00:00 Số lượt truy cập: 3015930

Một số kinh nghiệm trồng dưa chuột vụ thu đông đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 31/07/2024

 

Dưa chuột (dưa leo) là một loại quả phổ biến và được yêu thích bởi hương vị thanh mát, giòn ngọt và giá trị dinh dưỡng cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong quả dưa chuột có chứa rất nhiều nước, protein, calo, vitamin, calcium… đều là những chất cần thiết cho con người. Chính vì thế nên dưa leo nằm trong nhóm các loại thực vật được trồng rất phổ biến ở nước ta.

Mỗi giống dưa chuột lại có những điều kiện chăm sóc không giống nhau. Vì vậy, trước khi gieo trồng bà con cần phải lựa chọn được giống dưa chuột có điều kiện sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu nơi trồng.

Giống dưa và thời vụ Thu Đông (trồng từ tháng 8 - tháng 11). 

- Cách chọn giống: chủ yếu sử dụng các nhóm giống ưa mát như HTM 178, PC1, PC4, Sakura, Dưa chuột Tre Việt, Kichi,... Lượng hạt giống: Từ 850 - 900g/ha.

Chuẩn bị đất trồng: Chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, giầu hữu cơ, pH từ 6,5-7,5. Đất trồng không quá phèn, mặn (kiềm), nếu độ pH dưới 5 thì phải bón thêm vôi. Đất không ngập úng, tưới tiêu chủ động, đất vụ trước không trồng họ bầu bí là tốt nhất.

- Làm đất: đất trồng dưa chuột phải cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ, sử dụng các loại chế phẩm sinh học để sử lý đất như các loại chế phẩm có chứa nấm đối kháng trichoderma. Lên luống rộng 1 - 1,2m, luống cao 20 - 25cm, rãnh 30 cm thoát nước tốt.

 - Bón lót: Sau khi lên luống, rạch hàng tiến hành bót lót phân hữu cơ, phân hóa học. Sau đó lấp đất san phẳng luống và tiến hành trải màng phủ nilon để hạn chế sâu bệnh hại và cỏ dại trong quá trình cây dưa sinh trưởng phát triển. Màng phủ nilon đục lỗ theo mật độ trồng cây, đường kính lỗ từ 12 - 15 cm để sau trồng dưa. 

Cách gieo trồng: Đối với canh tác dưa chuột có thể gieo trực tiếp trên luống, tuy nhiên gieo qua khay hoặc bầu sẽ có nhiều lợi thế hơn như dễ chăm sóc, kiểm soát được sâu bệnh, chuột ở thời kỳ cây con. Giá thể để cho vào bầu hoặc khay gieo: 40% đất bột+40% xơ dừa +20% là mùn mục.

- Hạt trước khi gieo cho ngâm nước ấm, thời gian ngâm khoảng 3 - 4 tiếng, sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bằng khăn ẩm. Khi hạt đã nứt nanh, nảy mầm 70-75% thì đem gieo. Gieo trên khay bầu 1 hạt/bầu. Khi hạt nứt nanh đem gieo vào các hốc bầu, mỗi hốc 1 hạt tuới đủ ẩm để mầm cây phát triển tốt. Khi đặt hạt xong lấy một lớp đất mỏng dải lên mặt khay. Cách chăm sóc cây con: một ngày tưới 1 - 2  lần tùy vào độ ẩm của cây. Sau 7 - 10 ngày, cây được 2, 3 lá có thể trồng trên đồng ruộng vào ngày mát hoặc chiều mát.

Cách chăm sóc khi chuyển từ bầu ra luống

- Cách trồng: nhấc nhẹ bầu cây ra khỏi khay, rải đều cây: chú ý, khi nhấc cây ra khỏi khay nhẹ nhàng, dùng 1 tay đẩy phía dưới đáy bầu lên và tay kia nhấc nhẹ nhàng ra khỏi khay. Vùi kín bầu cây dưới đất, sau khi trồng tưới nước ngay để cố định gốc cho cây. Mật độ, khoảng cách trồng: hàng x hàng 60 - 70cm; cây cách cây cây 40 - 45cm, tương ứng 30.000 - 35.000 cây/ha. Tránh trồng quá dày dễ phát sinh sâu, bệnh hại.

- Nguồn nước tưới phải bảo đảm luôn sạch, có thể dùng nước giếng khoan đã qua xử lý, không lấy nước trực tiếp từ các khu vực ô nhiễm, nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc… Hàm lượng một số hóa chất và kim loại nặng trong nước tưới không vượt quá ngưỡng cho phép. Tưới nước là biện pháp cần thiết để tăng năng suất. Nếu độ ẩm đất thấp hơn 70% cần tiến hành tưới cho dưa chuột để bảo đảm đất có độ ẩm 85-90%. Lượng nước, số lần tưới cần căn cứ vào độ ẩm đất trước lúc tưới.

 

muop

    

- Cách làm giàn: khi cây cao khoảng 30-35 cm, dùng cọc dài khoảng 2,5 - 3m, cắm hình chữ A sau đó phủ lưới có mắt lưới rộng 20cm lên dàn để cho dưa leo. Thường xuyên buộc thân dưa vào dàn để dây và trái sau này không bị tuột xuống. Dùng dây nilon căng ngang và dọc theo dàn, nhiều tầng để tua cuốn dây dưa có nơi bám chắc chắn.

 - Phân bón: Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2):

+ Bón lót: Toàn bộ phân  hữu cơ vi sinh  và phân lân supe + 20 kg lân supe+ 2kg ure +4 kg KCl. Vôi rắc đều vào đất trước khi lên luống. Bón thúc lần 1 (sau trồng 10 ngày): Bón 2 kg đạm. Bón thúc lần 2 ( sau trồng 20 ngày):  Bón + 4 kg đạm + 2 kg kali. Bón thúc lần 3 ( sau trồng 40 ngày): Bón 4 kg đạm + 4 kg kali

Các lần bón cách nhau 10-20 ngày, nên hòa ra để tưới cho cây hấp thu dinh dưỡng nhanh.

- Thường xuyên ngắt lá già, lá bệnh để cho ruộng thông thoáng, giảm thất thoát dinh dưỡng.

 

 

Cách Phòng trừ sâu bệnh hại: Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên dưa chuột như sâu vẽ bùa, bọ trĩ, bọ phấn, bọ dưa, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ, thán thư, sương mai, phấn trắng, khảm virus. Để phòng trừ bà con cần áp dụng tổng hợp các biện pháp:

- Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;

- Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;

- Áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM để kịp thời phòng trừ dịch bệnh như: luân canh cây trồng hợp lý, sử dụng giống tốt, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, bắt sâu.

 - Chỉ  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và đảm bảo an toàn cho người lao động, người tiêu dùng: thuốc nằm trong danh mục cho phép, sử dụng thuốc ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người. Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc), thuốc ít độc, thuốc có thời gian phân hủy nhanh, cách ly ngắn.

Sau khi gieo hạt khoảng 7 - 8 tuần, tức là khoảng từ ngày thứ 65 trở đi thì có thể thu hoạch. Thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch là vào lúc sáng sớm. Sau khi thu hoạch, bà con cần bón các loại phân bón giàu đạm và Kali nhằm giúp cây hồi phục tốt, cho quả và nuôi những lứa quả tiếp theo.

Thu hoạch dưa chuột trồng vụ thu đông: Bà con cần quan sát kỹ quả dưa để thu hoạch trước khi chúng quá già. Khi dưa đạt độ chuẩn 4-5 ngày tuổi thì thu hoạch. Thông thường, thời gian thu hoạch nên cách quãng 1 ngày và không nên để quá 2 ngày. Nếu thấy quả nào bị sâu hoặc bị dị dạng thì nên cắt bỏ ngay lúc quả còn non để tập trung chất dinh dưỡng nuôi những quả còn lại. Đây là một số kinh nghiệm để bà con nông dân tìm hiểu để có thêm kinh nghiệm trồng dưa chuột vào vụ đông. Chúc bà con có nhiều kinh nghiêm trồng dưa chuột đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

 

Nhật Anh