Rau gia vị không chỉ là gia vị tuyệt vời giúp món ăn thêm phần ngon miệng, mà còn có nhiều công dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Trong nhiều nền y học truyền thống, rau gia vị đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp. Trong số này, Website Khoahocchonhanong tiếp tục hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc một số rau gia vị phổ biến không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe chúng ta.
1- Rau Kinh giới
Kinh giới, một loại rau quen thuộc vườn nhà - Ảnh ST
Rau Kinh giới hay còn gọi là khương giới hoặc canh giới, là loại cây thảo dễ trồng và rất thích hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Kinh giới có vị thơm mát dễ chịu, ít nồng nên thường được ăn sống cùng các loại rau khác…vừa để giảm tính hàn trong các món, vừa tăng hương vị cho món ăn. Kinh giới có tính nóng, giúp ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa cảm gió… Ngoài vai trò là rau gia vị, kinh giới còn có nhiều lợi ích y học như hỗ trợ chữa cảm lạnh, viêm họng và cải thiện hệ tiết niệu. Đây cũng là một trong những loại rau có công dụng lợi tiểu và hỗ trợ điều trị khàn tiếng hiệu quả.
1.1.Giống và đất trồng:
Rau Kinh giới có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa. Kinh giới được trồng bằng hạt hoặc giâm cành.
Bà con cần làm đất tơi xốp, bằng phẳng và xử lý đất bằng thuốc phòng trừ kiến. Rải đều hạt giống trên mặt liếp, sau đó phủ một lớp đất mỏng đồng thời một lớp mỏng rơm rạ để giữ ẩm kích thích hạt nảy mầm. Ruộng trồng đất được cày bừa kỹ, tơi xốp, lên liếp.
- Đối với gieo hạt, khi cây con được 25 - 30 ngày sau gieo, cao 10 - 15cm tiến hành nhổ đem cây ngoài ruộng trồng cây cách cây 15 x 15cm (nếu thu hoạch cả cây), hoặc cây cách cây 25 - 30cm (nếu để cây thu hoạch nhiều lần).
- Đối với giâm cành: chọn những cây khoẻ, không sâu bệnh, cắt những đoạn cành dài 12 - 14cm có 3 - 4 mắt, không quá non và không quá già làm cành giống giâm ngoài ruộng trồng. Sau đó giâm xuống đất khoảng 2/3 chiều dài của cành, cành cách cành 10 - 15cm, hàng cách hàng 20 - 25cm. Tưới nước đủ ẩm kích thích cành ra rễ.
1.2. Phân bón và cách chăm sóc:
Cũng như đa số các loại cây gia vị khác, trước khi trồng, bà con cần bón lót cho đất bằng phân cơ hữu sinh học và supper lân. Sau trồng khoảng 7 ngày cành bắt đầu ra rễ và phát triển bình thường, tiến hành bón thúc bằng phân đạm theo phương pháp pha loãng Urê (0,3 -0,5%) và tưới hoặc sử dụng các loại phân khác. Định kỳ khoảng 10 ngày bón 1 lần.
Sau khi trồng, tưới nước giữ đủ ẩm cho cây. Tùy theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm cỏ để tránh cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau.
1.3. Phòng trừ sâu bệnh:
Cây Kinh giới không có nhiều sâu bệnh hại. Tuy nhiên, thường xuyên theo dõi đồng ruộng phòng trị kịp thời. Tuỳ theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chế phẩm sinh học.
Sau khi cây trồng khoảng 30 ngày là có thể thu hoạch. Nếu cây thu hoạch nhiều lần thì thu hoạch đợt 2 cách đợt 1 khoảng 20 - 30 ngày tùy theo quá trình chăm sóc và tình hình sinh trưởng của cây.
2- Rau Tía tô
Tía tô – Một loại rau gia vị quan trọng trong bữa ăn của gia đình người Việt. - Ảnh ST
Tía tô là loại rau quen thuộc thuộc họ hoa môi, với lá hơi cứng và có màu tím đặc trưng. Tía tô có vị cay, tính ấm, là một loại rau thơm không thể thiếu trong các món ăn dân dã của Việt Nam. Tía tô không chỉ là loại rau gia vị thông dụng mà còn được xem là dược liệu quý trong đông y. Tía tô có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa và giảm cơn ho do cảm cúm. Lá tía tô thường được nấu cháo hoặc pha nước uống để giải cảm. Ngoài ra, nước ép lá tía tô còn giúp giảm dị ứng do hải sản và hỗ trợ làm đẹp da. Tía tô còn có tác dụng giải độc, an thai và giảm đau. Tía tô được ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị các bệnh về dạ dày, tiêu hóa và hỗ trợ làm mát cơ thể, đặc biệt là trong mùa hè.
1.1.Giống và đất trồng:
Cây Tía tô có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên phải chủ động được nguồn nước tưới. Có 2 phương pháp là gieo hạt thẳng ngoài ruộng trồng, hoặc gieo trong vườn ươm và giâm cành.
Đất trồng cây Tía tô cần được cày bừa kỹ, nhuyễn, sạch cỏ, lên liếp rộng 1 – 1,2m, cao 10 - 15cm, dài tùy kích thích ruộng trồng. Nếu gieo hạt thì liếp phải được cày bừa kỹ, bón lót. Trước khi gieo nên rải Basudin và sau khi gieo phủ rơm. Khi hạt nẩy mầm phải lấy lớp rơm ra để cây phát triển.
Nếu gieo trong vườn ươm, cây đạt 5 - 6 lá thật, chọn những cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, nhổ đem trồng ngoài ruộng trồng với khoảng cách cây cách cây 15 - 20cm.
1.2. Phân bón và cách chăm sóc:
Bón lót cho đất trước khi trồng bằng phân hữu cơ sinh học. Sau trồng khoảng 10 ngày thì có thể dùng phân đạm để bón thúc và bón định kỳ cách nhau khoảng 10 ngày bằng cách pha loãng phân urê với nồng độ 20g/10 lít nước và tưới cho cây.
Ngoài ra, sau mỗi lần thu hoạch bằng phương pháp tỉa cành cần tưới phân đạm giúp cây mau hồi phục.
Sau khi trồng, tưới nước giữ đủ ẩm cho cây. Tuỳ theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm cỏ, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau. Sau khi tỉa cành cần tưới nước cho cây.
1.3. Phòng trừ sâu bệnh:
Cây Tía tô thường hay mắc các bệnh như: bệnh chết rạp cây con do nấm Fusarium sp. gây nên và sâu ăn lá. Do đó, bà con cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng phòng trị kịp thời. Phòng trừ bằng cách xử lý đất bằng vôi trước khi trồng. Vào mùa mưa nên làm chân liếp cao, trồng thưa, thu gom tàn dư cây trồng đem huỷ. Tuỳ theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại chế phẩm sinh học.
Khi cây đạt 25 -30 ngày tuổi có thể thu hoạch bằng phương pháp tỉa cành. Cắt cành chừa lại phần gốc khoảng 10cm (2 - 3 tầng lá). Sau khi tỉa cành cần tưới nước, tưới phân giúp cây mau hồi phục.
3- Cây Lá lốt
Cây lá lốt là một loại cây thảo sống nhiều năm được xếp vào nhóm họ Hồ tiêu. Cây lá lốt có thân tròn nhỏ có rãnh dọc, cây cao 30 - 40cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài trườn trên mặt đất. Lá đơn, có mùi thơm, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành cụm ở nách lá. Cây lá lốt có thể trồng bằng cách giâm cành hoặc cắt thân mang rễ. Giống cây này nhìn chung tương đối dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất nhiều mùn và có bóng cây mát.
Cây lá lốt có nhiều công dụng trong ẩm thực và y học. Lá lốt được dùng để cuốn chả, thịt nướng, hoặc làm gia vị cho các món canh, xào. Lá lốt có vị nồng, cay, tính ấm còn có tác dụng chống hàn, giảm đau, kích thích tiêu hóa. Theo khoa học, giống lá này còn chứa các chất kháng khuẩn, chống viêm và giải độc. Ngoài ra, lá lốt còn có thành phần dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, canxi, photpho, sắt, caroten và vitamin C.
1.1.Giống và đất trồng:
Cây Lá lốt có thể trồng được quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa, giúp cây hồi phục nhanh. Cây có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều chất đất. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt thì chọn chất đất nhiều mùn, nhiều dinh dưỡng và ẩm ướt hoặc dưới bóng cây mát.
Lá lốt trồng bằng cách giâm cành. Chọn những cây sinh trưởng mạnh như lá có màu xanh bóng, mượt, to, không sâu bệnh, cắt thành từng đoạn dài 20 - 30cm. Giâm những đoạn thân giống trực tiếp trên liếp đã chuẩn bị trước. Phần giâm xuống đất khoảng 2/3 đoạn thân, tưới nước nhẹ cho cây đủ ẩm.
1.2. Phân bón và cách chăm sóc:
Bà con nên dùng các loại phân hữu cơ, phân lân và phân kali dùng bón lót toàn bộ trong khi làm đất. Lượng đạm có thể chia bón thúc làm nhiều lần. Sau trồng khoảng 10 ngày thì có thể bón phân và bón định kỳ cho cây. Tuỳ theo đất và sự sinh trưởng của cây mà điều chỉnh lượng phân cho phù hợp.
Sau khi trồng, tưới nước thường xuyên để giữ đủ ẩm cho cây. Tuỳ theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm sạch cỏ dại, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây.
Sau khi trồng khoảng 1 tháng thì có thể thu hoạch Lá lốt. Tuỳ theo mục đích sử dụng mà cắt nguyên đoạn thân hoặc hái lá. Tuy nhiên, khi cắt thân, chừa lại 10 - 15cm để cho cây tái sinh. Bà con nên thu hoạch lá lốt thường xuyên để kích thích cây ra nhiều nhánh và lá hơn. Ngoài ra, chú ý bón phân cho cây sau khi thu hoạch để duy trì sức khỏe và năng suất của cây
1.3. Phòng trừ sâu bệnh:
Lá lốt là cây rất ít bị các loại sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, bà con vẫn cần theo dõi để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của sâu ăn lá, rệp sáp hoặc nấm bệnh. Sử dụng các biện pháp sinh học hoặc thuốc trừ sâu an toàn nếu cần thiết. Bên cạnh đó, bà con nên cắt tỉa cây thường xuyên để cây đủ không gian phát triển. Loại bỏ các cành chết, gãy hoặc bị bệnh, ngăn ngừa sự lây lan của nấm mốc và côn trùng.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết chia sẻ trên đây sẽ giúp bà con nông dân trồng và chăm sóc thành công các loại rau gia vị phổ biến được sử dụng nhiều ở Việt Nam, vừa làm phong phú bữa ăn, bảo vệ sức khỏe gia đình vừa giúp cho bà con nông dân nâng cao được thu nhập./.
Phùng Hà