00:00 Số lượt truy cập: 2672970

Tỷ phú nuôi tôm và những đóng góp xây dựng quê hương 

Được đăng : 07/06/2023
Theo giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hoạt (sinh năm 1963, ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, ông Hoạt cũng là một trong 2 gương mặt nông dân tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được bình chọn danh hiệu “100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

tuan-anh1

Ông Nguyễn Văn Hoạt đạt danh hiệu “100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" với mô hình nuôi tôm công nghệ cao
cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm


Gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 20 năm, trải qua nhiều thăng trầm với nghề, chỉ đến khi áp dụng công nghệ khoa học vào nuôi tôm mới giúp ông kiếm được tiền tỷ từ con tôm. Nhớ lại những bước đầu gian khó ông Hoạt cho hay, năm 2000 chọn con tôm làm “đầu cơ nghiệp” nuôi theo mô hình quảng canh nên thu nhập không cao. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phát triển nuôi tôm công nghệ cao, nhận thấy việc nuôi tôm theo mô hình này giúp chủ động được thời vụ, hạn chế dịch bệnh, từ đó nâng cao chất cũng như sản lượng tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, ông Hoạt đã không ngần ngại thử sức và đã thành công. Hiện nay, ông có diện tích đất sản xuất 40.000m2, đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào nuôi tôm công nghệ cao, hàng năm cho năng suất 55 tấn tôm. Riêng năm 2021, ông thu được 57 tấn tôm, lợi nhuận 2,6 tỷ đồng. Trang trại tôm của ông tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập 12 triệu đồng/người/tháng; 12 lao động thời vụ, thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Để mô hình ngày càng phát triển, ông Hoạt tích cực nghiên cứu thông tin trên mạng, học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các nơi. Ông Hoạt cho biết: “Tôi thường đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả của vài người bạn ở một số tỉnh nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để về áp dụng vào sản xuất và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào nuôi tôm nên mới đạt hiệu quả cao”.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm, ông Hoạt cho biết, trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao, con giống và nguồn nước là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của cả vụ nuôi. Trong đó, con giống quyết định 70% sự thành công nên khâu chọn giống phải rất kỹ từ các nhà cung cấp có uy tín. Còn con giống khi mua về thì nhất định phải thả ươm sau đó mới cho xuống ao nuôi. Quá trình nuôi, nông dân phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, theo sát sự phát triển của tôm để có biện phải xử lý kịp thời.

Ngoài ra, ông Hoạt còn mạnh dạn đầu tư điện năng lượng mặt trời để phục vụ nuôi tôm và cung cấp điện sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm chi phí điện hơn 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm chi phí cho sản xuất.

Với suy nghĩ uống ngước nhớ nguồn, ông Hoạt đã giúp đỡ 15 hội viên nông dân trong xã Hiệp Thành có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật cũng như đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Trong đó có 4 hộ đang đầu tư theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát triển tốt, mỗi năm thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Còn lại 11 hộ nuôi tôm quảng canh-quảng canh cải tiến, lợi nhuận đạt được khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Tinh thần tương thân tương ái của ông Hoạt không dừng lại ở đó. Được biết, ông còn là người nhiệt tình với công tác an sinh, xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2019-2021) gia đình ông đã tham gia đóng góp số tiền 450 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ vì người nghèo, quỹ an sinh xã hội; tặng hơn 20 tấn gạo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch COVID-19 trong năm 2021, thấy nhiều hội viên nông dân lâm vào cảnh khó khăn, ông đã không ngần ngại hỗ trợ tổng số tiền 200 triệu đồng (mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng), đồng thời ủng hộ 5 tấn gạo cho người dân để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Ông Lê Tuấn Em - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: "Ông Hoạt không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh 3 năm liền (từ năm 2019 đến năm 2021) mà trong những năm qua, gia đình ông còn tạo điều kiện giúp đỡ cho trên 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM đóng góp cho địa phương để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ người nghèo, quỹ an sinh xã hội, với số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm".

 

 

Tuấn Anh