00:00 Số lượt truy cập: 2690786

Vĩnh Phúc: Lấy Khoa học và công nghệ làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn 

Được đăng : 10/07/2023
Những năm qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc. Chính vì vậy, Vĩnh Phúc có nhiều giống tốt; kỹ thuật sản xuất trong chăn nuôi và trồng trọt hiện đại; nông sản được chế biến sâu và bảo quản… từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

h112

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nguyễn Trung Kiên, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, toàn tỉnh đã có 133 đề tài, dự án KH&CN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xây dựng NTM được triển khai thực hiện, phù hợp nhu cầu thực tế sản xuất của người dân. Từ năm 2019-2022, Sở KH&CN đã triển khai gần 30 mô hình ứng dụng trong sản xuất, đạt hiệu quả khi triển khai vào thực tiễn.

Có 23 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và địa phương như thanh long ruột đỏ, huyện Lập Thạch; rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường; trà hoa vàng, huyện Tam Đảo…

Vĩnh Phúc tập trung chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây ăn quả tại các vùng đồi, núi, vùng bán sơn địa (bưởi, thanh long, táo, chuối); tăng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày, giảm diện tích trồng lúa; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp.

Trên địa bàn Vĩnh Phúc còn đầu tư xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại công nghiệp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh.

Nhờ KH&CN mà nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản đã áp dụng thành công mô hình nuôi trồng mới như mô hình ao nổi, mô hình nuôi cá sông trong ao… để tăng năng suất, tăng sản lượng. Với những nông dân vùng rừng thì được hướng dẫn cách khoanh nuôi gia súc gia cầm dưới các tán rừng, qua đó góp phần bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có; hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng, vi phạm lâm luật.

Bên cạnh đầu tư phát triển KH&CN giành cho ngành Nông nghiệp, Vĩnh Phúc cũng huy động phát triển cơ sở hạ tầng nhưng vẫn giữ giá trị các bản sắc văn hoá. Từ đó khi xây dựng các khu du lịch, văn hóa cộng đồng, tâm linh, làng nghề, trải nghiệm, sinh thái, các điểm, tour du lịch, các tuyến du lịch... tại các vùng nông thôn thành các trung tâm du lịch lớn tầm quốc gia, quốc tế; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Phong trào khởi nghiệp ở vùng nông thôn phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Sau đại dịch Covid-19, du lịch, dịch vụ tỉnh phục hồi nhanh; tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực; vị trí địa lý và các làng nghề cùng hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại với khoảng 160 km đường cao tốc, 260 km đường vành đai, 372 km đường tỉnh và 4.373 km đường giao thông nông thôn kết nối các vùng và liên vùng, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành địa phương trọng điểm về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) có sức lan tỏa đến các địa phương trong vùng, trở thành mô hình điểm thực hiện chiến lược KHCN&ĐMST quốc gia đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra một số giải pháp, trong đó triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích về phát triển KHCN&ĐMST phục vụ phát triển nông nghiêp, nông thôn và nông dân; hỗ trợ nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công nghệ sau thu hoạch, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Qua đó, Sở KH&CN yêu cầu tăng số lượng nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nông nghiệp như nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp an toàn…

Ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề cho nông dân, tăng cường cung cấp thông tin cho nông dân.

Đầu tư phát triển các tổ chức KHCN, trong đó có các nhóm nghiên cứu làm nòng cốt để tiếp thu và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Hiện Sở KH&CN đang xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về truy xuất nguồn gốc và kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, hướng tới phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và xuất khẩu hàng hóa.

Nhờ những cố gắng của ngành Khoa học công nghệ làm nền tảng động lực thúc đẩy phát triển xây dựng NTM, đến hết năm 2022, Vĩnh Phúc đã có 43 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50,79 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,51%.

                                                                                                  Minh Hằng