00:00 Số lượt truy cập: 2963915

Xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc 

Được đăng : 15/11/2023
Trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, như: khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, để từ đó xây dựng và hình thành mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu".

vinh-phuc1111

Phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, nâng cao hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí.

 

Chính sách hỗ trợ xây dựng “Làng văn hoá kiểu mẫu”

Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình triển khai mô hình siêu thị mini mới có diện tích 200m2; 100 triệu đồng/mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2.

 Đối với mô hình điểm du lịch cộng đồng, tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình khi đảm bảo có bãi đỗ xe, khu lễ tân, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu 2 dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 và cam kết kinh doanh đúng dịch vụ đã đăng ký. Về mô hình du lịch Homestay, Farmstay, tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/1 cơ sở Homestay xây dựng mới có quy mô phục vụ 15 khách trở lên; 300 triệu đồng/cơ sở Farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp xây dựng mới có diện tích tối thiểu 0,5ha và có quy mô đầu tư phục vụ từ 30 khách trở lên. Cả 2 loại hình này, đối tượng nhận thụ hưởng chính sách phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký. Mô hình du lịch Homestay, Farmstay sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, mô hình phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch Homestay, Farmstay.

Chính sách trên thực sự là 1 tín hiệu vui cho phát triển NTM gắn với các mô hình hoạt động phục vụ khách du lịch. Mỗi địa phương phát huy thế mạnh về điểm đến, sản phẩm, sản vật đặc trưng, từ đó kết nối thành 1 chương trình du lịch nội tỉnh mang tính đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế. Đây cũng là hướng khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế, xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên.

 Lấy bản sắc văn hoá của các dân tộc thúc đẩy phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 30 dân tộc, là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống do đó có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án như: khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa thể thao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; triển khai đầu tư xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai mô hình thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Nổi bật nhất trong thực hiện mô hình này chính là làng văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và làng văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Làng văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù có tổng diện tích quy hoạch khoảng 5ha. Tại đây, chính quyền địa phương sẽ khôi phục và tạo dựng các ngôi nhà sàn, nhà gỗ 2 mái của đồng bào dân tộc Sán Dìu xưa; trưng bày các công cụ nông nghiệp của dân tộc Sán Dìu phục vụ du khách tham quan. Hát Soọng cô cùng các loại hình văn nghệ khác được diễn xướng để phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách. Bên cạnh đó, còn dành nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thế mạnh như: Chăn nuôi lợn, gà, ong, thỏ; xây dựng các sản phẩm OCOP; phát triển các homestay... Qua đó, góp phần quảng bá và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu.

Theo ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương ngày càng sôi nổi, lan tỏa mạnh, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của các tầng lớp Nhân dân...

Hiện toàn tỉnh có 10/28 Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng, gồm: huyện Bình Xuyên có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Sông Lô có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Yên Lạc có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; thành phố Vĩnh Yên có 01 Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công xây dựng. Trong đó từ năm 2022 - 2023 các xã vùng DTTS và miền núi được lựa chọn 8 địa điểm để thực hiện mô hình thí điểm “Làng văn hóa kiểu mẫu”. 

Phấn đấu đến hết năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.

                                                                                            Thái Dương