00:00 Số lượt truy cập: 2690980

Huyện Đan Phượng – đơn vị dẫn đầu TP. Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 

Được đăng : 15/07/2023
Với nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân huyện, cùng cách làm khoa học, bài bản, sáng tạo… trong quá trình xây dựng nông thôn mới, kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Đan Phượng rất đáng để các địa phương khác học tập.

danphuon

Huyện Đan Phượng tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế …
 

Năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của thủ đô Hà Nội về đích nông thôn mới. Không bằng lòng với kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm và quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra nhiệm vụ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí phát triển đô thị.

Đến hết năm 2020, huyện có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu của Đan Phượng là hết năm 2023 hoàn thành xây dựng 15/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được những mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2021, huyện đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tiêu chí các phường để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng xã. Đan Phượng lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông, nhà văn hóa, vườn hoa, sân chơi, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Đan Phượng đã có 54/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 33/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Duy trì 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và mô hình bác sĩ gia đình được triển khai hiệu quả... Nhờ đó, hầu hết các xã của huyện được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ít nhất 2 lĩnh vực: Giáo dục và Y tế.

Tháng 7 vừa qua, 2 xã Đồng Tháp và Trung Châu của huyện Đan Phượng vừa được UBND TP. Hà Nội công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.  Đồng Tháp là một trong những địa phương có phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới khá sôi nổi của huyện Đan Phượng. Những năm qua, xã đã được huyện đầu tư xây dựng, cải tạo các tuyến đường giao thông liên xã, trục thôn, liên thôn… với tổng chiều dài hơn 27km, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Các công trình, dự án đầu tư xây dựng đều đảm bảo quy hoạch tổng thể nhằm đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí hạ tầng đô thị. Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến mang tính đột phá. Các mô hình cơ giới hóa đồng bộ, phát triển vùng chuyên canh cây trồng có giá trị, mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa và các loại cây ăn qua, cây hàng năm có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 10 héc-ta hoa đồng tiển, trên 5 héc-ta bưởi đào chín sớm và trên 3 héc-ta trồng hoa các loại. Hợp tác xã hoa Đồng Tháp được thành lập và đi vào hoạt động, thu hút nhiều lao động đảm bảo cho thu nhập ổn định. Trong chăn nuôi, đã thành lập câu lạc bộ phát triển kinh tế, chăn nuôi vườn trại. Cùng với đó, một số ngành nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ bước đầu phát triển góp phần nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên địa bàn xã đạt 76,3 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ cận nghèo giảm còn 0,6%.

Theo UBND xã Trung Châu, với quyết tâm chính trị xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu trước khi trở thành thành phường. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Châu đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt từ 11% đến 12% một năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 85%. Trong nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm thịt lợn Trung Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thịt lợn an toàn Trung Châu - Đan Phượng” với 20 hộ đăng ký tham gia chăn nuôi theo mô hình VietGap. 2 sản phẩm khác được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đó là nước uống Star TC và khoai lang kén. Từ năm 2020 - 2023, xã đã huy động nguồn lực trên 123 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với vốn ngân sách, địa phương đã huy động nội lực trong nhân dân bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã. 15% các tuyến đường trục chính được thảm nhựa. 12/12 nhà văn hóa trên địa bàn được xây mới khang trang, có trang thiết bị phục vụ hoạt động. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

Năm 2023 huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận. Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Đan Phượng đã đặt ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là chủ trương theo Nghị quyết của Huyện ủy về duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và bộ tiêu chí xây dựng xã thành phường.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, xử lý nghiêm vi phạm đất đai, các công trình thủy lợi và vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cân đối thu - chi ngân sách; tiếp tục quy hoạch đất đấu giá, xử lý đất xen kẹt, tạo nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể Nhân dân các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ đạo và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

Huyện Đan Phượng: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí của đô thị

Ảnh: Huyện Đan Phượng tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế …