00:00 Số lượt truy cập: 2668571

Kinh nghiệm nuôi trồng nấm sò 

Được đăng : 27/07/2022
Nấm sò (Oyster) được trồng ở miền Bắc có tên khoa học Pleurotus spp. Nấm sò có hình thái quả thể tai nấm dạng phễu lệch, phiến mang bào tử kéo dài xuống đến chân, cuống nấm gần gốc có lớp lông nhỏ mịn. Tai nấm sò còn non có màu sắc sậm hoặc tối, nhưng khi trưởng thành, màu trở nên sáng hơn. Nấm sò là loại dễ trồng, năng suất cao, ăn ngon; thích hợp trồng trên mạt cưa, bã mía và rơm, rạ.

1namso11

Nấm sò

 

1. Nguyên liệu trồng nấm

Có 2 phương pháp để xử lý nguyên liệu trồng nấm sò là ủ đống lên men gia nhiệt và hấp khử trùng.

* Ủ nguyên liệu: Rơm rạ khô được làm ướt bằng nước vôi, sau đó chất đống ủ (không cần trộn hoá chất). Sau 2 - 3 ngày, đảo đống ủ và ủ tiếp 3 - 4 ngày. Trong khi đảo đống ủ, chỉnh độ ẩm đạt chuẩn, phía ngoài đống ủ dùng ny - lông quây xung quanh để giữ nhiệt và giữ ẩm. Rơm rạ đã ủ 6 - 7 ngày, đảm bảo độ ẩm đạt 60 - 65%. Rơm rạ có mùi thơm dễ chịu, màu vàng sáng và mềm. Sau đó băm rơm rạ thành từng đoạn 7 - 10 cm để đóng túi, cấy giống.

* Xử lý nguyên liệu rơm rạ, bông phế liệu và mùn cưa bằng cách hấp khử trùng: Rơm rạ chặt đoạn ngắn 10 - 15 cm ngâm trong nước vôi 15 - 20 giờ, vớt ra ép ráo nước. Bông phế liệu làm ướt như ở phương pháp ủ. Mùn cưa tạo ẩm, ủ 4 - 6 ngày. Các loại nguyên liệu này sau khi kiểm tra đảm bảo đủ độ ẩm, phối trộn thêm với 5 - 10% cám gạo hoặc cám bắp. Đóng nguyên liệu vào túi ny - lông chịu nhiệt, trọng lượng túi 0,8 - 1,2 kg/ túi (kích thước 30 x 40 cm), nút cổ túi bằng nút nhựa và bông không thấm nước sau đó đưa vào hấp khử trùng bằng các cách như sau:

+ Hấp khử trùng trong nồi autoclave (nồi áp suất) ở áp suất 1 atm, nhiệt độ 1210C trong 90 phút.

+ Hấp trong thùng phuy (hấp cách thuỷ) ở nhiệt độ 90 - 1000C thời gian từ 5 - 6 giờ

Lấy bịch nấm ra để nguội trong phòng sạch, cấy giống. Với rơm rạ, dùng túi ni lon kích cỡ 30 x 40 cm (mùa hè) và 35 x 50 cm (mùa đông). Bông phế liệu, dùng túi 25 x 35 cm.

- Tỷ lệ giống nấm khoảng 20 - 40 g cho 1 túi (40 kg giống cho 1 tấn nguyên liệu khô). Khu vực cấy giống nấm cần sạch sẽ, kín gió, nếu có điều kiện thì chuẩn bị một phòng riêng để hạn chế các bào tử nấm dại trong không khí rơi vào túi nấm gây nhiễm tạp.

- Cách cấy giống:

+ Giống nấm đúng tuổi, được bẻ tơi và kiểm tra nhiễm mốc.

+ Bịch để nguội bay hết hơi nóng.

Cho 1 lớp nguyên liệu 7 - 10 cm vào túi ni lon đã gấp đáy vuông, rắc một lớp giống xung quanh thành túi, những lớp trên cho nguyên liệu dày 7 - 10 cm và rải giống quanh thành túi, làm như vậy đủ 2 - 3 lớp giống, lớp trên cùng rắc giống đều trên bề mặt. Sau đó lấy 1 lượng bông bằng chén uống  nước làm nút, quấn dây cao su chặt nút bông. Bịch (túi) đã cấy giống căng tròn, độ nén vừa phải. Trọng lượng của 1 bịch (rơm, rạ) khoảng 0,8 - 1,2 kg, bông phế liệu là 1 - 1,5 kg/bịch.

- Xử lý nguyên liệu: Ta phải cấy giống trong bốc cấy hoặc tủ cấy giống.

2. Nuôi sợi

Bịch nấm sò đã cấy giống được chuyển vào phòng nuôi tơ, đặt trên giàn giá hoặc để trực tiếp xuống nền đất, miệng túi lên phía trên. Xếp các bịch cách nhau 2 - 3 cm, nhà ủ cần thoáng mát, sạch sẽ, không cần ánh sáng. Thời gian nuôi tơ kéo dài khoảng 20 - 25 ngày tùy theo mùa và thời tiết. Sợi nấm phát triển sẽ mọc dần vào nguyên liệu tạo nên màu trắng đồng nhất, bịch rắn chắc là tốt.

Kiểm tra thấy bịch bị nhiễm mốc xanh đen, những trường hợp như vậy đều chọn loại ra và vứt bỏ các bịch nhiễm ra xa nơi nuôi trồng.

3. Chăm sóc và thu hái

* Rạch bịch: Nấm phát triển tốt sau 20 - 25 ngày kể từ lúc cấy giống, sợi mọc trắng kín bịch. Dùng dao nhọn, sắc, rạch 4 - 6 vệt theo chiều dọc xung quanh bịch; chiều dài vết rạch 3 - 4 cm; sâu 2 - 3 mm, khoảng cách giữa các vết rạch so le và đều nhau. Gỡ bỏ nút bông, dùng tay ép nhẹ vào bịch nấm (nếu là bịch bông không cần nén bịch) dùng dây thun buộc kín miệng túi. Chuyển bịch sang nhà chăm sóc hoặc tại chỗ, úp miệng bịch nấm quay xuống dưới, có thể treo dây để tận dụng diện tích. Khoảng cách giữa các bịch hoặc dây treo từ 30 - 40 cm để khi nấm mọc không chạm vào nhau.

* Chăm sóc: Sau khi rạch bịch chỉ tưới nước tạo ẩm nền, được 4 - 6 ngày, nấm bắt đầu có mầm quả thể ở vết rạch, lúc này tiến hành tưới nước lên bịch nấm. Trong giai đoạn này, cây nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước, nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, thối rữa. Trung bình một ngày tưới 2 - 3 lần. Sau khi thu hái hết một đợt, ngừng tưới nước, khoảng 3 - 5 ngày sau, nấm lại ra tiếp đợt 2; 3; 4; 5.

* Thu hái nấm: Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Tiêu chuẩn là rìa mũ nấm vẫn co vào trong sắp dàn phẳng, thịt nấm dày, chắc, mập và non. Lúc này nấm chuẩn bị phát tán bào tử, là thời điểm hái nấm. Nếu nhìn thấy “làn khói trắng” bay ra từ cây nấm, đó là các bào tử phát tán (biểu hiện nấm già). Thời gian thu hái nấm từ 40 - 45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên. Chăm sóc tốt sau 2 - 3 lứa đầu, nén nhẹ bịch nấm cho căng, chặt, buộc miệng như cũ. Treo và chăm sóc tiếp, khi nào bịch hết dinh dưỡng, mới hết nấm.

Bắc Hà