00:00 Số lượt truy cập: 2687297

Kỹ thuật trồng măng tây xanh năng suất cao 

Được đăng : 20/06/2023

2389149761624742

Ảnh minh họa

Măng tây xanh là loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng cao, làm thức ăn phù hợp với mọi lứa tuổi; măng tây trồng 1 lần cho khai thác từ 7 – 8 năm; sản phẩm được thị trường tiêu thụ lớn mà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời vụ trồng

Măng tây sinh trưởng và phát triển nhiệt độ từ 15 đến 30°C, nhưng thích hợp nhất từ 20 – 25oC.

Vụ xuân: Gieo hạt từ 15 tháng 2 đến 15 tháng 3; sau khi gieo hạt và chăm sóc cây được 2 tháng tuổi đem trồng ra ruộng.

Vụ hè thu: Gieo hạt từ 15 tháng 7, trồng 15 tháng 9.

Đất trồng

Chọn các loại đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, đất pha cát với tỷ lệ thấp tơi xốp, giàu mùn hữu cơ; đất dễ thoát nước; độ pH từ 6,0 – 6,5.

Làm đất: Dùng trâu, bò, máy móc cày phơi ải, sau đó bón lót vôi bột khoảng 300kg, 2 tấn phân chuồng đã ủ hoai mục, 400kg supe lân, 250kg clo rua kali, bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, phun thuốc xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, san cho bằng phẳng. Lên luống rộng từ 110 – 120cm, cao 30 – 40cm.

Gieo ươm hạt giống.

Chuẩn bị vườn ươm.

Vườn ươm phải có mái che bằng màng nilon, hoặc nhà lưới, chọn nơi cao ráo, không ngập úng, thuận tiện, dễ chăm sóc.

Chuẩn bị bầu nilon có kích thước 12x7cm, đục lỗ đáy để thoát nước. Lấy đất bột sạch, trộn với 1/4 phân hữu cơ đã ủ hoai mục để đóng bầu.

Chuẩn bị từ 500g – 600g hạt giống được mua từ các cơ sở giống có uy tín để đảm bảo chất lượng cao, để gieo ươm đủ trồng cho 1ha.

Ngâm hạt giống trong nước ấm 54oC trong12 giờ, sau đó vớt ra rửa bằng nước sạch, lấy vải sạch nhúng nước sạch, vắt kiệt nước bọc hạt giống để ủ. Hàng ngày kiểm tra, khi hạt nứt nanh đem gieo. Mỗi bầu gieo 1 hạt, hàng ngày tưới vừa đủ ẩm. Sau gieo từ 3 tháng, chiều cao cây đạt 25cm, thân có 1 – 2 nhánh, khỏe mạnh, đem trồng. Mỗi luống trồng hai hàng, trồng thẳng hàng cách hàng 1m và cách mép luống 20cm, trồngvới mật độ khoảng 18.000 cây/ha.

Bón phân và chăm sóc:

Bón thúc:

Sau trồng từ 15 đến 20 ngày cây đã thành bụi, cần tỉa bớt các cây nhỏ, sâu bệnh, yếu, giữ lại 4-5 cây khỏe mạnh trên 1 bụi, kết hợp xới xáo làm cỏ, bón thúc 100kg NPK 16-16-9+TE và vun đất kín gốc. 

Sau trồng 1 tháng: Cây sinh thêm nhiều cây mới, cần tỉa bỏ bớt cây yếu, xấu, nhỏ, giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe mạnh, cắt bỏ cành lá già ở phần gốc cách mặt luống khoảng 40cm làm cho ruộng thông thoáng, phòng tránh bệnh hại cho cây. Xới xáo vun đất đậy gốc, bón thúc 100kg NPK 12-8-11+TE kết hợp hàng ngày tưới đủ ẩm. Lúc này cây đã lớn nên rất hay bị đỏ khi bị gió, mưa to cần làm hàng giàn đỡ cho cây bằng cách: dùng cây que cứng, dài 1m cắm chắc xuống đất vào cách giữa 2 bụi măng tây thành hai hàng, sau đó lấy dây nilon, dây nhựa chịu được mưa nắng giăng thành một hàng đôi kẹp cây măng vào giữa đôi dây cách mặt liếp ở độ cao khoảng 45cm để chống đổ cho cây.

Sau khi trồng 45 ngày: Làm sạch cỏ non, tỉa bỏ cây già, yếu, giữ lại mỗi khóm 4 – 5 cây khỏe mạnh, xới xáo, bón thúc 100kg NPK 16-16-9+TE vun đất đậy gốc và tưới nước sạch đủ ẩm.

Sau khi trồng 60 ngày: Tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ, yếu và cát bỏ cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 50cm để thông thoáng giữ lại 4-5 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, xới xáo, bón thúc 100kg NPK 16-16-9+TE vun đất đậy gốc và tưới nước sạch đủ ẩm.

Sau đó cứ 15 ngày lại làm như thế, đến 135 ngày cây bắt đầu cho măng lứa măng tơ đầu tiên. Khi thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây từ 10-12mm thì chọn giữ lại 2-3 cây mẹ khỏe mạnh,tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m để kích thích việc trổ măng, kết hợp tỉa bỏ cây già, cây yếu, cây nhỏ, làm sạch cỏ, xới xáo vun đất kín gốc, bón thúc 100kg NPK 12-8-11+TE.

Khi cây bắt đầu trổ măng tơ, tiến hành thu hoạch bằng hết, để cây ra lứa măng thứ 2, thu măng liên tục từ 12-15 ngày thì bón thúc 100kg NPK 12-8-11+TE, tiếp tục thu đến ngày thứ 30 thì dừng.

Sau khi tạm dừng thu hoạch măng tơ 15 ngày, cây mẹ thay thế đã lớn, bắt đầu cắt tỉa bỏ cây mẹ già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ, yếu, xới xáo, bón phân, tưới nước sạch như thời kỳ trước. Khoảng 20 ngày sau, đường kính thân cây mẹ thay thế đạt >10-12mm cắt bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m, bón thúc bằng phân hữu cơ sinh học từ 3 – 5 tấn, kết hợp bón 100kg Better NPK 12-8-11+TE.

Sau đó khoảng từ 7 đến10 ngày, cây ra lứa măng mới, thu hoạch lứa măng thứ 2; đợt thu hoạch măng này kéo dài khoảng 2 tháng và chăm sóc vườn măng như những lần trước; sau đó cho cây mẹ nghỉ 1 tháng, rồi thu hoạch tiếp lứa măng thứ 3 kéo dài 3 tháng.

Kết thúc thu hoạch năm thứ nhất, mỗi khóm giữ lại khoảng 2-3 cây măng lớn, khỏe mạnh, sạch bệnh để làm cây mẹ thay thế. Mỗi năm kế tiếp thì để mỗi khóm tăng thêm 1 cây mẹ để tăng năng suất thu hoạch nhưng cũng phải chú trọng bón thúc các loại phân nhiều hơn.

*Chú ý:

Trong suốt quá trình thu măng, cần bón thúc 15 ngày/lần với 100-150kg NPK 12-8-11+TE. Nếu năng suất măng cao cần bón phân tăng cường theo năng suất thu hoạch tương ứng.

Phải tưới thường xuyên mỗi ngày, mùa mưa phải tiêu thoát nước tốt, tuyệt đối không được để úng ngập, sẽ làm măng phát nhiều bệnh và có thể bị chết.

Trong điều kiện sản xuất lớn, đồng ruộng bằng phẳng có thể áp dụng cách tưới rãnh sẽ ít tốn kém. Ngoài ra có thể dùng biện pháp tưới nhỏ giọt; không được tưới nước cho cây măng tây sau 5 giờ chiều sẽ làm đầu măng cong và làm giảm ra măng mới.

Nên tưới nước cho cây măng tây vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào mỗi buổi sáng.

Không dùng thuốc diệt cỏ để phun vào ruộng măng tây. Trong quá trình chăm sóc, thu hoạch cần đảm bảo tưới nước đủ ẩm để đảm bảo năng xuất. Ngoài ra cần phát hiện sâu bệnh phá hoại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, ưu tiên dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học hoặc thảo dược; sử dụng thuốc đúng như hướng dẫn trên bao bì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương Loan