00:00 Số lượt truy cập: 2668156

Kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu bền vững của một lão nông ở Đắk Nông 

Được đăng : 03/04/2023

ho-tieu
Ảnh minh họa

Ông Bùi Ngọc Hải ở thôn 4, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông là một trong những người dân trồng tiêu lâu năm nhất trong vùng với 2.000 trụ tiêu, trong đó 500 trụ trồng thuần năm 2.000 và 1.500 đang bước sang giai đoạn kinh doanh. Hàng năm, ông thu được gần 7 tấn tiêu, chủ yếu là trên các trụ tiêu già, năng suất luôn giữ ở mức ổn định qua các năm (5 kg/trụ). Với những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được, ông quyết tâm chăm sóc tiêu theo hướng bền vững nên vườn tiêu của gia đình ông chưa hề bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong khi đó tại địa phương cũng như các vùng trồng tiêu khác trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm cho diện tích tiêu chết hàng loạt.

Qua nhiều năm trồng tiêu, ông Hải nhận thấy sử dụng trụ sống muồng đen, lồng mức để tiêu leo bám là một biện pháp an toàn vì không chỉ che mát, mà còn kéo dài thời gian khai thác, tạo tiểu khí hậu đồng ruộng, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Nguồn giống tiêu ban đầu phải được lựa chọn ở những vườn không bị nhiễm bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quá trình canh tác, không nên lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mà cần chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học của các công ty, đơn vị có uy tín, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các chế phẩm này giúp phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ trên cây hồ tiêu. Ngoài ra ông mua phân chuồng về ủ hoai mục kết hợp với các loại nấm đối kháng, mỗi trụ ông bón 10 kg/năm. Do đó từ khi trồng đến nay, vườn tiêu của gia đình ông không xuất hiện triệu chứng bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ngoài những kinh nghiệm thực tế ông còn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những chuyên gia, các hộ trồng tiêu giỏi, các lớp tập huấn của các đơn vị, công ty tổ chức để có sự lựa chọn đúng đắn trong vấn đề chọn phân bón vô cơ. Ông chỉ dùng phân Behn Meyer của Đức hoặc phân Yara của Na Uy, mỗ inăm bón 7 – 8 đợt, mỗi đợt  từ 100 - 120 gam/trụ. Theo ông, vì bộ rễ hồ tiêu rất mẫn cảm nên việc chia nhỏ phân vô cơ làm nhiều lần để bón sẽ giúp cây hút dinh dưỡng được tối ưu hơn. Bón phân quá nhiều vừa gây lãng phí, vừa gây hại cho đất, ô nhiễm môi trường từ đó tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại tấn công.

Để quản lý sâu bệnh hại, ông thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm các triệu chứng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời. Hàng năm, trong mùa mưa, khi đất đảm bảo đủ ẩm, bổ sung các chế phẩm sinh học như Tricoderma, Bacillus, Nano chitosan, các enzym..., nấm 3 màu để phòng sâu bệnh. Ông làm sạch cỏ trong bồn bằng phương pháp thủ công, còn cỏ bên ngoài thì để lên cao rồi dùng máy phát. Xác, thân cỏ trả lại cho đất là nguồn phân hữu cơ bổ ích.

Đối với công đoạn thu hoạch, phải để quả già, chín để thu tập trung vì thu hoạch nhiều lần làm cây suy yếu. Để đạt được điều này thì sau thu hoạch phải bón các loại phân có hàm lượng đạm, lân cao giúp phục hồi cây, giúp cây ra rễ tốt và phân hóa mầm hoa. Trước khi tưới nước 15 - 20 ngày, phun phân bón kích thích phân hóa mầm hoa để hoa nở đồng loạt. Điều này giúp cho quá trình chăm sóc cũng như thu hoạch sau này được thuận lợi.

Bắc Hà