00:00 Số lượt truy cập: 2690647

Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 03/10/2022
Xây dựng Nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Đảng và Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7, khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26/TW ngày 05/8/2008). Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), những kết quả quan trọng đã đạt được của Chương trình đã được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đánh giá “to lớn và toàn diện”.

 

ntm1

Hội viên nông dân tham gia vệ sinh các tuyến đường thôn.

Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công trong xây dựng NTM, là giải pháp có vai trò quan trọng, cần đi trước, các cấp Hội từ trung ương đến cơ sở thường xuyên đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương; gắn tuyên truyền miệng với xây dựng các mô hình, tổ chức cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập. Chú trọng tuyên truyền vai trò của Hội Nông dân, vai trò chủ thể của nông dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.

Bám sát vào các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Hội các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tập trung tuyên truyềncác mục tiêu, tiêu chí, lộ trình, các bước triển khai xây dựng nông thôn mới; tổ chức lễ tôn vinh các gương tập thể, cá nhân nông dân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo. Đồng thời, chỉ đạo gắn tuyên truyền với tăng cường nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên, nông dân  và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch, mục tiêu của Chương trình; những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở, chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ.

 Với chủ trương công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ, phát huy hiệu quả cao, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW, ngày 29/7/2011 và 33 Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, Đề án, hướng dẫn... liên quan đến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới triển khai đến các các cấp Hội trong cả nước. Ban Thường vụ Trung ương Hội phân công nhiệm vụ các Ban, đơn vị tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn kết quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí đánh giá thi đua công tác Hội và phong trào nông dân của các cấp Hội.  Ở địa phương, Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội và cấp ủy tỉnh, thành phố, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các cấp Hội thực hiện  chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Để tuyên truyền hiệu quả, thực sự “thấm, ngấm” vào cán bộ, hội viên, nông dân, các cấp Hội đã đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng, phong phú, phù hợp điều kiện cụ thể ở từng địa phương và đối tượng nghe: kết hợp tuyên truyền miệng tại các hội nghị, gắn với tuyên truyền thông qua xây dựng các mô hình kinh tế, xã hội, môi trường, trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền tại các kỳ sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân bằng phổ biến, trao đổi, hỏi đáp; thông qua các hội thi, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội hàng năm tuyên truyền trên các phương tiện Báo, Tạp chí, website, bản tin của Hội kết hợp với phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng.

Trong 10 năm (2011-2020), các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức 169.777 lớp tập huấn và hội thảo cho 8.448.850 lượt hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương trong xây dựng nông thôn mới; biên soạn, in ấn 487.568 bộ tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới; những nội dung cơ bản của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tổ chức được hơn 2,1 triệu cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, hội thi, mít tinh và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi hội, tổ hội ở cộng đồng, các câu lạc bộ nông dân cho hàng chục triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân các kiến thức về kinh tế - xã hội – môi trường.

 Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép với các phong trào do các Hội phát động thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Phong trào “5 không 3 sạch”; "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi,đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”…

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua Hội Nông dân các cấp đã vận dụng phương thức “nêu gương” trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Nhiều cán bộ, đảng viên trong hệ thống Hội với tinh thần trách nhiệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã chủ động chung tay góp sức cùng Nhân dân xây dựng NTM không ngần ngại đi đầu trong phong trào hiến cây, hiến đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế, hỗ trợ thôn, xóm xây dựng nông thôn mới.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã được nhân rộng trong toàn địa phương và trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Mô hình “Con đường mang tên Hội Nông dân”, Hàng cây ơn Bác“, “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Chi Hội xanh, sạch, đẹp”; “Cổng nông dân tự quản”, “Mái ấm Hội Nông dân”, “Điểm sáng vùng ven biển”, “Chi hội không có người phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội”, “Sạch nhà, tốt ruộng”, “Quỹ tình nghĩa nông dân”, mô hình “sạch làng, tốt cây”, “Hộ sạch, khuôn viên đẹp, “Tấm lưới nghĩa tình”... tổ chức Tết trồng cây nhớ Bác, Ngày hội xuống đồng. Tại các địa bàn biên giới, Hội Nông dân các cấp đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo và tham gia lực lượng dân quân tự vệ; xây dựng “Điểm sáng vùng biên”, “Tổ an ninh tự quản”, chống di cư trái phép…

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân cả nước tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thông qua việc đóng góp trên 40 ngàn tỷ đồng, trên 19 triệu ngày công, hiến trên 31 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 215 ngàn km kênh mương nội đồng và 118 ngàn km đường giao thông nông thôn, hàng ngàn nhà văn hóa thôn, ấp, bản; xóa 11.215 nhà tạm.

Bên cạnh các hình thức, phương pháp truyền thống, các cấp Hội đã tiến hành lồng ghép các nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thông qua việc tổ chức các hội thảo khoa học, hội thi quy mô toàn quốc như “Hội thi Nhà Nông đua tài”, “Hội thi Nông dân với pháp luật”, Hội thi “Tiếng hát đồng quê”, Giải bóng chuyền Bông lúa Vàng...; tuyên truyền thông qua xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mô hình  chi, tổ Hội nghề nghiệp; tổ chức lễ tôn vinh, vinh danh nông dân, vinh danh sản phẩm nông nghiệp của nông dân trên các lĩnh vực...

Công tác tuyên truyền, vận động đã giúp cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân có nhận thức đúng làm thay đổi nếp nghĩ, khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng lan rộng, thể hiện bằng việc tự giác chấp hành, tự nguyện đóng góp công, góp của…hiến kế để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Ý thức nông dân về bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn được phát huy, phát triển. Nhiều nông dân trình độ, kiến thức sản xuất kinh doanh nâng lên, tư duy về kinh tế từng bước thay đổi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư cho phát triển sản xuất, sản xuất ra sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao thu nhập…

 

Tất cả những thay đổi tiến bộ này đang chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, cải thiện cuộc sống cho nông dân; từng bước góp phần xây dựng nông thôn nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, tiến tới nông thôn văn minh hiện đại, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại sớm thành hiện thực.

T.Dung