00:00 Số lượt truy cập: 2668496

Kinh nghiệm nuôi bò cái sinh sản 

Được đăng : 22/11/2022
Mô hình nuôi bò cái sinh sản mang lại hiệu quả cao, ổn định, dài lâu hơn so với việc chăn nuôi các vật nuôi khác. Các nông hộ chỉ cần đầu tư con giống 1 lần là có thể khai thác bê con mỗi năm. Để nuôi cũng như chăm sóc bò sinh sản đòi hỏi người chăn nuôi phải có kinh nghiệm và nắm vững một số kiến thức cũng như kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản một cách cơ bản nhất.

bomedemotluc2conbecon637095871459523602

(Ảnh minh họa)

Về chọn giống, để có bò cái sinh sản tốt nên tiến hành chọn lọc từ khi còn là bên con  mới được sinh ra. Cần chọn những con bê được sinh ra từ những con bò mẹ có ngoại hình đẹp, tầm vóc to, phàm ăn, mắn đẻ, sữa tốt, nuôi con khéo. Bê con sẽ được thừa hưởng những đặc tính tốt của bò mẹ. Nên chọn bê được sinh ra từ những con mẹ đang ở tuổi sung sức. Không chọn bê cái sinh ra từ những con mẹ quá non hoặc quá già, đẻ ở 1-2 lứa đầu hoặc lứa 7-8 trở đi để làm giống.

Bé cái được chọn làm giống phải có đặc điểm ngoại hình phù hợp, cụ thể như: lông mượt, da mỏng mịn, cơ phát triển vừa phải, thể trạng trung bình, đầu thanh nhẹ, gương mũi bóng ướt, mắt sáng tinh nhanh, tai linh hoạt hoặc luôn phe phẩy. Phần mông phát triển tốt, háng rộng, 4 chân thẳng. Đặc biệt bầu vú phải phát triển tốt, cơ quan sinh dục phát triển bình thường, không có khuyết tật.Cần chọn những con bê cái nhanh nhẹn, hiền lành, phàm ăn, chịu khó gặm cỏ để làm giống.

Để có bò cái sinh sản tốt sau này cần nuôi dưỡng tốt ngay từ khi bê cái mới được sinh ra. Bê cái cần có bụng to để sau này sử dụng được nhiều thức ăn, nên tập cho bê ăn cỏ càng sớm càng tốt vì cỏ có tác dụng kích thích bộ máy tiêu hóa sớm phát triển. Sau một tháng tuổi có thể bổ sung một ít thức ăn tinh. Khi bê được 4 tháng tuổi, tập cho bê ăn thêm các loại khác như bí đỏ, củ khoai… Ở giai đoạn bú sữa bê cái cần được chăm sóc chu đáo, đảm bảo vệ sinh thức ăn nước uống, chuồng trại luôn sạch sẽ thoáng mát vào mùa hè ấm áp vào mùa đông.

Tách bê ra khỏi nguồn sữa mẹ khi bê được 6 tháng. Lúc này có thể áp dụng lượng thức ăn và nước uống đầy đủ để bê sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Ở giai đoạn sau cai sữa thức ăn chủ yếu của bê là cỏ và các loại thức ăn thô xanh khác. Việc sử dụng nhiều thức ăn thô xanh giúp cho bộ máy tiêu hóa phát triển và nâng cao khả năng sinh sản sau này. Về mùa đông nếu thiếu cỏ tươi có thể sử dụng các loại thức ăn xanh khác và thức ăn thô để thay thế một phần cỏ tươi. Lưu ý bên dưới 1 năm tuổi không nên cho ăn rơm ủ urê mà chỉ cho ăn rơm khô. Ở giai đoạn này, ngoài các khâu chăm sóc thông thường bê cần được phun diệt ký sinh trùng ngoài da 7 -10 ngày/lần và tiêm phòng định kỳ các bệnh truyền nhiễm thông thường theo hướng dẫn của thú y.

Khi bê cái đến tuổi động dục, cần theo dõi chu kỳ động dục có đều đặn không, các biểu hiện động dục có rõ ràng, dễ nhận biết không. Sau khi phối giống, cần theo dõi khả năng thụ thai có tốt không. Nếu phối giống nhiều lần không đạt thì nên thải loại sớm chuyển sang lấy thịt hoặc cày kéo. Những con bò cái đã đẻ nhưng ít sữa, nuôi con không khéo cũng nên loại thải vì tiếp tục nuôi sẽ không hiệu quả.

Phát hiện được đúng thời điểm bò cái động dục thì khi phối giống khả năng thụ tinh sẽ cao. Do vậy bà còn cần tính toán và giám sát kỹ thời điểm động dục của bò. Thường có các biểu hiện như : bò kêu rống, dáng đi lại bồn chồn, phá chuồng, kém ăn hoặc bỏ ăn, hưng phấn cao độ, thích nhảy lên lưng con khác sau đó đứng yên để con khác nhảy lên, âm hộ hơi mở, có màu đỏ hồng, niêm dịch từ âm hộ chảy ra như nhựa chuối.

Đối với bò cái đang chửa ở bốn tháng đầu, trong chế độ ăn chỉ cần bổ sung thêm 0,3 đến 0,5kg  thức ăn tinh. Từ tháng thứ năm trở đi cần bổ sung 1 đến 1,2 kg thức ăn tinh mỗi ngày và giảm đi 2-3 kg cỏ. Vì lúc này thai phát triển nhanh đòi hỏi nhiều dinh dưỡng, mặt khác thai chèn ép bộ máy tiêu hóa nên khả năng ăn giảm.

Đối với bò cái đang nuôi con, ngoài lượng thức ăn như đối với bò trưởng thành cần bổ sung 1 kg đến 1,5 kg thức ăn tinh để đủ sữa cho bê con bú, thức ăn thô xanh có thể cho ăn tự do.

Cách chăm sóc bò cái trong giai đoạn chửa đẻ:

Ở giai đoạn bò chửa không nên cho bò vận động mạnh. Tránh cho ăn các thức ăn kém chất lượng và thức ăn có chứa urê. Bò chửa nên nhốt ở chuồng riêng và chăn thả riêng ở những bãi cỏ tốt gần chuồng, tránh đi xa và chăn thả ở những nơi có độ dốc lớn, địa hình phức tạp. Thường xuyên xoa luyện để kích thích bầu vú phát triển (chú ý ngừng xoa luyện trước khi bò đẻ khoảng 1 tuần, để tránh xuống sữa sớm, gây mất sữa).

Trước khi bò đẻ khoảng 10-15 ngày, chỉ nên chăn thả ở những bãi cỏ tốt, bằng , gần chuồng . Chuồng đẻ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, được tẩy uế cẩn thận, có chất độn chuồng sạch, yên tĩnh và đủ ánh sáng. Nên  cho bò vào trước một tuần để làm quen với chuồng đẻ.

Dựa vào lịch phối giống và biểu hiện của bò để dự kiến thời gian bò sinh. Bò đẻ có các biểu hiện như sụt mông, nhựa chuối chảy ra từ âm hộ, bầu vú căng, núm vú vểnh ra.

Bò thường đẻ vào ban đêm cần phải bố trí người trực đẻ để can thiệp kịp thời khi cần thiết. Nếu thai quá to hoặc bò mẹ rặn yếu thì hỗ trợ bằng cách dùng tay nhẹ nhàng kéo thai ra một cách từ từ theo nhịp rặn của bò mẹ, Nếu thấy khó khăn, phức tạp cần nhanh chóng báo cho cán bộ thú y đến can thiệp.

Sau khi bò đẻ, cần nhanh chóng móc hết nước dãi ở miệng mũi bê, bóc màng mỏng, cắt rốn, dùng khăn giấy hoặc rơm lau qua, cho bò mẹ liếm. Nhanh chóng rửa sạch phần mông háng, âm hộ, bầu vú bò mẹ bằng nước ấm và làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho bò mẹ uống nước cháo có pha muối và nhanh chóng cho bê bú mẹ càng sớm càng tốt.

Cần theo dõi tình hình sức khỏe, ăn uống của bò mẹ trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh để phát hiện những biểu hiện gì bất thường. Nếu sức khỏe bò mẹ bình thường, sau 5 đến 7 ngày có thể đi chăn thả ở những bãi gần chuồng.

 

Thùy Dung