00:00 Số lượt truy cập: 2690593

Tấm gương Hội viên nông dân học và làm theo lời Bác, tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 04/10/2022
Tham Đôn là xã đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 73% dân số toàn xã. Trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình hình phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của xã còn chậm, đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, điện,.. chưa được đầu tư đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao trên 31%. 14/12/2021, xã Tham Đôn vinh dự là một trông 3 xã được UBND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng với xã Ngọc Đông và Hòa Tú 1 cùng huyện Mỹ Xuyên.

dsc9111

Ông Lâm Văn Phấn, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW  của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019

 

Là hội viên nông dân của chi Hội Ấp, là Tổ trưởng tổ hợp tác trồng lúa đặc sản Tắc Gồng, xã Tham Đôn, ông Lâm Văn Phấn là một nông dân sản xuất giỏi, nhờ chăm chỉ chịu khó. Biết chắt chiu sau nhiều năm nên cuộc sống gia đinh ông thuộc dạng khá. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ông luôn gương mẫu, tự giác trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, lối sống, sinh hoạt của gia đình văn minh, nề nếp, nên rất được đông đảo hội viên nông dân tin tưởng và ủng hộ. Ông luôn ân cần, chia sẻ, vận động bà con cùng tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tham Đôn.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp nói chung và Hội Nông dân xã Tham Đôn và chi Hội nông dân ấp Tắc Gồng nói riêng đã và đang tham gia thực hiện rất tích cực phong trào, phấn đấu đạt hiệu quả cao các tiêu chí, làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm rực rỡ. Trong đó, nhiều hội viên nông dân trong đó có ông cũng háo hức, hăng hái đóng góp một phần công sức vào công cuộc chung của đất nước và của địa phương. Thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ, chi Hội Nông dân Ấp đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền đến hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những công việc mà trách nhiệm là hội viên nông dân cần thực hiện để tham gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sở 19 Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân Việt Nam cũng như Hội Nông dân các cấp nhằm khuyến khích hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào bằng những việc làm cụ thể như: đóng góp ngày công lao động, nạo vét kênh mương, dọn cỏ vớt lục bình, rác, khai thông dòng chảy, nhặt rác, bao bì, vỏ chai thuộc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thường xuyên chặt mé cây, làm cỏ 2 bên đường; tự nguyện hiến đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trên địa bàn xã…

Ông Phấn luôn trăn trở trước thực trạng giao thông trên địa bàn xã Tham Đôn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều lộ đan nhỏ hẹp ổ gà chằng chịt, cầu dân sinh thiếu an toàn. Để giải quyết được vấn đề này rất cần sự đóng góp, chia sẻ của bà con: tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, vật chất, tiền bạc...

Tuy nhiên, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều hộ còn vẫn đang thuộc diện hộ nghèo nên lực bất tòng tâm. Đồng cảm với khó khăn của bà con nông dân trên địa bàn, ông quyết tâm đứng ra vận động từ người thân và các mạnh thường quân mà ông quen biết để hiến đất, đóng góp tiền, công lao động... tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động. Với phương châm Ai có đất hiến đất, ai có tiền đóng góp tiền, nếu không có vật chất, của cải thì đóng góp công sức”. Tích cực vận động hội viên nông dân cùng bà con cùng hy sinh lợi ích riêng để xây dựng đường giao thông nông thôn sạch, đẹp tạo điều kiện cho con cháu mình đi học gần hơn, an toàn hơn, hàng nông sản được thương lái đến tận nơi mua bán với giá cao, thêm vào đó giảm được nhiều chi phí đầu vào giúp bà con tăng thêm thu nhập.

Trong quá trình triển khai công cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng giao thông nông thôn bản thân ông cũng gặp không ít khó khăn: một số ít hộ dân chưa muốn hợp tác, việc đền bù và giải phóng mặt bằng cũng luôn là một thách thức, người góp ít người phải góp nhiều... Nhưng không vì thế mà nản, ông quyết tâm kiên trì thuyết phục, phân tích những thuận lợi, những cái có được nhiều hơn cái mất cho bà con hiểu và đồng tình với việc làm của mình. Sau cùng, ông cũng vận động được các hộ dân tự nguyện hiến đất và hơn hết là họ rất tin tưởng vào sự trách nhiệm, tính trung thực của ông nên công việc tiến triển khá tốt đẹp. Điều đáng nói, có những hội viên nông dân không thuộc dạng khá giàu, mà chỉ là những hộ có thu nhập mức trung bình, cuộc sống đủ ăn, đủ mặc chủ yếu sinh sống bằng nghề nông trồng lúa và làm rẫy cũng tích cực tham gia.

Tính từ năm 2016 đến nay, bản thân ông cũng như người thân và người dân đã đóng góp xây mới và sửa chữa 04 cây cầu giao thông nông thôn, 04 tuyến lộ đan giao thông nông thôn để cho nông dân dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa, với tổng chi phí xây dựng trên 590 triệu đồng: Lộ đan Tắc Gồng (cặp kênh bà Kim Sen), dài 1.200 m, tổng giá trị 300.000.000 đồng; Xây dựng cầu bà Lan, với tổng giá trị 10.000.000 đồng; Xây dựng cầu kênh (ông Dờ), với tổng kinh phí 42.000.000 đồng;  Xây dựng cầu kênh Chế Hứng (lộ đan nhà mát Tắc Gồng), với tổng kinh phí 40.000.000 đồng; Xây dựng Lộ đan Cống Tắc Gồng, dài 360 m, giá trị 80.000.000 đồng;  Sửa chữa Lộ đan trong chùa Tắc Gồng, dài 270 m, tổng giá trị 60.000.000 đồng; Sửa chữa Lộ đan hẻm bà Lan, Ấp Tắc Gồng, dài 350m, tổng giá trị 20.000.000 đồng; Xây dựng cầu kênh gạch Tắc Gồng, với tổng kinh phí 80.000.000 đồng.

Ông còn có sáng kiến xây dựng 02 “Nhà nghỉ mát” cho nông dân nghỉ trưa khi đi làm ngoài đồng, ngoài rẫy. Rồi xây dựng cầu, lộ đan nối liền đến nhà nghỉ mát, tạo giao thông thuận tiện cho nông dân đi làm đồng đến dây nghỉ ngơi, là nơi thu hoạch nông sản, xây dựng sân bãi để xe cho nông dân di làm ruộng, làm rẫy.

Bản thân gia đình ông giúp đỡ thường xuyên 25 người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, trợ cấp gạo ăn 30 kg/người/tháng. Thường xuyên vận động thân nhân, bà con, những người có điều kiện chung tay chung sức giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ông nhận thấy, công tác vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường do Hội Nông dân các cấp tổ chức thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực tại quê hương, góp phần giúp huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nhận được Quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cùng với Hội nông dân các cấp tuyên truyền, vận động người dân đóng góp nhiều ngày công, tiền của, xây dựng, tu sửa cầu, đường giao thông nông thôn và các hoạt động xã hội góp phần tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước nói chung và địa phương ông nói riêng.

Mai Loan