00:00 Số lượt truy cập: 2670639

Nuôi cua đồng hiệu quả kinh tế cao nhờ tận dụng ưu thế những vùng chiêm trũng 

Được đăng : 18/08/2023

cua 

Ông Hoàng Thế Lộc đang cẩn thận lựa từng mẻ cua 

Những năm trước đây, ở những vùng đất chiêm trũng thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội và Hà Tây (cũ) có rất nhiều cua đồng tự nhiên. Thế nhưng, trong khoảng chục năm trở lại đây, do có nhiều người bắt cua và ruộng đồng bị ô nhiễm bởi các loại thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật khiến cho cua đồng suy giảm... Trong khi đó, cua trở thành một món ăn ưa thích trong bữa cơm hằng ngày của người Hà Nội nên cua đồng giờ đã trở nên đắt đỏ. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều gia đình làm nông trong đó có gia đình ông Hoàng Thế Lộc (thôn Đống Long, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà) ở đã tận dụng ưu thế của những vùng chiêm trũng ở Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua đồng trên những thửa ruộng trồng lúa của mình đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2003, thực hiện chủ trương của địa phương, ông Hoàng Thế Lộc mạnh dạn đổi tất cả diện tích đất canh tác trong đó có cả ruộng loại I về tập trung thành một thửa, đến nay diện tích trang trại của ông Lộc là hơn 1ha. Được sự gúp đỡ của trung tâm khuyến nông Hà Nội, ông Lộc triển khai mô hình nuôi cua kết hợp với chạch đồng. Hiện nay, mô hình của ông Lộc đã bước sang năm thứ 16 và luôn luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo kinh nghiệm chia sẻ của ông Lộc: "Nuôi cua đồng không khó, nhưng cần nắm được kỹ thuật và quan trọng nhất là phải "ăn, ngủ" cùng chúng”. Vì thế, ông luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật và áp dụng những kinh nghiệm đúc rút được từ thiết kế ao nuôi, chăm sóc, chế biến thức ăn và thu hoạch, vận chuyển.

Đặc tính của cua không chịu được nhiệt độ cao, người nuôi cần nắm vững đặc tính này để có biện pháp chăm sóc hợp lý. Môi trường sống của nó là môi trường hoang dã nên dù diện tích nuôi dù to hay nhỏ cũng nên dùng khoảng 45-40% diện tích mặt nước thả bèo tây có tác dụng lọc nước và làm chỗ trú ngụ và tránh nóng cho cua. Dùng thân cây ép dạt bèo vào hai đầu, không cho nở tự do, phải đảm bảo mặt nước trắng khoảng 50%. Nếu quá nhiều bèo, con cua sẽ có màu đen, giá trị kinh tế giảm mất khoảng 50.000đ/kg do người mua lo sợ cua được nuôi trong nguồn nước không đảm bảo hoặc nuôi ở miền núi hay chuyển ở miền Nam ra. Ao nuôi cua nên làm thêm bờ phụ, ngoài bèo tây có thể thả rau muống, xung quanh bờ trồng khoai nước để cua trú ẩn, đào hang và bò lên phơi nắng.

 Ao nuôi cua đồng không nhất thiết phải thay nước nhiều. Vì cua có thể hô hấp được trên cạn và dưới nước. Nếu nước ao quá đục hoặc ô nhiễm nặng mới phải thay, nước phải được kiểm tra không bị ô nhiễm mới cấp vào ao. Cua đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Lượng nước cấp cho ao nuôi căn cứ thay đổi theo mùa. Vào mùa xuân, mực nước chỉ cần từ 20 - 40cm, hết mùa xuân, kích nước lên từ 40-70cm, không nên để quá đầy. Để có nguồn cua giống cho những vụ tiếp theo phải đảm bảo ao nuôi không có ếch, cá quả và cá rô đồng, là thiên địch phá hoại cua đồng con và trứng cua mẹ.

Mật độ nuôi cua chỉ nên nuôi khoảng 25 - 30 kg cua giống /sào Bắc bộ (365m2) là phù hợp. Muốn tỷ lệ cua nuôi sống cao và nhanh lớn, phải mua con giống bản địa từ chính những người đi bắt cua nơi mình ở về gây giống, hoặc ươm cua giống từ bé nuôi. Như thế, cua sẽ không bị ảnh hưởng môi trường rồi bệnh. Ngoài ra, khi thả cua giống, không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống ao. Điều này giúp những cua tránh được hiện tượng bị sốc môi trường. Do nguồn giống cua và chạch đồng chủ yếu phụ thuộc vào giống tự nhiên là chính nên khi thả cần lựa chọn kích cỡ giống đồng đều để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Không mua con giống khi bị đánh điện hoặc xây xát, gãy càng.

Bờ ruộng cần chắc chắn và được che chắn bằng nilon, lưới cước hoặc prô xi măng chôn sâu xuống 30 – 40 cm và cao lên 40 – 50 cm tính từ mặt bờ ruộng đồng thời hơi nghiêng vào trong ruộng một góc 45 độ để tránh khi có sấm chớp hoặc trời mưa, cua bò ra khỏi ruộng nuôi và chuột vào phá hoại.

Thực ăn tự nhiên của cua chủ yếu là rong tảo, giun cỡ nhỏ, động vật phù du... Thức ăn nhân tạo gồm bột ngô, cám gạo, bột sắn, bột đậu tương hoặc cá tạp xay nhỏ. Tỷ lệ cho ăn tháng đầu tiên sau khi thả giống, khoảng 3kg thức ăn/100 kg giống/ngày. Có thể phối trộn thức ăn từ bột ngô và cá tạp, nấu từ buổi sáng, sau khi nấu nhừ và đặc, đến chiều tà thì rải xuống cho ăn trên mặt nước trắng để cua dễ ăn. Tỷ lệ thức ăn nâng lên 4kg thức ăn/100kg giống vào tháng thứ 2 và 5kg thức ăn/100 kg giống vào tháng thứ 3. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi và ghi chép cẩn thận. Nếu phát hiện vẫn tồn dư thức ăn thì rút không cho ăn khoảng 2 lần/tuần để buộc cua phải xử lý hết thức ăn thừa, tránh ô nhiễm ao nuôi.

Do tập tính sống chui dúc sâu dưới bùn và đào hang là chính nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác. Thời điểm thu hoạch chủ yếu là vào tháng 10. Khi cua đạt kích thước thương phẩm được giá cao có thể tiến hành thu hoạch. Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp… tát cạn, bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.- Cua nhỏ không đủ cỡ thương phẩm được để lại nuôi tiếp cho vụ sau.

Phúc Nguyên