00:00 Số lượt truy cập: 2670413

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 04/12/2023
Ông Huỳnh Phan Trung, ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, Huyện Châu Thành, Tỉnh Hậu Giang nhờ được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi dê tận dụng từ phụ phẩm trong nông nghiệp đã giúp ông tiết kiệm được khoản chi phí mua thức ăn, bên cạnh đó đàn dê lại khoẻ mạnh. Từ gần 20 con dê ban đầu, ông Trung đã phát triển đàn dê lên 70 con, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

huong-5

 

Năm 2022,  ông Trung được Trung tâm Khuyến nông & Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình “chăn nuôi dê tận dụng phụ phẩm từ mít”. Nhận thấy khu vườn đất trồng cây ăn trái của gia đình đã bỏ những phụ phẩm trên vườn cây quá phí, từ đó ông Trung đã mạnh dạn sang lấp mặt bằng khu vườn 500m2 sau nhà để đầu tư chuồng trại nuôi dê thịt. Hướng chăn nuôi của ông là tạo ra nguồn thực phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng.

Giống dê ông chọn nuôi là giống dê bore lai với giống dê bách thảo, thời gian nuôi ngắn nhưng đạt hiệu quả rất cao, thích ứng tốt với môi trường, ít bệnh tật, nuôi thời gian 4 -6 tháng có thể bán dê thịt và dê sinh sản.

Với tính chịu khó học hỏi và kinh nghiệm chăn nuôi dê của gia đình, đàn dê của ông phát triển nhanh, đều, ít bệnh tật; nuôi dê trong chuồng còn tận dụng được nguồn phân ủ làm phân bón cho vườn cây ăn trái và vườn rau của gia đình. Từ 10 con dê của gia đình và 9 con dê được hỗ trợ từ mô hình khuyến nông, đến nay tổng đàn dê của ông hiện trên 70 con dê giống và thịt.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, ông Trung cho hay: Nuôi dê khá nhàn nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác; hơn nữa dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi dê được làm đơn giản, với diện tích khoảng 40m2/chuồng; vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá hoặc tôn. Điều đặc biệt là chuồng dê làm phải cao ráo, cách 1m so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để bảo đảm phân và nước thải lọt xuống. Đối với dê sinh sản, phải bám sát chu kỳ và lập sổ ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê. Ông Trung cũng đặc biệt lưu ý về kỹ thuật nuôi dê cần chú ý vệ sinh chuồng trại  hàng ngày, định kỳ tiêu độc sát trùng 01 tuần/lần, để hạn chế mầm bệnh xảy ra, từ đó đàn dê luôn khoẻ mạnh và cho năng suất cao, sinh sản dê con tốt khỏe.

Cũng theo ông Trung, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên mình có thể không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt và xắt để cho dê ăn.

 Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Trung đã thành công với mô hình nuôi dê tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Nói về đầu ra của con dê, ông Trung cho biết: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá rộng, thương lái đến tận nhà để tìm mua dê. Theo đó, dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con, bán với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Với dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 3 - 4 triệu đồng/con”.

Theo tính toán của ông Trung, mỗi năm gia đình ông cho xuất chuồng khoảng 30 con dê các loại, thu về trên 100 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi dê, gia đình ông Trung còn nuôi heo và trồng cây ăn trái, rau màu. Việc nuôi dê, nuôi heo giúp gia đình ông tận dụng được nguồn phân để bón cho vườn cây xanh tốt, giúp tăng thêm thu nhập.

 Để đáp ứng nhu cầu thị trường hướng tới ông sẽ tăng đàn đồng thời hướng dẫn đầu ra cho các hộ có nhu cầu nuôi và bao tiêu sản phẩm, tạo ra ngày càng nhiều hơn sản phẩm sạch an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Từ mô hình điểm chăn nuôi dê tận dụng phụ phẩm nông nghiệp của ông Trung đã được Trung tâm Khuyến nông & Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đánh giá hiệu quả mang lại là rất cao. Huyện Châu Thành chọn đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại huyện nói chung và cũng là mô hình đang được áp dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Hậu Giang.

Theo ông Nguyễn Long Du – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A chia sẻ: Qua mô hình này cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Mô hình nuôi dê của ông Trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên cần được nhân rộng, tạo một chuỗi liên kết tuần hoàn, giúp các hộ nuôi dê kết nối lại với nhau để tìm đầu ra ổn định cho đối tượng này trong thời gian tới.

                                                                                             Chu Hương