00:00 Số lượt truy cập: 2669947

Kinh nghiệm làm giàu của hội viên nông dân Khổng Văn Nam 

Được đăng : 16/09/2020

 img20190116103247

     Về đến tổ 2, phường Đội Cấn, Thành phố Tuyên Quang nói chuyện về tranh tư mùa ai cũng biết đến ông Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã trồng rau và cây ăn quả Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang. Hiện nay ông đang sinh hoạt tại Chi hội nông dân Tổ 2, phường Đội Cấn, Thành phố Tuyên Quang.

Sau khi tốt nghiệp khoa Thú y, trường Trung cấp kinh tế Tuyên Quang, ông xây dựng gia đình và làm dịch vụ chăm sóc thú y trên địa bàn với suy nghĩ so với phải trực tiếp làm nông nghiệp thì công việc này cũng có phần nhàn hơn không phải lo lắng về thời tiết, biến động giá cả thị trường, đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, sau thời gian làm dịch vụ ông nhận thấy không có con đường làm giàu nào mà nhàn hạ, trải đầy hoa hồng cả, nếu ông cứ làm dịch vụ thì cũng chỉ đủ trang trại những nhu cầu tối thiểu của gia đình, chứ làm giàu thì thật khó. Sau thời gian suy nghĩ, ông quyết định tìm hướng làm giàu khác phù hợp khả năng, năng lực cũng như tiềm năng sẵn có của gia đình. Với kinh nghiệm, là con nhà nông từ nhỏ, với diện tích đất đai sẵn có của gia đình thuận lợi để phát triển trồng trọt. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin từ ti vi, báo, mạng internet được biết các loại cây có múi như: Phật thủ, cam đường, chanh tứ mùa đang là những cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhanh cho ra quả; hơn nữa thời điểm đó người dân có “xu hướng” chơi phật thủ, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng để sở hữu một quả phật thủ “độc” vào dịp Tết.Năm 2013, với số vốn ít ỏi ban đầu là 50 triệu đồng, ông bắt đầu trồng thử Phật thủ, cam đường, chanh tứ mùa. Những ngày đầu trồng ông không khỏi lo lắng bởi tại xã ông đây là những loại cây trồng mới, chưa nhiều người trông trên diện tích lớn như vậy; bản thân ông cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trong quá trình trồng ông luôn quan tâm, đầu tư thời gian chăm sóc, theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển và sâu bệnh hại; 02 ha phật thủ, cam đường và chanh tứ mùa của ông sinh trưởng và phát triển tốt; vụ thu hoạch phật thủ đầu tiên ông đã thu về 450 triệu đồng.

Qua quá trình trồng chăm sóc ông nhận thấy, đây là những cây thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Đội Cấn. Đặc biệt là cây chanh tứ mùa với ưu điểm nổi trội là ra quả quanh năm, năng xuất cao, dễ tiêu thụ. Được sự cổ vũ động viên, tạo điều kiện của các cấp Hội Nông dân cho ông được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt; tham quan, học tập các mô hình trồng cây có múi hiệu quả. Năm 2015, ông tiếp tục mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa gia đình ông tập trung thuê đất mở rộng diện tích với tổng diện tích trên 3 ha. Nhận thấy sự hiệu quả từ mô hình, năm 2017 ông tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cây trồng chủ lực là cây chanh tứ mùa. Đến nay, trên quy mô 05ha đất, mô hình trang trại của ông đã có 1.000 gốc phật thủ, 1.000 gốc cam đường, 4.000 gốc chanh tứ mùa. Từ mô hình phát triển kinh tế năm 2019 doanh thu của gia đình ông đạt trên 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, 5-10 lao động thời vụ tại địa phương có thu nhập từ 150.000- 200.000 đồng/người/ngày.

Thực hiện phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bên vững” ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn có điều kiện đất đai cùng trồng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách trồng, tỉa cành, bón phân để cây chanh sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến nay diện tích vùng trồng chanh tứ mùa, phật thủ của xã tăng lên gấp 4 lần (trên 30 ha), qua đó đưa cây chanh tứ mùa là một cây trồng chủ lực của xã Đội Cấn.

Là người đâu tiên mang cây chanh tứ mùa về xã, ông luôn nung nấu mục tiêu là đưa những quả chanh của người dân quê mình vượt qua khỏi phạm vi của chợ quê, đến các siêu thị trong những thành phố lớn và thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Song nếu cứ sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, mạnh mún như hiện nay theo kiểu “mạnh ai người đó làm” thì khó bởi muốn vào được những thị trường lớn cần phải có số lượng sản phẩm đủ lớn và sản phẩm phải được sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Nhận thức được chỉ có thành lập hợp tác xã mới có thể thực hiện được mục tiêu của mình. Năm 2017, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp ông đã tổ chức vận động hội viên, nông dân trong thôn thành lập Hợp tác xã lấy tên là Hợp tác xã Trồng rau và cây ăn quả Đội Cấn và ông làm Giám đốc Hợp tác xã với 9 thành viên. Các thành viên tham gia hợp tác xã được ông giúp đỡ về giống, hướng dẫn về kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn về kỹ thuật và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã ông đã tích cực mở rộng liên kết hợp tác kinh tế tìm đầu ra và hướng đi cho sản phẩm chanh tứ mùa, hiện nay Hợp tác xã đã liên kết với Hợp tác xã rau an toàn Visa, tỉnh Vĩnh Phúc để đưa sản phẩm chanh tứ mùa vào chuỗi các siêu thị trong nước; qua đó góp phần để phường Đội Cấn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông đã tích cực tham gia các hoạt động do tổ chức Hội Nông dân phát động, trọng tâm là phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào nông “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, ông đã tích cực vận động hội viên mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo vùng sản xuất chuyên canh; thành lập mô hình hợp tác xã; vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tích cực tham gia và vận động hội viên nông dân tham gia trong xây dựng nông thôn mới, riêng cá nhân ông đã ủng hộ điểm Trường Mầm non Thôn 9, xã Đội Cấn bồn chứa nước sạch trị giá 5 triệu đồng để nhà trường và các cháu sử dụng, ủng hộ 20 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn, ủng hộ tiền làm nhà văn hóa, làm đường điện thắp sáng đường quê… Qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín và xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Sau nhiều năm làm giàu ông Không Văn Nam đúc rút những kinh nghiệm quý báu và chia sẻ với hội viên nông dân cả nước đó là:

Một là: Phải say mê với công việc mình lựa chọn, bởi khi bạn đam mê, yêu thích một công việc thì bạn sẽ có động lực để tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và phát triển thành công. Bạn làm gì không quan trọng, nhưng nhất định hãy tìm cho mình một công việc mà bạn yêu thích. Như vậy bạn mới có thế thức dậy đi làm vui vẻ từ 7h sáng đến 6 giờ tối.

Hai là: Ở lĩnh vực nào thì mỗi chũng ta đều phải có kiến thức, chịu khó học hỏi, mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng năng xuất cây trồng vật nuôi.

Ba là: Tích cực liên kết trong sản xuất trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. “Một cây làm chằng nên non, Ba cây chụm lại núi cao”. Bởi trong nền kinh tế thị trường cần phải có khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng sản phẩm cao, đạt tiêu chuẩn, giá cả cạnh tranh, giao hàng đúng thời điểm. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi nông dân phải hành động tập thể, theo đúng quy trình sản xuất và liên kết lại bằng cách vào hợp tác xã.

Bốn là: Chúng ta luôn có ước mơ và khát vọng làm giàu, nhưng làm giàu phải chính đáng, phải trên phương diện tuân thủ pháp luật. Tuân thủ chính sách mà Đảng mà Nhà nước ban hành. Đó mới là làm giàu bền vững.

Ông mong Hội Nông dân các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn ưu đãi, dễ tiếp cận, nguồn vốn lớn hơn, mức vay cao hơn để người dân đầu tư dài hạn trong quá trình phát triển sản xuất. Hỗ trợ thực hiện mô hình liên kết 6 nhà (Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối); hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề chuyên sâu, chuyển giao khoa học kỹ thuật đúng với nguyện vọng của hội viên nông dân, nhân dân.

Tiến Trình