00:00 Số lượt truy cập: 2690683

Ghé thăm làng hương trăm tuổi tại cố đô Huế 

Được đăng : 05/10/2022
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về phía Tây Nam, trên tuyến đường du lịch tham quan lăng Tự Đức, làng hương Thủy Xuân ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, và âm thầm chảy trôi cùng dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng. Những nghệ nhân tài hoa nơi đây đang từng ngày gìn giữ, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế.

anh-111
Nghề hương trầm Thủy Xuân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là nghề truyền thống.

Làng hương Thủy Xuân là làng nghề nổi tiếng tại xứ Huế. Theo người dân, nghề làm hương ở đây đã có từ hàng trăm năm dưới thời Triều Nguyễn. Hương Thuỷ Xuân cung cấp chủ yếu để dùng trong triều đình, các phủ quan lại, cho các lái thương và nhân dân trong vùng.

Ngay khi bước chân đến đầu làng Thủy Xuân, hương thơm của hương đã tỏa ngát khắp không gian. Để làm ra một cây hương thì khâu đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, thường gồm:  Ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế…hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương. Sau đó là công đoạn làm lõi hương, lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, Tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì lại đem đi phơi nắng. Người làng Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương tuy khá vất vả hơn nhưng lại dân gian, giữ gìn nét truyền thống, “hồn cốt” của nghề.

Hiện nay, thay vì hương màu vàng nâu truyền thống, người Thuỷ Xuân đã sáng tạo nên các loại hương với đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, nâu, chàm,... vô cùng bắt mắt. Những màu sắc rực rỡ ấy không chỉ là để thu hút khách du lịch, thu hút người mua mà còn thể hiện sự khéo léo của con người nơi đây.

anh-21 

Người dân làng Thủy Xuân kết hợp vừa làm hương vừa phát triển các sản phẩm du lịch, giúp cuộc sống người dân khởi sắc hơn. 

Người dân sinh sống tại làng Thủy Xuân chia sẻ, việc kết hợp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế, đời sống của người dân làng hương Thủy Xuân từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị Hoàng Thị Hoa (làng Thủy Xuân) cho biết: “Hiện nay sản phẩm hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài. Mỗi loại hương có giá bán khác nhau. Không chỉ cuốn hút du khách bởi bề dày truyền thống, bởi vẻ đẹp của những bó chông hương, làng Thủy Xuân còn đặc biệt đem lại sự thích thú cho du khách khi tạo điều kiện để họ tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào việc làm hương”.

Bởi vậy mới nói, đến Huế đâu chỉ để nghe câu hò trên sông Hương, nghe nhã nhạc Cung đình, thăm Cố đô, rồi thăm những lăng mộ của nhiều triều đại vua chúa. Ở đây còn có một làng nghề mang tên Thủy Xuân, nơi lưu giữ đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Huế, nơi níu chân biết bao du khách khi đến với thành phố Huế mộng mơ, nơi những nghệ nhân tài hoa nơi đây đang từng ngày gìn giữ, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới.