Quảng Điền là huyện đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế
Sau 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Thừa Thiên Huế có 67/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%; có hai đơn vị cấp huyện (thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Ðiền) được công nhận nông thôn mới. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2010 (12,6 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,13%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,1%; Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 96% (trong đó khu vực nông thôn đạt 94%). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom toàn tỉnh 92%...
Bước vào xây dựng Nông thôn mới năm 2010, tỉnh mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn gặp khó khăn về nhiều mặt; tỉ lệ hộ nghèo là 9,16 %. Với sự đồng lòng của các cấp chính quyền và bà con nhân dân trong toàn tỉnh, Thừa Thiên Huế xác định xây dựng Nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, trong đó phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những giải pháp cơ bản và lâu dài.
Quảng Ðiền là huyện đầu tiên của Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới. Ðến năm 2020, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%; 100% số xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38 triệu đồng/năm. Bộ mặt nông thôn mới của huyện từng bước khởi sắc, sạch đẹp, khang trang; hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội phát triển; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư khá đồng bộ; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Để đạt được những thành quả kể trên, huyện tập trung vào hai chương trình trọng điểm là nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chương trình phát triển dịch vụ du lịch, đồng thời đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, nhằm tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm gắn với việc khai thác, giữ gìn các giá trị văn hóa của địa phương. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện. Việc Quảng Ðiền đang từng ngày khởi sắc minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thành quả là vậy, nhưng Thừa Thiên Huế cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Trong tổng số 30 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh, có đến 21 xã ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các xã thuộc huyện nghèo; 9 xã còn lại thuộc các xã vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn của giai đoạn trước; các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước hiện mới chỉ đạt ở mức tiệm cận, chưa thực sự bền vững, vì vậy so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 thì hầu hết các xã này đều không đạt theo chuẩn mới. Bên cạnh đó nhiều yếu tố khách quan như việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia vào xây dựng NTM còn hạn chế; thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp khó lường; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra;…
Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn NTM so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, các điều kiện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của TP. Huế và huyện Phong Điền trình Trung ương thẩm định. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Anh Hoàng