch, do đó việc “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2023 là khó đạt được.

Lý giải về khó khăn này, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình cho hay, một trong những khó khăn lớn nhất của tiêu chí nước sạch trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là phải có 20% số hộ dân sử dụng từ công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên hiện nay ở Quảng Bình vẫn còn một số xã có dân cư phân bố tương đối tập trung nhưng chưa có công trình nước sạch.

Bên cạnh đó, nhiều xã mặc dù đã có công trình nhưng quy mô, công suất nhỏ, thiết bị công nghệ xử lý nước không phù hợp cho nên không bảo đảm lưu lượng và chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn. Ở một số xã miền núi, vùng sâu, bãi ngang ven biển còn khan hiếm về nguồn nước và do dân cư phân tán nên khó xây dựng công trình cấp nước tập trung do suất đầu tư lớn.

 Để giải quyết hiện trạng trên, tỉnh Quảng Bình đã lập kế hoạch xây dựng mới công trình cấp nước tập trung cho các địa bàn cấp thiết nhưng chưa được đầu tư; cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung hiện có để tăng công suất hoạt động và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp. Trong đó chú trọng giải quyết cho những vùng đặc biệt bị khan hiếm nguồn nước như đầu tư xây dựng bể trữ nước mưa và các hình thức trữ nước khác phù hợp đặc thù vùng, miền để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng, sử dụng công trình cấp nước tập trung; hỗ trợ máy lọc nước hộ gia đình đối với các vùng khó khăn về nguồn nước, địa bàn không có khả năng xây dựng công trình cấp nước tập trung. Các công trình hoạt động kém hiệu quả do chính quyền cấp xã, hợp tác xã quản lý sẽ được chuyển sang Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh quản lý để nâng cấp, mở rộng bảo đảm cấp nước ổn định, lâu dài cho người dân.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 116 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó 37 công trình hoạt động bền vững (31,9%), 15 công trình tương đối bền vững (12,9%), 50 công trình kém bền vững và 14 công trình không hoạt động, bị bỏ hoang. Để nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tỉnh chỉ đạo rà soát, chuyển giao một số công trình kém hiệu quả cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình sửa chữa, nâng cấp và quản lý vận hành. Nhờ đó, hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét về hiệu quả và người dân vui mừng vì có nguồn nước sạch, ổn định để sử dụng.

Việc đổi mới mô hình quản lý, vận hành công trình nước ở nông thôn đã làm tăng trưởng về tiêu chí nước sạch, giúp gia tăng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Quảng Bình đến nay lên 88 xã, chiếm 68,8% tổng số xã trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Bình có 112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

                                                                               

                                                                                          Chu Hương