00:00 Số lượt truy cập: 2672951

Nam Định: Sức trẻ khởi nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp 

Được đăng : 02/06/2023
Ba năm qua, Vũ Minh Ngọc (tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho loại giấm mơ cổ truyền của làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 2021, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh và giành được nhiều giải thưởng sáng tạo.

giam-mo

Vũ Ngọc Minh (người mặc áo xanh đứng ngoài bên tay trái) nhận giải thưởng tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo”


 

Từ tấm gương của Ngọc, phong trào thanh niên nông thôn khởi nghiệp ở Nam Định những năm gần đây đã và đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời góp phần không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Vụ Bản nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề làm giấm truyền thống tại làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1991) đã sớm được làm quen với các quy trình sản xuất giấm. Tuy nhiên, gia đình anh chỉ sản xuất nhỏ lẻ để sử dụng và bán trong làng nên ít người biết đến. Nhận thấy trên thị trường giấm ăn công nghiệp tràn lan thay thế cho những sản phẩm giấm được lên men, Ngọc đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp đưa giấm gia truyền của gia đình thành sản phẩm có thương hiệu. Công thức của giấm cổ truyền Bách Cốc đó là mơ ngâm ủ trong 3 năm, nước trà xanh đặc, men gốc và  đường.

Để chuẩn hóa quy trình, mơ được Ngọc đặt mua trên Mộc Châu (Sơn  La) từ tháng 3 hàng năm và ngâm ủ. Để cho chất lượng giấm được đồng đều, Ngọc đã liên kết với các hộ trồng chè ở khu vực Phủ Dầy,  huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trồng chè theo phương pháp hữu cơ để làm nguyên liệu, một trong những thành phần không thể thiếu trong làm giấm. Hiện tại, mỗi tháng Ngọc tiêu thụ 4 đến 5 tạ chè cho người dân huyện Vụ Bản, tạo thu nhập ổn định cho người dân trồng chè ở đây.

Để tạo ra mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, giúp giấm tránh bị vẩn đục, Vũ Minh Ngọc đã dày công nghiên cứu, kết hợp phương pháp cổ truyền và học tập kinh nghiệm từ quốc tế. Đặc biệt, Ngọc đã thêm vào sản phẩm là sử dụng cốt hoa quả ngâm ủ lâu năm để tạo ra độ lão hóa giấm triệt để. Đó chính là lợi thế cạnh tranh về chất lượng cũng như hương vị. Chính vì vậy giấm của làng Bách cốc có hương thơm đặc trưng, chua nhẹ và rất thích hợp trong chế biến các món ăn cổ truyền của gia đình Việt Nam.

Đến nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất giấm của Ngọc đưa ra thị trường khoảng 2000 lít giấm, lợi nhuận thu về từ 25 đến 40 triệu đồng/tháng. Năm 2022 Ngọc đầu tư nhà xưởng 2200m2 để dần chuẩn hóa các quy trình sản xuất. Sản phẩm “Giấm mơ trà xanh” đã có mặt tại chuỗi cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.

Chia sẻ về những nỗ lực gây dựng thương hiệu tạo được chỗ đứng trên thị trường, đưa giấm lên sàn thương mại điện tử, Vũ Minh Ngọc say sưa kể: ‘Hồi đầu là em trực tiếp đi xe máy đưa giấm đến các điểm đại lí thực phẩm sạch ở các địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng... để giới thiệu chào hàng. Sau đó dần tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các phiên chợ khởi nghiệp cũng như các cuộc thi để qua đó giới thiệu sản phẩm và kết nối với khách hàng. Hiện các sản phẩm bên em đang hướng tới mục tiêu để khách hàng có thể truy xuất được từng mã vùng trồng, quy trình chăm sóc, quy trình ngâm ủ lên men của từng giai đoạn thông qua các mã hoặc các thông tin được minh bạch trên các nền tảng, giúp khách hàng có thể yên tâm nhất trong việc sử dụng sản phẩm’.

Hiện nay xưởng của Ngọc đang tạo ra việc làm cho khoảng 5 - 7 lao động thời vụ bán thời gian, 2 lao động toàn thời gian, bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu chè xanh (nguyên liệu chính để lên men) tại làng cổ Bách Cốc, qua đó xây dựng chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm.

Trong thời gian tới, Ngọc cũng dự định sẽ phát triển thêm một số mã sản phẩm khác như mứt mơ, hay giấm ngâm tỏi ớt… Đặc biệt, Ngọc mong muốn: “Công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm chủ lực giấm gắn với chỉ dẫn địa lý làng Bách Cốc và được bảo hộ, qua đó quảng bá lịch sử, văn hoá của làng để nhiều người biết đến”.

Ngọc cũng cho biết sẽ tập hợp các bạn trẻ tham gia sâu sát vào các khóa tập huấn kiến thức về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại nhằm trang bị và thúc đẩy phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế tại làng Bách Cốc, xây dựng kế hoạch “Từ sinh kế đến sinh thái” tại làng.

Nói về những thanh niên lập nghiệp ngay tại quê hương, ông Lê Văn Tuyền- Chủ tịch UBND xã Thành Lợi cho biết, phong trào thanh niên làm kinh tế tại địa phương đã và đang phát triển rộng khắp trong xã. Với mô hình sản xuất giấm trà xanh của Vũ Minh Ngọc, xã đã tạo điều kiện cho Ngọc vay vốn xây dựng và phát triển cơ sở xản xuất, phát triển vùng chè nguyên liệu hữu cơ tại làng cổ Bách Cốc.

“Để giữ chân thanh niên nông thôn lập nghiệp ngay tại quê nhà, chính quyền xã Thành Lợi luôn quan tâm tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, thanh niên làm kinh tế giỏi để tạo sự lan tỏa, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo trong đoàn viên thành niên.  Xã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó trọng tâm là phát huy thế mạnh nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP… Xã mong muốn những thanh niên nông thôn này sẽ là lực lượng nòng cốt đi đầu trong xây dựng NTM ở địa phương…”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Với những nỗ lực nghiên cứu sản phẩm giấm mơ trà xanh, Vũ Minh Ngọc đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức và là một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2021, được trao Giải thưởng Lương Định Của.

Kim Oanh