00:00 Số lượt truy cập: 2690813

Người dân Xuân Lộc phấn khởi khi huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 

Được đăng : 09/07/2023
Nhớ lại hơn 10 năm trước huyện Xuân Lộc là một huyện nghèo bị ảnh hưởng của chiến tranh, chủ yếu làm nông nghiệp chiếm trên 87% tổng sản phẩm xã hội, ngành Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, thương mại- dịch vụ không đáng kể. Về cơ sở hạ tầng thì nghèo nàn, hệ thống giao thông nông thôn hầu hết là đường đất, chưa có điện, nước sạch; cơ sở y tế, giáo dục thiếu và phần lớn đã xuống cấp; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 2 triệu đồng/năm. Huyện Xuân Lộc thay đổi diện mạo chỉ khi vươn lên xây dựng thành huyện nông thôn mới (NTM).

hoai-thu

Huyện Xuân Lộc ngày càng khởi sắc, tươi mới

Tỉnh Đồng Nai vinh dự là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba.

Đồng thời, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh của cả nước được trung ương chọn thực hiện thí điểm huyện NTM kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc đã được chọn làm điểm NTM kiểu mẫu của cả nước theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Huyện Xuân Lộc có 15 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Gia Ray và 14 xã: Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Trường, Xuân Thành, Xuân Hiệp, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thọ, Xuân Bắc, Suối Cao, Suối Cát, Bảo Hòa và Lang Minh.

Đáng chú ý, trong xây dựng NTM, huyện Xuân Lộc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đối với các mô hình kinh tế hợp tác, HTX…, từ đó hướng tới mục tiêu “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững”.

Tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), Đảng bộ xã luôn xác định phải lấy kinh tế nông nghiệp làm then chốt, làm đòn bẩy để xây dựng NTM. Theo đó, xã đã từng bước nâng giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương từ vài chục triệu đồng lên đến hơn 172 triệu đồng/ha/năm. Nổi bật là các mô hình sản xuất điểm tại HTX rau Trường An, HTX lúa bắp Xuân Tiến thu nhập đạt từ 300 đến hơn 700 triệu đồng/ha/năm.

Các HTX trên đều là những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, những sản phẩm nông nghiệp của HTX làm ra đều có năng suất cao, chất lượng tốt và thị trường tiêu thụ ổn định.

Tương tự, ở xã Xuân Bắc, phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy NTM cũng diễn ra mạnh mẽ. Điển hình như mô hình sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi.

Được biết đồi Sabi xưa là vùng đất “chết” vì ngay cả những cây dễ trồng như sắn, điều... cũng không cho thu hoạch là bao. Nhưng đến nay, nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi và áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX đã thành công, phủ xanh bởi quýt, bưởi, xoài...

Từ một xã thuần nông với 4/12 ấp đặc biệt khó khăn vì đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước sản xuất, nên trước đây chỉ trồng được những cây cho thu nhập thấp. Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sản xuất khi xây dựng NTM, những vùng đất bỏ hoang như đồi Sabi đã thành vùng chuyên canh cho thu nhập cao. Các HTX được thành lập liên kết với nông dân sản xuất sạch với đầu ra ổn định, kinh tế và đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đã xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân trên vùng đất này.

 Cùng trong tiến trình phát triển của huyện xã Xuân Định cũng đẩy mạnh chương trình NTM, nhiều tuyến đường giao thông tại địa phương gần như hoàn toàn được nhựa hóa, bê tông hóa. Đèn đường được lắp đặt, không gian giao thông được trồng hoa, cây cảnh nên luôn sáng, xanh sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được nhân rộng, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhờ đó đem lại thu nhập bình quân của người dân đạt gần 70 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, trên địa bàn xã có doanh nghiệp đã chi hàng chục tỷ đồng đầu tư dây chuyền làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu, chế biến từ 15 - 20 tấn sầu riêng/ngày, để xuất khẩu thị trường nước ngoài.

Hiện nay, toàn huyện Xuân Lộc có 590 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm, 51 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Trong 5 năm qua (2018 – 2022) giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 46.500 tỷ đồng, tăng bình quân 10,48%/năm. Các giống cây trồng chủ lực gồm xoài, bắp, lúa, tiêu; chăn nuôi phát triển các loại heo, gà, dê, bò và sản phẩm lâm nghiệp đặc trưng là keo, cao su.

Có thể khẳng định, sau 4 năm thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Xuân Lộc đã có 9/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 80,5 triệu đồng/người. Huyện đã quy hoạch 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, hình thành 14 dự án liên kết sản xuất cây, con chủ lực; có 12 sản phẩm đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.

Năm 2023, huyện Xuân Lộc đặt mục tiêu hoàn thành huyện NTM nâng cao. Đồng thời, huyện Xuân Lộc đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trên 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng/người; giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt 220 triệu đồng/ha...

Để đạt được mục tiêu trên,Đảng bộ huyện Xuân Lộc đưa ra 1 trong 3 khâu đột phá đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cho đến tiêu thụ, phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa và du lịch sinh thái vườn.

                                                                               Hoài Thu