00:00 Số lượt truy cập: 2670401

Kinh nghiệm trị bệnh cảm nắng, nóng ở đàn gia súc 

Được đăng : 10/10/2023

 

traubocamnang600x4001
Ảnh minh họa

Bệnh thường xảy ra vào mùa nắng, do tính chất thời vụ gieo cấy trong vụ mùa đặc biệt là vụ mùa sớm, mùa trung ở miền bắc nhu cầu làm đất gieo cấy tăng cao trong thời gian ngắn, gia súc vì nhiều lý do phải ở ngoài nắng trong một thời gian lâu, tia hồng ngoại chiếu vào vùng đầu, gây nên trạng thái xuất huyết não và màng não, có thể làm gia súc chết rất nhanh.

1. Nguyên nhân gây  bệnh:

- Cho gia súc làm việc nhiều giờ dưới trời nắng gắt, nhất là thời điểm từ 11 giờ trưa đến 2- 3 giờ chiều.

- Nhốt tập trung gia súc ngoài trời nắng, không có bóng cây.

- Vận chuyển gia súc trên tàu, xe không có mái che trong thời gian dài.

2. Triệu chứng:

Bệnh phát ra đột ngột khi gia súc đang ở ngoài nắng, con vật ngây ngất, chân đi lảo đảo, niêm mạc tím bầm.

- Đối với ngựa, trâu, bò toàn thân đổ mồ hôi.

- Đối với lợn còn có thêm triệu chứng nôn mửa.

Một thời gian ngắn sau đó, do thần kinh bị kích thích làm xuất hiện thêm các triệu chứng thần kinh như gia súc, lồng lộn lên, hoặc rất sợ hãi, hai mắt lồi lên, đỏ ngầu. Mạch nhanh và yếu, con vật thở rất khó khăn. Trước khi chết gia súc ngã, đồng tử bị thu hẹp, con vật mất hẳn các phản xạ toàn thân, co giật rồi chết.

3. Chẩn đoán:

Bệnh rất dễ phát hiện, thường chỉ cần căn cứ vào các triệu chứng kể trên với các hoàn cảnh và gia súc đang ở ngoài nắng trong thời gian khá lâu là đủ để kết luận. Tuy nhiên cũng cần lưu ý các trường hợp bệnh ở thể cấp cũng có kèm theo triệu chứng thần kinh như  bệnh viêm não tủy, ngộ độc cấp tính.

4. Điều trị:

Đầu tiên phải nhanh chóng đưa con vật bệnh vào chỗ mát, nếu quá nặng, té ngã không thể đi được, phải tạo ngay bóng mát tại chỗ cho nó. Nếu đang vận chuyển phải dừng xe, đưa ngay xe vào chỗ mát.

Dùng nước mát dội toàn thân cho gia súc, đầu tiên là dội vào vùng đầu, dội nhiều lần cho nhiệt độ hạ dần, sau đó mới dội nước lên vùng thân. Nếu có điều kiện, dùng nước đá chườm vùng đầu cho gia súc. Dùng thuốc trợ tim và trợ hô hấp cho con vật như  Cafein, Camphorate. Cho uống hoặc chích thuốc hạ sốt cho gia súc,

Cho uống nước đường glucogia, tiêm truyền nước sinh lý vào tĩnh mạch.

Chích vitamin C liều cao (10 mg/kg thể trọng/ lần) 2 ngày. Nếu nó đi lại được, ăn uống được, chỉ cần dùng vitamin C và cho gia súc, nghỉ ngơi. Tiếp tục như vậy cho đến khi con vật khỏe mạnh hoàn toàn. Đối với gia súc làm việc cần cho nó nghỉ ngơi thêm 4-5 ngày mới cho làm việc trở lại.

5. Phòng bệnh:

Vào mùa nắng cần có chế độ quản lý thích hợp về giờ giấc cho con vật làm việc và vận chuyển con vật. Nếu bắt buộc phải cho con vật làm việc ngoài nắng, không nên cho con vật ở lâu ngoài nắng, thỉnh thoảng phải cho con vật vào chổ mát để nghỉ ngơi. Khi thấy có dấu hiệu mệt cần cho con vật  nghỉ ngay.

II. Bệnh cảm nóng

Bệnh cũng phát ra vào mùa nóng. Sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể quá mức cho phép làm xuất hiện căn bệnh này.

1. Nguyên nhân gây bệnh:

Nhiệt độ môi trường, như nhiệt độ ở chuồng trại, trong xe vận chuyển con vật quá nóng, nhất là lúc độ ẩm không khí cao, sự thảy nhiệt không hữu hiệu làm tăng thân nhiệt của con vật.

Do con vật phải vận động, làm việc trong điều kiện nhiệt độ môi trường nóng, thiếu cung cấp nước uống.

2. Triệu chứng:

Bệnh xuất hiện khá đột ngột có thể trên nhiều con trong bầy, hoặc chỉ một vài con. Thường những con mập mỡ, dễ mẫn cảm với bệnh nhất.

Triệu chứng đầu tiên là gia súc, tỏ ra rất mệt mỏi, nằm một chỗ, nhịp thở tăng rất nhanh, toàn thân đỏ ửng (đối với lợn có lông trắng), niêm mạc xung huyết, thân nhiệt tăng lên rất cao, có thể đến trên 41ºC, tim đập rất nhanh.

Các triệu chứng trên có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ nếu không có biện pháp chữa trị, và nhiệt độ môi trường vẫn cao tình trạng bệnh sẽ nặng thêm với các biểu hiện sau đây:

- Con vật thở khó, mũi banh ra để thở, tần số hô hấp rất cao.

- Tim đập yếu, mạch chìm do máu bị cô đặc.

- Niêm mạc trở nên tím tái.

- Đối với lợn có thêm triệu chứng nôn mửa.

- Con vật nằm liệt, sau cùng các cơ co giật, đồng tử mở rộng, con vật bị hôn mê.

- Khi chết có triệu chứng sùi bọt mép, có khi lẫn máu.

3. Chẩn đoán:

Cần phân biệt bệnh cảm nắng với bệnh cảm nóng. Ở bệnh cảm nắng, nhiều khi thân nhiệt không tăng quá cao, còn ở bệnh cảm nóng, triệu chứng thần kinh không mạnh mẽ bằng bệnh cảm nắng.

4. Điều trị:

-  Nhanh chóng hạ nhiệt độ cho cơ thể con vật bằng các biện pháp đưa con vật vào những nơi thông thoáng, dùng nước lạnh dội vào đầu, sau đó dội toàn thân nhiều lần, cấp thuốc hạ sốt để tăng cường giải cho con vật..

+ Paracetamol: 20 mg /kg thể trọng/ lần. Ngày cho uống 2 lần.

+ Anagin: 10 mg /kg thể trọng, chích bắp ngày 2 lần.

- Cấp nước cho con vật bằng cách cho con vật uống nước mát, đồng thời tiến hành tiêm truyền nước sinh lý vào tĩnh mạch hoặc xoang bụng.

- Trợ tim hoặc trợ hô hấp cho con vật bằng Cafein hoặc Camphorate. Chích vitamin C liều cao (10 – 15 mg/kg thể trọng/ lần. Ngày chích 2 lần).

 

 

 

Phương Loan