Rau là một loại thực phẩm quan trọng không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Rau chứa một lượng lớn nước, carbohydrat, vitamin, đạm, đường, tinh dầu, các hợp chất khoáng và acid hữu cơ, …. giúp nhuận trường, tăng khả năng tiêu hóa. Với các thành phần dinh dưỡng phong phú, rau là một loại thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người chúng ta ngày nay. Tuỳ theo đặc điểm, công dụng của mỗi cây rau khác nhau, … chia ra làm nhiều loại khác nhau. Trong đó có rau gia vị.
Rau gia vị là nhóm rau có mùi thơm đặc trưng nhờ chứa các loại tinh dầu tự nhiên, thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến với những loại thực phẩm khác để kích thích ăn ngon miệng do đặc điểm của các loại rau này có mùi vị đặc biệt làm cho món ăn thơm hơn, ngon hơn, … Theo đông y, rau gia vị không chỉ làm phong phú ẩm thực mà còn có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, mang lại lợi ích cho sức khỏe. Rau gia vị chứa những chất có tác dụng dược lý nên được sử dụng làm những vị thuốc nam có giá trị sử dụng rất an toàn và hiệu quả cao như: Diếp cá có tinh dầu và chất Ancaloit có tác dụng kháng sinh. Húng quế có mùi thơm của chanh và của sả, vị cay, tính nóng, thơm dịu có thể chữa được bệnh cảm cúm. Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng lợi tiểu, trừ sốt. Rau răm tính ấm, cay nồng, mùi thơm có tác dụng sát trùng…
Ngày nay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng rau xanh cũng hết sức phong phú về chủng loại, đa dạng về số lượng và đặc biệt phải an toàn. Website Khoahocchonhanong xin hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng một số loại rau gia vị an toàn, dễ thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống hàng ngày cũng như giúp nhà nông tăng thêm thu nhập.
Rau gia vị có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, nếu trồng trong mùa mưa cần phải làm giàn che hoặc trồng trong nhà lưới để giảm tổn thất. Nếu trồng trong mùa nắng cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ. Tưới nước cho rau, cần chú ý một số điều kiện chính: đủ ẩm, thoát nước tốt và nhẹ nhằm tránh gây vết thương cho cây.
Cây rau gia vị có thể sinh trưởng phát triển trên các loại đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hoặc đất phù sa. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất cần lựa chọn đất có pH từ 5,0 - 7,0 hàm lượng chất hữu cơ cao, hệ thống tưới và thoát nước tốt. Đất phải được cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Ngoài ra, để sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn, cần chọn khu đất trồng xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp, bệnh viện, đường giao thông …
Tùy cây rau khác nhau mà lựa chọn giống khác nhau. Tuy nhiên, cần phải chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng: sạch bệnh, tỉ lệ nẩy mầm cao, còn hạn sử dụng, …. Có cây được trồng bằng hạt như Húng quế, Kinh giới, tía tô, .... Cũng có cây có thể trồng bằng cành như Rau răm, húng bạc hà, diếp cá, …
* Kinh nghiệm trồng một số rau gia vị phổ biến:
1- Hành lá:
Hành lá, còn gọi là hành ta, hành hoa hoặc hành xanh, là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Loại cây này thuộc họ thân thảo, có thân dài, hình ống màu xanh và ruột rỗng. Hành lá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên xuất hiện ở khắp nơi và có mặt ở hầu hết các địa điểm cung cấp rau.
Hành lá thường được dùng để trang trí và tăng hương vị cho các món ăn như bún phở, món xào, món kho. Tuy nhiên, một số người không ăn được hành lá vì mùi hăng và vị cay nhẹ. Trong y học, hành lá được biết đến với tác dụng giải cảm. Một bát cháo hành nóng có thể giúp cơ thể thải khí độc và lưu thông mạch máu. Ngoài ra, hành lá còn hỗ trợ giảm ho, tiêu đờm và trị viêm nhiễm, mụn nhọt hiệu quả.
1.1.Giống và đất trồng:
- Hành lá có thể được trồng quanh năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Hành ta có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42 - 50 ngày. Bà con cần chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
- Đất trồng hành cần được phơi ải. Yêu cầu đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.
- Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc. Phủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng; khoảng cách trồng: hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 10cm.
1.2. Phân bón và cách chăm sóc:
- Đối với hành lá, bà con nên dùng phân chuồng hoai kết hợp cùng tro bếp và urea, super lân, kali hoặc có thể sử dụng Urea, DAP, NPK và tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng, chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá.
- Nguyên tắc bón phân thúc: hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.
Bên cạnh đó, bà con cần chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành. Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt và sử dụng phương pháp tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rảnh hành lá.
1.3. Phòng trừ sâu bệnh:
Đối với hành lá thì các đối tượng sâu bệnh hại chính thường gặp là sâu xanh da láng, dòi đục lá, sâu ăn tạp, bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím... Bà con cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng và có thể phòng, trị bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật; kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.
Tiến hành thu hoạch khi hành đủ tuổi (42 - 45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
2- Rau Ngò gai (Mùi tàu)
Rau Ngò gai, còn gọi là mùi tàu hoặc ngò tàu, có lá thuôn dài với viền răng cưa đặc trưng. Phần lá của loại rau này thường được sử dụng để làm gia vị và hương liệu trong nhiều món ăn. Ngoài tác dụng làm gia vị, ngò gai còn giúp chữa đầy hơi, sốt và hỗ trợ tiêu hóa.
Ngò gai xuất hiện nhiều trong các món canh, đặc biệt là phở, canh măng, cà ri và cũng được dùng để trang trí món ăn. Mùi thơm của ngò gai khá đặc trưng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Ruộng rau Ngò gai canh tác theo phương pháp Vietgap - Ảnh ST
1.1.Giống và đất trồng:
Cây ngò gai rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Ưu điểm của ngò gai là chịu rợp. Do đó, có thể trồng xen canh với các loại cây màu, cây lâu năm khác. Ngò gai ít bị ảnh hưởng của thời tiết, canh tác không theo mùa vụ, nên người dân có thể chủ động mùa vụ.
Đất trồng được cày bừa kỹ và san phẳng. Hạt ngò gai dễ mọc nên gieo trực tiếp trên đất. Gieo xong rải thuốc trừ kiến, dế, mối trong đất và phủ lên trên một lớp rơm mỏng để tạo ẩm độ giúp hạt nẩy mầm nhanh.
1.2. Phân bón và cách chăm sóc:
- Nên sử dụng phân hữu cơ bón lót cho đất trước khi trồng. Phân đạm dùng để bón thúc cho cây, có thể bón bằng phương pháp pha loãng Urê (0,3 -0,5%) và tưới hoặc sử dụng các loại phân khác. Định kỳ, khoảng 10 ngày bón 1 lần.
- Cây ngò gai ưa ẩm ướt, vì thế phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu đất bị khô hạn sẽ làm cho cây còi cọc, sinh trưởng phát triển kém. Nhưng cũng cần có hệ thống thoát nước tốt để chống úng cho ngò gai mỗi khi có mưa to và kéo dài và phải thường xuyên nhổ sạch cỏ trong ruộng trồng ngò gai.
- Ngò gai dễ sống, ít sâu bệnh hại.
- Tùy mục đích sử dụng (dùng ăn sống hoặc làm thuốc) mà bà con chủ động thu hoạch Ngò gai. Nếu dùng ngò gai để ăn sống thì sau khi trồng khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch dần.
3- Rau Thì là
Rau Thì là thuộc nhóm cây thân thảo, với thân rỗng, lá mềm mỏng không có cuống và có hương thơm nồng ấm. Lá thì là có khả năng khử mùi tanh, giúp tăng hương vị cho các món cá, thịt, salad hoặc món hầm. Đây là gia vị không thể thiếu trong các món ăn hải sản.
Bên cạnh vai trò là gia vị, thì là còn có công dụng y học như cải thiện hệ tiêu hóa, lợi sữa và hỗ trợ điều hòa âm dương. Nước ép lá thì là được biết đến với khả năng điều trị sốt rét và cải thiện các triệu chứng liên quan đến tiểu buốt.
Rau Thì là: Món ăn, vị thuốc - Ảnh ST
1.1.Giống và đất trồng:
Rau Thì là trồng thích hợp nhất vào tháng 9 – 10 và trồng bằng hạt.
Đất trồng Thì là cần được cày tơi xốp. Lên liếp với chiều rộng 1,2 - 1,5m, chiều cao 20 - 30cm. Bón lót và sang phẳng mặt luống trước khi gieo hạt. Sau khi gieo hạt phủ 1 lớp đất mỏng, sau đó phủ 1 lớp vỏ trấu, tưới nước đầy đủ giúp giữ ẩm kích thích cho hạt mau mọc mầm.
Bà con có thể gieo vãi hoặc gieo theo hàng ngoài ruộng trồng hàng cách hàng khoảng 10 - 15cm.
1.2. Phân bón và chăm sóc:
Đất trồng Thì là cần bón lót phân hữu cơ sinh học và phân lân trước khi trồng. Khi cây cao 10 - 15cm, bắt đầu bón thúc phân đạm cho cây bằng phương pháp tưới phân đã được pha loãng. Sau đó bón thúc định kỳ cho cây và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Thường xuyên tưới nước giữ đủ ẩm và làm sạch cỏ trên ruộng trồng.
Rau Thì là ít bị sâu bệnh gây hại. Nếu kiểm tra đồng ruộng thấy xuất hiện sâu bệnh hại thì tuỳ theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng một số biện pháp phòng trừ như canh tác không dùng hóa chất như làm đất, luân canh, xen canh, mùa vụ thích hợp, vệ sinh đồng ruộng.
Phùng Hà