00:00 Số lượt truy cập: 2670882

Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên 

Được đăng : 19/08/2023
Chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở nước ta nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việc áp dụng chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.

 

quoc-khanh

Ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội thảo

 

Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều phần mềm, chương trình hỗ trợ về công nghệ số cho người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hiện nay, đa số các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng như: C-ThaiNguyen, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee... Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM còn một số hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa chưa đồng bộ; kỹ năng của người dân còn yếu…

Do đó, ngày 18/8 vừa qua, Hội thảo "Giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử" do Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên tổ chức với sự tham gia của 100 khách mời đến từ một số sở, ban, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, đơn vị doanh nghiệp tư vấn về lĩnh vực chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đại diện các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…đã tập trung thảo luận các nội dung nhằm tìm ra những giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số trong xây dựng NTM; giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; giải pháp xây dựng xã NTM thông minh… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mở rộng nhiều nội dung thực hiện, đòi nguồn lực lớn hơn về kinh tế - xã hội để triển khai. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số để giảm tải thủ tục hành chính, gia tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao mức sống của người dân đang là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thái Nguyên đang triển khai. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên khẳng định "Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới phải lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số”.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS.Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên khẳng định để sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần xây dựng một hệ thống thông tin kết nối các đơn vị và tổ chức liên quan trong việc triển khai chuyển đổi số và quản lý NTM thông minh; tổ chức các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn; đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ; tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung cho rằng các HTX nông nghiệp cần đảm bảo có đủ kiến thức về công nghệ và đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn các rủi ro liên quan đến lừa đảo và vi phạm quyền riêng tư. Do đó, đại diện HTX Trà Sơn Dung mong muốn các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo cho nông dân về cách sử dụng công nghệ, cách bảo mật thông tin, và cách ứng phó với các tình huống xảy ra liên quan đến an toàn thông tin. Điều này giúp cho HTX hiểu rõ các nguy cơ tiềm tàng và biết cách bảo vệ thông tin quan trọng.

Quốc Khánh