00:00 Số lượt truy cập: 2670306

Quảng Ngãi đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản góp phần xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 03/11/2023

aaaaaaaaaaa

Mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về triển khai thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, theo đó, hoạt động kinh doanh tiêu thụ nông sản được gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó thiết thực giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển và mở rộng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng cao, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các chương trình, đề án để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ tại vùng nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản

Một trong những biện pháp hiệu quả trong đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản là áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản. Do đó, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh là đến năm 2025, tất cả các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng nông sản, mẫu mã bao bì của sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua trang thông tin điện tử về nông thôn mới và Chương trình OCOP. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh có 72/140 sản phẩm OCOP được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu

Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện để các sản phẩm đáp ứng các bộ tiêu chí khu vực, quốc gia, để được đánh giá, công nhận các danh hiệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên thị trường. Tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 36 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 11 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Hiện toàn tỉnh có 140 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 131 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã xây dựng thương hiệu, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, có lượng hàng bán ra thị trường ngày càng cao. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng, Công ty TNHH Olvis Việt Nam, HTX Sản xuất và Kinh doanh Nấm Đức Nhuận...

Bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP

Theo đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: các sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Giá trị của sao OCOP đã được thị trường và người tiêu dùng khẳng định, sản phẩm vì thế cũng thuận lợi hơn trong việc lưu thông và tiêu thụ. Do đó, việc đánh giá, xếp hạng lại, thậm chí nâng hạng sao sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Chính vì vậy, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng đến việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu và các chủ thể của sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và sử dụng sản phẩm OCOP.

Một trong những công ty có nhiều sản phẩm được công nhận sao OCOP, Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng Nguyễn Đức Lương khẳng định, chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu, mà còn là “vé thông hành” giúp các sản phẩm của công ty có mặt tại nhiều kênh tiêu thụ, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, công ty đã tập trung đầu tư cải tiến bao bì mẫu mã, xây dựng sản phẩm đảm bảo chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Sau gần 3 năm được công nhận sao OCOP, các sản phẩm được chế biến từ quế và hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng (Trà Bồng) đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu các sản phẩm đều tăng từ 2 - 3 lần so với trước.

Để Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp địa phương “mới” cả về diện mạo lẫn cuộc sống người dân, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi không chỉ tập trung phát triển cơ sở vật chất, mà còn vận động người dân thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, thu nhập của bà con nông dân đã được nâng cao, đời sống được cải thiện rõ nét. Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững./.

Phùng Hà