00:00 Số lượt truy cập: 2690725

Những thành tựu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ khi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW 

Được đăng : 03/10/2022
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt về lý luận và thực tiễn của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt không chỉ bởi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn bởi sau khi ban hành, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào đời sống thực tiễn và tạo nên những đổi thay to lớn, sâu sắc đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

3123456

Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng đều có nhà văn hóa đạt chuẩn
 

Ngay từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết, dù liên tục đối diện với thiên tai, dịch bệnh phức tạp, những diễn biến khủng khoảng lạm phát của thế giới, nhưng gần 15 năm qua, nông nghiệp Việt Nam phát triển tương đối toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại và chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với thị trường trong nước và quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu... Các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả như mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, “chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến, phân phối sản phẩm khép kín”, các hình thức hợp tác, hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia giảm nhưng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp liên tục được cải thiện (năm 2010, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp là 0,49%; năm 2018 đạt 3,76%; năm 2020, trong khi tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế khác đều giảm sâu thì nông nghiệp vẫn đạt 2,68%). Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với ứng dụng công nghệ cao phát triển nhanh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP mới được triển khai từ năm 2018 nhưng cho thấy triển vọng rất tích cực. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa không chỉ bảo đảm tốt an ninh lương thực quốc gia mà còn hướng mạnh vào xuất khẩu. Xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới và nông sản Việt Nam đã có mặt ở trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Từ khi có Nghị quyết, phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp cả nước với những kết quả ấn tượng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn ngày càng hoàn thiện. Giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, nhà văn hóa, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Hiện có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến Ủy ban nhân dân huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 64% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Đến nay, 100% số xã, 99,1% số hộ nông thôn có điện. Năm 2010, chỉ có 42% số xã có nhà văn hóa, 43% số thôn có nhà văn hóa, đến năm 2019 có khoảng 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao, trong đó 71% đạt chuẩn; và có 79,2% số thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó 65% đạt chuẩn. Hiện 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 99,8% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năm 2018, tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở là 100%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 99,4% xã có nhà trạm. Việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đạt khoảng 94,84%... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện có 351 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, đời sống của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Hộ nông dân là đơn vị kinh tế chủ lực; kinh tế trang trại phát triển nhanh, hiệu quả; kinh tế hợp tác có đổi mới và phát triển đa dạng. Theo đó, thu nhập của cư dân nông thôn ngày càng tăng (năm 2010 mới chỉ đạt 12,8 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người), đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện. Nhờ sự dịch chuyển tích cực về cơ cấu kinh tế nông thôn nên đã giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp và dịch vụ ngay ở nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh (bình quân khoảng 1,5%/năm), từ 17,3% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) xuống 7,03% năm 2018 và đến năm 2020 còn dưới 3%. Sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho phần lớn cư dân nông thôn, qua đó góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước.

Như vậy, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông dân tiếp tục khẳng định vai trò to lớn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Với những thành tựu đó, qua 35 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những đóng góp quan trọng làm cho tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ta không ngừng được nâng cao. Mấy năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục khẳng định, thể hiện vai trò như là trụ đỡ về kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhật Anh