00:00 Số lượt truy cập: 2690786

Lạng Sơn có 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu 

Được đăng : 17/07/2023
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cos 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên là xã Chi Lăng (Chi Lăng) và xã ChiếnThắng (Bắc Sơn).

tuananh

Ảnh minh họa

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên 8.310km², với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện nghèo,  5 huyện biên giới, dân số là 802,1 nghìn người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 83,91% dân số toàn tỉnh; Tổng số hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh năm 2022 là 37.817 hộ, chiếm tỷ lệ 19,28% (8,92% theo chuẩn đa chiều), quy mô nền kinh tế nhỏ (GRDP chỉ chiếm dưới 0,5% GRDP cả nước), năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp; cơ sở hạ tầng nhìn chung còn thiếu và yếu nhưng nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình MTQG và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; UBND tỉnh Lạng  Sơn đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định: đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã và kiện toàn bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; ban hành quy chế hoạt động và  phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai, tổ chức thực hiện  Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trình BCH Đảng bộ tỉnh ban hành  Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.                      

Tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước  chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, ban hành các Kế hoạch  thực hiện 6 chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với số tiêu chí bình quân đạt 13,29 tiêu chí/xã; số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 17 xã, chiếm tỷ lệ 19,8 % trong tổng số xã đạt chuẩn NTM (17/86); xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 2 xã gồm: xã Chi Lăng huyện Chi Lăng và xã Chiến Thắng huyện Bắc Sơn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 và các năm 2022, 2023 đạt 100%  kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân vốn NSNN năm 2023 đến 30/6/2023 đạt 29% kế hoạch, chủ yếu là nguồn ngân sách tỉnh mới được giao vốn nên đạt tỷ lệ thấp;  riêng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 68,1%.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Lạng Sơn luôn chủ động linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành với nhiều giải pháp nhằm  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan   chuyên môn rà soát, tham mưu ban hành đầy đủ các văn bản về cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện thuộc phạm vi, trách nhiệm của tỉnh; tập trung chỉ đạo thực hiện và giải ngân theo quy định; theo dõi, kiểm tra giám sát tiến độ khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động của chương trình, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình...

Bên cạnh kết quả đạt được, trong thực hiện Chương trình MTQG XD NTM Lạng Sơn cũng có những khó khăn nhất định, là tỉnh miền núi, biên giới điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, số lượng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao, suất đầu tư lớn, trong khi nguồn lực đầu tư cho Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển; khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế do điều kiện  các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là có quy mô nhỏ; điều kiện kinh tế của người dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.

Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, để phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chương trình nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng NTM; Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các Chương  trình MTQG, chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn và các nguồn vốn khác để đầu  tư xây dựng hệ thống hạ tầng ở nông thôn nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản, xã để cải thiện  trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM; Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM; Tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh; ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương gắn với đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất kiểu mẫu, vườn mẫu, các mô hình liên kết sản xuất, phát  triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao hướng tới hình thành chuỗi giá trị phù hợp; Thực hiện có hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chứng nhận, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản hàng hóa địa phương, Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong thực hiện Chương trình...

 

                                                                                     Tuấn Anh