00:00 Số lượt truy cập: 2690863

Phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nông thôn mới 

Được đăng : 20/07/2023
Trong du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp là một trong những nhóm sản phẩm chủ đạo. Khung cảnh nông thôn, hoạt động canh tác nông nghiệp, tri thức và văn hóa truyền thống các làng quê ở nông thôn, sản vật tươi ngon và khác lạ... là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch. Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là thúc đẩy du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nông thôn mới trong bối cảnh ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

vannh

Trải nghiệm ngồi ghe xuồng tại vườn trái cây


Ở nước ta có hệ sinh thái nông nghiệp tại các vùng sinh thái, vùng dân cư, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã được khai thác tốt, phát huy giá trị và trở thành thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm du lịch của các địa phương như: du lịch sinh thái miệt vườn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái biển tại các khu nuôi hải sản tại Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), làng trồng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng trồng hoa và cây ăn trái công nghệ cao ven Đà Lạt (Lâm Đồng), làng vải Thanh Hà (Hải Dương), làng trồng nho Ninh Thuận, làng du lịch nhà vườn Thừa Thiên Huế ... Trào lưu xây dựng vùng chuyên canh, trang trại nông nghiệp phát triển đã tạo nên nhiều sản phẩm mới thu hút khách du lịch đến với du lịch sinh thái nông nghiệp như các trang trại trồng hoa tại Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)..., đồng thời nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tạo dựng lễ hội để quảng bá, thu hút khách du lịch như Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội Na (Lạng Sơn), Lễ hội mận Mộc Châu (Sơn La), Lễ hội trái cây Nam Bộ (các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội cam Hà Tĩnh.

Thông qua du lịch sinh thái nông nghiệp, nhiều địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề tại nhiều vùng, miền đã tăng thêm giá trị thông qua giao dịch và tiêu thụ trực tiếp của khách du lịch không cần qua phân phối, giá trị gia tăng cao... đã tác động tích cực đến cuộc sống, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Thông qua du lịch sinh thái nông nghiệp, giá trị hàng hóa của nông sản gắn với cảnh quan nông thôn, truyền thống văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương được gia tăng so với giá trị hàng hóa thuần túy của nông sản địa phương.

Điển hình, như tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) có một mô hình liên kết du lịch độc đáo và hiệu quả mang tên "Hội quán cùng nhau làm du lịch". Mọi người tham gia mô hình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch, cập nhật những chính sách mới, ý tưởng hay và nhất là cách đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm sao cho du khách không bị nhàm chán. Những ý tưởng hay mô hình du lịch tương tự nhau sẽ được thảo luận để chuyển đổi, sao cho sản phẩm tại làng hoa Sa Đéc không bị trùng lặp.

Tại nhiều địa phương, cộng đồng đã cùng nhau gìn giữ, phát huy lợi thế để làm du lịch, liên kết những mô hình du lịch để tạo nên sức mạnh. Người dân được đào tạo nghiệp vụ phục vụ du khách, cả ngoại ngữ hay kỹ năng cứu nạn, giữ gìn môi trường ... Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Sơn ở quận Bình Thủy (Cần Thơ) thường xuyên tấp nập du khách nhờ những trải nghiệm rất thú vị và độc đáo như thăm bè cá trên sông, ngắm "cá lóc bay" hay các vườn cây trái trĩu quả.

Để phát triển du lịch nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã xây dựng đồng bộ quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử.

Vân Anh