00:00 Số lượt truy cập: 3197674

Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới” ở huyện Thường Tín. 

Được đăng : 26/09/2023
Ngày 22/9 vừa qua, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Hội thảo kho học “Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới”.

09251

Toàn cảnh Hội thảo

 

Chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư thành ủy, chủ nhiệm Chương trình 07; Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội và ông chí Tạ Hữu Thọ - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín. Tham gia Hội thảo có đại diện các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương, các Ban ngành của Thành phố, huyện Thường Tín; đại diện một số Hợp tác xã đang thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất; các Đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cùng đông đảo các nhà khoa học.

Theo Chủ tịch hội Liên hiệp hội KH&KT Hà Nội Lê Xuân Rao, Chương trình số 07-Ctr/TU, ngày 17/3/2021, của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, trong đó, có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt trên 70% (theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tỷ lệ đạt khoảng 40%). Để đạt được mục tiêu của Chương trình số 07-Ctr/TU đặt ra, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó, công tác ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp, là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định chính sách chuyển đổi số góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện Chương trình của Thành ủy, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng 5 mục tiêu ứng dụng công nghệ số đến năm 2025 là: Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với chỉ tiêu 100% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; 100% chuỗi sản xuất cung ứng nông lâm sản an toàn, có tham gia truy xuất nguồn gốc; Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới và tập trung xây dựng mô hình điểm tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, vận động mỗi huyện có 1 mô hình điểm tại chỗ. Thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đi vào triển khai ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ chia sẻ về những kết quả đã đạt được nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại địa phương, huyện luôn quan tâm nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh bền vững. Các tiến bộ khoa học và công nghệ từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường... Toàn huyện có 1.745ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 545ha vùng sản xuất rau an toàn, 130ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 chuỗi liên kết chăn nuôi, có 166 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt từ 66-68 triệu đồng/người/năm.

Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đánh giá, chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã về nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: định hướng chính sách chuyển đổi số góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội; cách mạng hóa trải nghiệm với công nghệ giọng nói nhân tạo tự nhiên như con người; giải pháp ứng dụng nhà kính, nhà lưới thông minh trong sản xuất hoa và rau. Thông qua hội thảo, có nhiều đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… gửi tới Thành phố, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số, giải pháp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc, IoT…) đã có những trao đổi về các khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tính bổ ích, thiết thực của chương trình. Liên hiệp hội KHKT Hà Nội đã lựa chọn được vấn đề các huyện cần, không mang tính hàn lâm, vừa là thông tin, giới thiệu đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ cao, kết nối tới đối tượng thụ hưởng. Ông Phong đã gợi mở nhiều vấn đề để Hội thảo quan tâm suy nghĩ. Đó là triển khai Đề án 30 trong chương trình 07 cần tập trung vào 3 mục tiêu lớn trong nông nghiệp, nông thôn Thủ đô là: Ứng dụng công nghệ số để tăng năng xuất lao động; ứng dụng số để có 30 % thực hiện thương mại điện tử và nông nghiệp Thủ đô phải phấn đấu có trên 70% ứng dụng công nghệ cao. Phải nhìn nhận đúng những hạn chế cần phải khắc phục là đặc điểm của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô cả về quy mô, cơ sở vật chất, tư liệu sản xuất và nguồn nhân lực sản xuất chính. Sản xuất nông nghiệp Thủ đô không thể chỉ trông vào gieo trồng mà phải đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm và chú trọng đến giá trị thực tế trên từng ha canh tác. Đối với Hà Nôi tập trung mỗi xã một sản phẩm là rất phù hợp vì Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước. Vấn đề là đưa ứng dụng số vào để nâng cao chất lượng mặt hàng mà vẫn bảo tồn được nghề truyền thống đã có…Những vấn đề khoa học công nghệ 4.0 cần phải nghiên cứu để đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội thực sự hiệu quả. Phát huy kết quả từ Hội thảo này, LHH Hội KHKT thành phố cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu và gắn với cơ sở, hướng về cơ sở hơn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ tiếp tục là cầu nối giữa nhà khoa học với các địa phương, doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, gợi mở chủ trương chính sách cho Thành phố phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuấn Dương