00:00 Số lượt truy cập: 2670382

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Bến Tre làm thay đổi diện mạo nông thôn 

Được đăng : 08/11/2023
Tỉnh Bến Tre có 2.384 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là tỷ phú. Đây là đội quân đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, đồng thời cũng làm thay đổi diện mạo nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

ben-tre

Mô hình lúa tôm thích ứng biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao tại vùng ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

 

Cùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu với mô hình“con tôm ôm cây lúa”

Tại ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú có tổ hợp tác (THT) nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa theo mô hình “Nông dân dạy nông dân” với 10 thành viên là hội viên nông dân của ấp. THT thành lập từ năm 2018, mỗi thành viên THT có khoảng 400 đến 1500m2 mặt nước nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa. Cuối năm 2018 THT được tiếp cận Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với số vốn 100 triệu đồng để thực hiện mô hình Nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa.

Theo đó mỗi thành viên được vay 10 triệu đồng để mua con giống, thức ăn, đồng thời dùng số tiền tích góp vào việc cải tạo ao nuôi để thực hiện mô hình hiệu quả hơn. Hàng năm tất cả thành viên của tổ đều được tập huấn nuôi tôm càng xanh từ khâu chọn giống, thức ăn chăm sóc,thu hoạch.

Với mô hình “Nông dân dạy nông dân”, mỗi tháng, các thành viên THT ngồi lại với nhau nghe chia sẻ kinh nghiệm. Những người đã nuôi hiệu quả thì dạy người còn lại cách chăm sóc tôm sao cho khỏe mạnh, mau lớn, đồng đều, ít rủi ro.

Từ khi tham gia mô hình đến nay, tất cả thành viên đều phấn khởi vì nhờ học hỏi nhau mà việc nuôi tôm càng xanh trở nên dễ dàng, có hiệu quả. Bình quân 1ha thực hiện mô hình, các thành viên nuôi tôm đều có lãi trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/vụ.

 Sau mỗi đợt thu hoạch tôm, mỗi thành viên nộp về THT 3 triệu đồng, hộ nào có lợi nhuận có thể hoàn trả cho tổ nhiều hơn để thu lại 10 triệu đồng vốn hỗ trợ ban đầu, đồng thười xay vốn cho vụ nuôi kế tiếp cũng như mở rộng thêm hộ nuôi mới. Nguồn vốn này hiện đang được duy trì hiệu quả.

Đa phần thành viên của THT đều là những người có thâm niên trong nghề nuôi tôm. Có người gắn bó với con tôm gần 20 năm. Trước đây, ông Nguyễn Văn Thạch 46 tuổi, ngụ ấp Thạnh Mỹ nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ, thả nuôi nhiều loại như tôm sú, tôm càng cua trong cùng 1 ao nuôi; gặp nhiểu rủi ro, khó quản lý. Hơn nữa khi đó ông chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia THT, ông Thạch chuyển sang nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa. Ông Thạch chia sẻ, hiện ao tôm càng xanh với 85 ngàn con giống được ông thả nuôi trên tổng diện tích 1,5ha đất tôm lúa thu về lợi nhuận cao do giá tôm càng khá ổn định không bấp bênh như các loại thủy sản khác.

 Theo chia sẻ của các thành viên trong THT, việc nuôi tôm càng trong ruộng lúa giảm được chi phí đầu vào, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó tạo nên sản phẩm 2 sạch gồm nước sạch và tôm sạch, giá trị sản phẩm cũng cao hơn. Mô hình này không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế mà còn thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phảm sạch. Và quan trọng là tạo ra sự hài hòa trong môi trường sống giữa con tôm và cây lúa, làm giảm bớt dịch bệnh, tận dụng không gian, tận dụng thức ăn dư thừa bổ sung cho nhau.

 Tại các xã khác của huyện Thạnh Phú như: Mỹ An, An Qui, An Thuận, An Nhơn… cũng phát triển mô hình lúa-tôm phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương. Năm 2022, THT lúa-tôm ấp An Bình (xã An Nhơn) với 20 hộ đều có lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình này. Ông Phan Văn Triệu, Tổ trưởng THT lúa-tôm ấp An Bình cho biết, cả THT hầu hết đều có lãi từ lúa, tôm. Năm 2023, tới thời điểm này, gia đình nào cũng thu được từ 10 đến 20 triệu đồng từ tôm, cua theo con nước. Dự kiến, năm nay THT sẽ tăng lên 30 thành viên. Khi đó, sẽ ký hợp đồng mua tôm giống, bao tiêu sản phẩm lúa với doanh nghiệp, hiệu quả sẽ cao hơn.

Vai trò của Hội và hội viên nông dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới

Từ các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân thoát nghèo và vươn lên trở thành tỷ phú, nhiều nông dân được vinh danh "Nông dân Bến Tre xuất sắc", "Nông dân Việt Nam xuất sắc", tạo hiệu ứng lan tỏa phong trào mạnh mẽ. Hoạt động của các cấp Hội Nông dân đã góp phần đưa nhanh khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân.

Toàn tỉnh hiện có 79.495 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có 2.384 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là tỷ phú.

Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu thực tế và khát vọng làm giàu theo tinh thần "Đồng khởi khởi nghiệp" của những nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, năm 2018, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh được thành lập, sau đó mở rộng ra các huyện, thành hội. Hiện toàn tỉnh có 10 câu lạc bộ với 323 thành viên. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Trung ương Hội ghi nhận, đánh giá cao và phổ biến nhân rộng toàn quốc.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, có 154/154 cơ sở Hội xây dựng được 780 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực. 

Các cấp HND đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, ND những công trình, phần việc ND tham gia thực hiện. Nhiệm kỳ qua, Hội chủ động đăng ký cấp ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện từ 01- 02 tiêu chí cụ thể trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Hội Nông dân vận động cán bộ hội viên đóng góp trên 34,9 tỷ đồng, 75.829 ngày công để sửa chữa, bảo dưỡng 225km đường giao thông; làm mới và sửa chữa 648 cầu, cống; nạo vét, sửa chữa 187km kênh mương, xây 154 căn nhà tình thương; tích cực tham gia thực hiện trồng cây che phủ rừng, trồng cây xanh phân tán và chăm sóc hàng cây nông dân…

Mới đây vào cuối tháng 10. 2023, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức buổi tọa đàm về "Vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới", đây là hoạt động nhằm phát huy vai trò tổ chức Hội Nông dân các cấp, vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông nông thôn mới, đồng thời trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.

Ông Trần Dương Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho hay: Phát huy vai trò Hội Nông dân cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới. Hội sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất tháo gỡ những khó khăn vấn đề môi trường, sản xuất kinh doanh, vốn, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ cao, xây dựng mã vùng trồng, sản phẩm ocop; làm cầu nối giữa HTX với các doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu. Hội mong cấp uỷ, chính quyền, các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh tế tập thể hoạt động ngày càng vững mạnh, hiệu quả tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

                                                                                    Thu Thủy