00:00 Số lượt truy cập: 3015924

Phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm của các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở Hà Giang 

Được đăng : 02/11/2023

ha12

Phụ nữ dân tộc Mông với nghề dệt vải lanh

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên các tiểu vùng khí hậu và các yếu tố nông hóa, thổ nhưỡng khác nhau. Điều đó đã tạo cho Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt mang tính đặc thù và là đặc sản của các vùng miền trong tỉnh. Có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh mang tính đặc thù của Hà Giang như cam sành Hà Giang, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, cá Bỗng, bò vàng tại 4 huyện cao nguyên đá…. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Hà Giang đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đối với người nông dân.

Nhằm tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND về “Phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, giai đoạn 2022 - 2026”. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác phát triển các sản phẩm OCOP và khôi phục lại các làng nghề và làng nghề truyền thống của địa phương. Vì vậy, các sản phẩm OCOP của địa phương và làng nghề truyền thống của đồng các dân tộc không ngừng được mở rộng và phát triển; từ đó đã tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú để phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế trong các mùa lễ hội.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống và phát triển các sản phẩm OCOP. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn Hà Giang hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số hộ tham gia các làng nghề và làng nghề truyền thống là 1.971 hộ. Việc phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động tại các địa phương trong tỉnh.

Sau hơn 5 năm triển khai, tính đến tháng 8/2023, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Giang đã phân hạng được 278 sản phẩm, trong đó có 231 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Đáng chú ý, rất nhiều sản phẩm OCOP của Hà Giang là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đến nay, tỉnh Hà Giang có 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia là trà xanh hộp 100 gam và hồng trà hộp 100 gam của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ huyện Hoàng Su Phì. Các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP hấp dẫn khách du lịch như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Na Khê huyện Yên Minh, gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, rượu ngô men lá huyện Yên Minh, thịt khô bò Vàng trên cao nguyên đá Đồng Văn… Các làng nghề truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang như: Nghề làm khèn Mông của đồng dân tộc Mông tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; nghề dệt vải lanh của phụ nữ dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; làm giấy bản là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại các huyện Bắc Quang và Quang Bình của Hà Giang; nghề chạm bạc của đồng bào dân tộc Dao ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Yên Minh và Mèo Vạc; nghề rèn để tạo ra các dụng cụ phục vụ cuộc sống và sản xuất như dao, kiếm, cung tên, lưỡi cày, cuốc, xẻng… của đồng bào dân tộc Tày, dân tộc Pà Thẻn tại các huyện vùng cao của tỉnh. Đáng chú ý là tất cả các sản phẩm của các làng nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang đều được làm thủ công.

Nhằm phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang và các ngành chức năng của tỉnh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chích sách của trung ương và của tỉnh để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và các làng nghề nhằm giúp các hợp tác xã, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, làng nghề tạo ra các sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc thù để phục vụ cho khách du lịch. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh công tác quản lý các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống, lồng ghép các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ và đầu tư cho các cơ sở sản xuất ra sản phẩm OCOP và các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố và sản phẩm làng nghề của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng được phát triển, đa dạng các sản phẩm và mẫu mã.

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ nông nghiệp như các sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi thì quá trình trồng trọt và chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đóng một vai trò quan trọng quyết định phần lớn chất lượng của sản phẩm. Xác định nâng cao chất lượng là nền tảng quan trọng giúp phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa một cách bền vững, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên môn tập trung nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhằm tạo cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang: Việc phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch không những giúp ngành du lịch của tỉnh trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” mà việc phát triển các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm làng nghề và làng nghề truyền thống còn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Đây cũng cũng chính là cơ sở và là nền tảng quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn của Hà Giang trong giai đoạn trước mắt và lâu dài./.

Phùng Hà