00:00 Số lượt truy cập: 3015983

Người Mông ở Điện Biên bảo nhau phát triển kinh tế, đồng lòng xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 16/11/2023
Giờ đây người Mông ở tỉnh Điện Biên đã biết trồng cây ăn quả để thay đổi cuộc sống. Đời sống kinh tế được nâng lên, bà con đã quan tâm đến việc học hành của con cái, xây dựng lại nhà cửa khang trang, cùng đồng lòng xây dựng bản làng thành bản làng nông thôn mới.

sdfgdsfg

Phụ nữ Mông ở xã Tỏa Tình mang đặc sản địa phương ra bán tại đỉnh đèo Pha Đin.

 

Đến Pha Đin của tỉnh Điện Biên, bạn sẽ được nghe những câu chuyện và tận mắt nhìn thấy người Mông nơi đây đã biết làm kinh tế để thay đổi cuộc đời. Câu chuyện thứ nhất của người phụ nữ Mông tên là Vàng Thị Dùa ở bản Lồng, xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo đã nhờ chồng dạy chữ và nói tiếng Kinh để mang hàng nông sản đi bán được bà con nơi đây rất khâm phục và coi đó là tấm gương để học theo.

Từ một người phụ nữ dám vượt cả chục Km đường rừng mang táo và dưa mèo đi bán hàng, giờ chị Dùa đã trở thành triệu phú của bản Mông. Đến thăm nhà chị mới cảm nhận hết được sự đổi thay trong nếp nghĩ và cách làm của người phụ nữ Mông vô cùng tiến bộ này. Trước thời gian đi bán hàng ở đỉnh đèo, chị Dùa còn chưa biết viết, biết đọc, chỉ sau vài tháng chăm chỉ học chị giao tiếp được tiếng Kinh và làm các phép tính nhẩm cộng trừ đơn giản. Tự tin với khả năng giao tiếp bằng tiếng Kinh, chị Dùa mở rộng việc kinh doanh.

Chị kể: “Nhìn nông sản mình làm ra để hỏng mà nhà lại không ăn hết, tôi tiếc đứt ruột. Thế rồi, tôi bàn với chồng là dạy nói tiếng phổ thông và viết chữ. Sau vài tháng, tôi đã có thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông và biết cộng trừ từng con số”.

Nông sản tiêu thụ được, chị Dùa đầu tư nuôi thêm lợn, trồng thêm cây táo mèo, cây mận và cả vườn sa nhân rộng mấy héc ta. Từ hộ nghèo trong bản, giờ mỗi năm chị thu được cả trăm triệu đồng.

Việc chị Dùa tháo vát, biết cách làm giàu là động lực để nhiều phụ nữ Mông khác noi theo. Mỗi một hộ gia đình thoát nghèo là phụ nữ, trẻ em nơi đây có điều kiện được đi học đến nơi đến chốn.Và đó là câu chuyện đã làm thay đổi số phận của người phụ nữ Mông nơi đây.

Câu chuyện thứ hai là của ông Mùa Dũng Dua được coi là tỷ phú của bản. Với cách làm sáng tạo, ông Mùa Dũng Dua đã lập trang trại nuôi trâu, nuôi bò, nuôi gà bản địa và trồng rừng. Thấy việc làm của ông không giống ai, bà con trong bản đã cười chê, nhưng giờ thấy ông ngày ngày đi khắp trang trại để kiểm tra và xử lý công việc, khu trang trại của ông "sờ" chỗ nào cũng ra tiền, bà con thấy vậy lại hùa nhau làm theo.

 Gây dựng được cơ nghiệp vững chãi,  ông Dua chia sẻ: "Mỗi năm mình làm thêm một ít. Nó cũng giống như cái bồ thóc, mình chịu khó làm thì nó đầy lên thôi”. Chia sẻ với thành quả của mình, ông Dua đi vận động bà con trong bản từ bỏ thuốc phiện và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hai tấm gương vươn lên thoát nghèo đã lan toả cho xã Toả Tình trỗi dậy mạnh mẽ, người dân đã chăm chỉ sản xuất vươn lên làm giàu. Nhiều hộ gia đình đã trở lên khá giả, có thu nhập hàng 100 triệu đồng/năm như các gia đình ông: Mùa Sái Tòng, Vàng Chứ Dơ, Mùa Chứ Tòng, Mùa A Vàng ...

Nhớ lại Tỏa Tình trước đây có 7 bản, đa phần là người dân tộc Mông, giao thông đi lại là các lối mòn đi bộ. Nhưng nay, được Đảng và Nhà nước hỗ trợ, chính quyền và các cấp, các ngành quan tâm với nhiều chương trình, dự án đầu tư thiết thực ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình 167, xây dựng nông thôn mới…; bên cạnh đó là sự đồng lòng của người dân hiến đất và ngày công làm đường giao thông, 7 bản đường bê tông đã nối liền các bản. Tất cả đã giúp người dân có điểm tựa vững vàng để phát triển kinh tế. Trên những nếp nhà của bà con đã dần có sự đổi "màu", từ việc lợp rơm, lợp rạ, bà con đã mua được tôn, gói để lợp nhà.

 Vui hơn cả nhiều hộ gia đình trong xã đều có các vật dụng sinh hoạt hiện đại như: Tivi, tủ lạnh, xe máy, máy xay sát... xã có 3 ngôi trường của 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã tạo điều kiện cho con, em trong xã đến trường đúng độ tuổi, hầu hết các hộ dân trong xã được dùng điện lưới Quốc gia, các bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, toàn xã đã xóa được nhà tạm, trong xã không có người nghiện ma túy cũng như các tệ nạn xã hội khác, không trộm cắp, không trồng cây thuốc phiện.

Theo ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, xã có hơn 500 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mông. Những năm qua, ngoài cây cà phê, cây sa nhân, táo mèo cũng là loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Hiện tại, xã Tỏa Tình có 160ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 100ha từ nhiều năm nay với năng suất 70 tạ/ha; khoảng 120ha sa nhân cho năng suất 12 tạ/ha và hơn 150ha táo mèo.

Cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân là một trong số cây trồng chủ lực giúp người dân Tỏa Tình xóa đói, giảm nghèo. Đi qua các bản Mông như bản Lồng, Hua Sa A, Hua Sa B… đâu đâu cũng có bóng cây ăn quả.  Từ vài ba héc ta ban đầu, bà con đã nhân rộng diện tích 370,6ha tập trung ở 4 bản: Chế Á, Hua Xa A, Hua Xa B và Háng Tàu. Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã cũng giảm đáng kể. 

Năm 2021, phụ nữ ở xã Tỏa Tình đã mạnh dạn liên kết cùng nhau thành lập HTX Nông sản sạch Tây Bắc. HTX sẽ chế biến các sản phẩm từ Sơn Tra đã mở ra hướng mới giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn.

                                                                                                      Nguyễn Hùng