00:00 Số lượt truy cập: 2670209

Một số biện pháp xử lý ao nuôi tôm 

Được đăng : 11/09/2023

 

 1. Cải tạo đáy ao

Ao nuôi tôm sau mỗi vụ cần cải tạo theo các bước sau: Vét bớt lớp bùn trong ao; sử dụng ôxy già (H2O2) pha với nước ao (xả bớt nước, để lại khoảng 30 - 40 cm) để loại bỏ các chất hữu cơ. Sau đó xả hết nước trong ao, tiếp tục lấy nước vào ao khoảng 30 - 40 cm để sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy các chất hữu cơ còn lại. Rải vôi khắp đáy ao và bờ ao, liều lượng 20 - 50 kg/1.000 m2 (tùy thuộc vào độ pH và độ phèn của ao bón cho phù hợp).

Sau khi dọn sạch chất thải trong ao, dùng vôi tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước, diệt tạp, sát khuẩn bờ ao, đáy ao, làm trong nước, giảm CO2, phân hủy mùn bã đáy ao, tạo môi trường kiềm giúp tôm cứng vỏ... Có thể tham khảo tác dụng một số loại vôi như sau:

- Vôi nông nghiệp CaCO3 làm tăng pH đất nhưng ít tăng pH nước nên dùng tốt trong cải tạo ao.

- Vôi tôi Ca(OH)2 làm tăng pH đất và có ảnh hưởng lớn đến pH nước nên sử dụng chủ yếu để cải tạo ao, nhất là khi pH đất < 5.

- Đá vôi, vôi sống CaO làm tăng pH mạnh nên chỉ dùng cải tạo ao, không dùng cho ao đang nuôi tôm.

- Vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 thường sử dụng đối với những ao có độ kiềm thấp. Tuy nhiên, do giá thành cao nên loại vôi này ít được sử dụng.

Sau khi cải tạo ao, cần xử lý hóa chất bằng cách: Lấy nước vào ngâm 1 - 2 ngày, mực nước 1,2 m sục khí để trứng cá, trứng tôm nở, một số nơi bà con thường sử dụng nước giếng ngầm, trong nước có kim loại nặng nên xử lý EDTA liều lượng 3 - 5 ppm. Xử lý Chlorine (ngày thứ 3) liều lượng 25 - 30 ppm, pH thấp hiệu quả tốt. Chlorine không cho hiệu quả cao trong môi trường nước đục, nhiều chất hữu cơ lơ lửng. Nếu muốn gây màu nước sớm và an toàn cho tôm giống thả, sau 24 giờ xử lý cần loại bỏ Chlorin tự do dư thừa bằng ThioSunfat (Na2S2O3.5H2O) liều lượng 10 - 15 ppm, hòa tan rải đều chạy quạt nước. Xử lý Saponin (ngày thứ 5) liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3. Gây nuôi động vật phù du, màu nước (ngày thứ 7). Sinh vật phù du phát triển sẽ giảm các chất có hại trong ao, không gây sốc cho tôm. Đến ngày thứ 9, ổn định môi trường nuôi. Sau khi kiểm tra tổng thể các yếu tố môi trường và xử lý vi sinh, có thể thả tôm kể từ ngày thứ 15 trở đi.

2. Xử lý nước trong ao nuôi tôm

* Diệt tạp:

Saponin: Trước khi sử dụng, ngâm Saponin vào nước 12 - 24 giờ sau đó rải đều ao. Sử dụng vào buổi sáng (8 - 10 giờ) khi thời tiết tốt. Liều lượng từ 70 - 100 kg/ha (nếu độ mặn > 200/00) và 100 - 170 kg/ha (nếu độ mặn < 200/00).

* Diệt trùng:

Sử dụng một trong các loại hoá chất sau:

Thuốc tím (KMnO4): Khi cải tạo ao sử dụng 20 - 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới gây màu nước.

Formol: Tác dụng diệt khuẩn với hầu hết các loại sinh vật như nấm, vi khuẩn, ngoại ký sinh trùng nên được dùng diệt khuẩn trong quá trình cải tạo ao. Cách dùng: Tạt đều xuống ao với liều lượng khoảng 300 lít/ha.

- BKC (Benzalkonium Chlorinde): Sử dụng khi cải tạo ao 3 - 5 ppm (30 - 50 kg/ha).

- Chlorine: Liều lượng từ 20 - 30 ppm (200 - 300 lít/ha). Khi sử dụng, hoà Chlorine vào nước ngọt, lọc qua lưới rồi té đều khắp ao.

- Iodine: Tác dụng khử trùng, liều lượng 1 - 5 g/m3 nước.

Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các loại hoá chất trên (hoặc thuốc tím, hoặc Formol hoặc Chlorine, hoặc BKC, hoặc Iodine) và nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó vài ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine.

* Bón phân gây màu:

Phân vô cơ (urê, NPK, DAP, lân): Hoà tan phân vô cơ trong nước rồi tạt đều khắp ao vào buổi sáng (8 - 10 giờ). Loại phân urê (45:0:0), liều lượng 20 kg/ha; NPK (20:20:0) liều lượng 20 kg/ha; DAP liều lượng 10 - 15 kg/ha bón 1 lần/ngày và liên tục đến khi gây được màu nước tốt. Trong trường hợp ao nuôi bị lên phèn, nghèo dinh dưỡng, tảo khó gây màu, có thể dùng thêm lân với liều lượng 0,8 ppm (8 kg/ha).

Phân hữu cơ (phân bò, phân gà, cám sống, bột cá, bột đậu nành...). Các loại phân chuồng phải ủ hoai, ngâm trong nước qua đêm rồi tạt đều khắp đáy ao với liều lượng 200 - 300 kg/ha. Tuy nhiên hiện nay, dùng các loại phân chuồng gây màu nước thường không an toàn, dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh cho ao nuôi tôm nên phương pháp này ít được sử dụng.

Chế phẩm sinh học (MD BIO CAPGA, MD BIO PROTEIN, BLUEMIX,...) giúp các loài tảo có ích phát triển và hạn chế các loài tảo có hại. Liều lượng sử dụng theo của nhà sản xuất. Lưu ý: Không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng lúc với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, Chlorine, Iodine, kháng sinh.

3. Xử lý ao nuôi tôm bị bệnh

Trong quá trình nuôi tôm thương phẩm khi gặp trường hợp tôm nuôi bị bệnh, nhất là những loại bệnh nguy hiểm như bệnh hoại tử gan tụy hoặc bệnh đốm trắng. Để hạn chế phát tán, lây lan mầm bệnh ra môi trường xung quanh người nuôi cần làm tốt các khâu kỹ thuật xử lý ao nuôi như sau:

Nếu tôm mắc bệnh hoại tử gan tụy, có thể thu hoạch nếu tôm lớn và còn tươi sống. Ngược lại nếu tôm còn nhỏ và chết nhiều có thể ngưng cho ăn, ngưng quạt nước hoặc thổi khí, dùng hoá chất sát khuẩn mạnh (như Formol, GDA, BKC...) để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 - 3 ngày lặp lại 1 lần, ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa và ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu huỷ, cải tạo đáy ao và bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi Ca(OH)2 với liều 50 - 70 kg/1.000 m2, sau đó phơi ao khoảng 1 tháng. Dùng hoá chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như Formol với hàm lượng 100 ppm phun đều khắp ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hoá chất có thể lặp lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao. Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi độ pH ổn định trước khi lấy nước vào ao.

Trường hợp ao nuôi bị bệnh đốm trắng: Dùng Chlorine để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30 ppm (với Chlorine có hàm lượng 70%), ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa vào ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu huỷ, sau đó tiến hành cải tạo đáy ao và phơi ao, thời gian 1 tháng. Dùng hoá chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như Formol với hàm lượng 100 ppm hoặc Chlorine với hàm lượng 50 ppm phun đều khắp ao vào sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hoá chất lặp lại như đối với xử lý ao tôm bị bệnh gan tụy.

Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng các chất diệt giáp xác có nguồn gốc là thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước. Không nên lấy nước trực tiếp vào ao nuôi để xử lý. Chỉ nên lấy vào ao lắng xử lý xong mới cấp qua ao nuôi để tránh tình trạng kim loại nặng, hóa chất độc hại tích tụ dưới đáy ao nuôi. Không xả nước thải, bùn lắng ra môi trường khi chưa được xử lý; Không nuôi thả con giống khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng; Phải có ao lắng trong nuôi tôm thâm canh và khu vực ao lắng xử lý nguồn nước cấp; Có quy chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt.

Đối với tôm đang nuôi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý ao nuôi phù hợp, bổ sung một số khoáng chất cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, đặc biệt thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường để có biện pháp quản lý ao nuôi cho tốt. Có thể thả nuôi cá rô phi, nuôi hàu hoặc trồng rong cỏ trong ao thay thế hóa chất xử lý.

Bình Minh