00:00 Số lượt truy cập: 2637700

Những vấn đề còn tồn tại trong xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 23/11/2022
Mặc dù có nhiều thành tựu và kết quả rất tốt nhưng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là phát triển nông thôn chưa gắn kết chặt chẽ với đô thị, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng cao, sinh kế cư dân nông thôn thiếu bền vững

839e6c465498cf34f7e3d4a0497138c3

Ảnh minh họa 

Phát triển nông thôn thiếu kết nối, thiếu sự hỗ trợ của phát triển công nghiệp, đô thị. Ngay kể cả các xã, huyện ven đô cũng rất lúng túng khi xây dựng nông thôn mới do chưa rõ định hướng kết nối với phát triển đô thị. Khoảng cách tương đối về thu nhập giữa nông thôn và đô thị dù được thu hẹp từ 2,0 lần năm 2010 xuống còn 1,9 lần năm 2018, nhưng khoảng cách tuyệt đối ngày càng tăng lên, từ 12,7 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 31,6 triệu đồng/người/năm năm 2018. Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế thiếu bền vững trước những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường... Thu nhập từ nông nghiệp ngày càng co hẹp, trong khi đó thu nhập phi nông nghiệp thiếu ổn định. Theo khảo sát của IPSARD (Viện chính sách và Chiến lược PTNNNT) năm 2019, các xã đạt chuẩn nông thôn mới có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhưng thu nhập từ nông nghiệp cũng chỉ tương đương với xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (ở mức 7,7 triệu đồng/người/năm). Thu nhập từ nông nghiệp thấp trong khi khả năng tạo việc làm ổn định tại nông thôn hạn chế nên lao động có xu hướng rời bỏ nông thôn đi làm ăn tại các đô thị ngày càng nhiều, gây áp lực lớn đối với các đô thị. Khoảng 50% khác biệt về thu nhập giữa xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã chưa đạt chuẩn chủ yếu là nhờ nguồn tiền từ các lao động di cư hoặc người thân gửi về.Tỷ lệ hộ nông thôn nhận hỗ trợ từ con cái tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 30,1%, trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn chỉ là 25,2%. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này cũng không ổn định vì đa số lao động rời khỏi nông thôn hoạt động dưới dạng “không chính thức”, chưa được bảo vệ đầy đủ quyền lợi và thiếu ổn định về tương lai.

Phân hóa nông thôn tiến triển mạnh, chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm hộ giàu nhất và 20% nhóm hộ nghèo nhất ở nông thôn tăng mạnh, từ 7,5 lần năm 2010 lên 8,6 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần đô thị. Một điều đáng lưu ý là mức độ rủi ro về thị trường, thiên tai ngày càng tăng nhưng sự hỗ trợ của các chương trình an sinh xã hội và các tổ chức đoàn thể cho hộ nông thôn dù có tăng lên nhưng vẫn còn hạn chế. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (năm 2016) cho thấy, có tới 30% số hộ nông thôn cho biết họ gặp các cú sốc trong sản xuất và cuộc sống. Khảo sát cho thấy tỷ lệ hộ nông thôn nhận hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ tăng từ 38,9% năm 2010 lên 48,1% năm 2018; tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tỷ lệ này chỉ là 44,8% năm 2018, thấp hơn so với xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là 50,9%. Tỷ lệ hộ nông thôn nhận hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể (như Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ...) tăng nhẹ từ mức 4,2% năm 2010 lên 4,8% năm 2018; tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới tỷ lệ này chỉ ở mức 3,2% năm 2018, thấp hơn so với xã chưa đạt chuẩn ở mức 6,2%. Điều đó có nghĩa 50% hộ nông thôn phải tự bảo hiểm đối với các rủi ro từ nguồn thu nhập của chính họ, hoặc phải trông cậy vào người thân và bạn bè. Đây cũng là lý do giải thích vì sao hộ gia đình tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới có thu nhập và khả năng phục hồi với các cú sốc tốt hơn so với hộ gia đình tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới do họ có thể nhờ cậy nhiều hơn từ nguồn hỗ trợ của con cái (30,1% so với 25,2%), từ người thân/bạn bè (37,2% so với 33%) và vay tiền bạn bè (22,9% so với 9,6%).

Với xuất phát điểm thấp, thu nhập thấp, cần tập trung nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước để hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt tại các xã khó khăn hơn là chỉ chú trọng đến các xã có điều kiện để nhanh đạt thành tích về xây dựng nông thôn mới.

                                                                                          Tiến Trình