00:00 Số lượt truy cập: 3016009

Kinh nghiệm trồng na đạt năng suất cao 

Được đăng : 04/12/2023

 

          1. Xử lý ra hoa trái vụ

          Thường thì thu hoạch quả na vào tháng 6 – 7, vào thời điểm này cũng là mùa của nhiều loại trái cây khác nên giá na thường rẻ, vì vậy thu nhập của người nông dân không được cao.

          Để có thu nhập cao hơn, nên sử dụng biện pháp thâm canh cho na ra hoa trái vụ.

         Theo hướng dẫn và kinh nghiệm thì chỉ nên xử lý cho na ra hoa trái vụ đối với những cây đã hơn 5 năm tuổi; sau khi thu hoạch chính vụ xong, nên tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và quả non; tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân để cho cây phục hồi.

        Vào thời điểm tết Trung thu (rằm tháng 8) thì bắt đầu hái bỏ toàn bộ lá trên cây; sau đó ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh; lúc này, nên bón đạm ít lại và tăng lượng lân và kali. Lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10 - 15kg phân chuồng ủ hoai mục, 300 - 400g NPK (20:20:15), 1,0kg lân, 1,0 kg phân hữu cơ và khoảng 100g urê; sau đó cứ 10 - 15 ngày thì bón lại, trung bình bón khoảng 8 - 10 đợt cho đến khi thu hoạch.

        Sau khi lá rụng, khoảng nửa tháng sau cây bắt đầu ra hoa, đậu quả và sau khoảng 3 tháng 10 ngày thì thu hoạch quả; trong thời gian này cần phòng trừ rệp sáp, sâu đục quả và một số loại côn trùng gây hại khác; nếu trên một chùm có quá nhiều quả thì phải tỉa bỏ hết chỉ để lại 1 đến 2 quả khoẻ để quả phát triển to và nhanh hơn. Khi thấy na có vỏ chuyển màu vàng, rãnh giữa các mắt to, đầy lên thì nên thu hoạch, không để chín cây; thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào lúc sáng sớm và nên lót lá mềm khi sếp quả, tránh làm dập quả.

         2. Hỗ trợ thụ phấn bổ sung cho na sai quả

        Cây na ra rất nhiều hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhuỵ cái thường nở lệch pha nhau; thường thì nhị đực nở trước, tung phấn rất lâu, sau đó nhuỵ cái mới nở nên rất khó tự thụ phấn, nếu có thụ phấn được thường do gió hoặc côn trùng nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều quả có tỷ lệ múi lép cao do thụ phấn không hoàn toàn. Muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải có hỗ trợ thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.

        Cách lấy phấn hoa: Chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn; chọn hái những hoa sắp nở, cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt; thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều từ 3 đến 6 giờ, hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn; sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thuỷ tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.

        Cách thụ phấn: Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhuỵ cái giữa lòng hoa; thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8 – 10 giờ sáng, hoa nào nở trước thì thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo.

        Kinh nghiệm cho thấy, nếu có điều kiện có thể thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều nhau trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng quả sau này. Trong thời gian thụ phấn bổ sung không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước; khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời để nuôi quả lớn./.

                                                                                               Hải Thành