00:00 Số lượt truy cập: 2663030

BÁO CÁO: Đánh giá Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2015 

Được đăng : 03/11/2016

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG 

*

Số 101 - BC/HNDTW

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2015

  BÁO CÁO

Đánh giá Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2015

----------


Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đối với khoa học và công nghệ nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII); Kết luận số 234/KL-TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về khoa học và công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X)về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mục tiêu của Chương trình là:

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động hội viên nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu qủa hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, tập thể, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ; nâng cao trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, kinh doanh và dịch vụ của nông dân.

Các nội dung phối hợp chính là:

- Tiếp tục tuyên truyền tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

- Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức trên phạm vi toàn quốc “Cuộc thi sáng tạo nhà nông” các cấp và các hình thức thi đua khác.

- Hướng dẫn, khuyến khích và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên nông dân tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh nhằm tạo cho nông dân đủ khả năng xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

- Thực hiện các nhiệm vụ thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa  học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là các nhiệm vụ về đào tạo, tập huấn khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tiếp thu và nhân rộng kết quả chuyển giao KH&CN cho nông dân.

Nhằm đánh giá về kết quả chủ yếu đạt được trong việc triển khai, thực hiện Chương trình 5 năm qua và xây dựng định hướng phối hợp hoạt động trong thời gian tới, được sự thống nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng báo cáo với các nội dung chính sau đây:

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1.Về chỉ đạo triển khai thực hiện

 Trong 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động, Lãnh đạo hai ngành tích cực chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt, hàng năm tổ chức hội thảo đánh kết quả và đề xuất, bổ sung Chương trình phối hợp cho phù hợp với tình hình thức tiễn với những năm tiếp theo.

a) Ở Trung ương

Lãnh đạo 2 ngành đã giao cho các đơn vị chức năng trên cơ sở nội dung Chương trình phối hợp hoạt động, chủ động phối hợp xây dựng nội dung, kế hoạch và kinh phí cho hoạt động hàng năm; tổ chức phối hợp thực hiện kế hoạch nhiệm vụ đã được phê duyệt. Các đơn vị chức năng đã tham mưu cho Thủ trưởng hai ngành chỉ đạo Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có các hình thức phối hợp thiết thực, để tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Chương trình phối hợp đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ và cán bộ, hội viên, nông dân. Coi việc tổ chức phối hợp triển khai này là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, cơ sở. Đôn đốc, kiểm tra Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo nội dung của Chương trình phối hợp và hướng dẫn tổ chức thực hiện của hai ngành. Hội Nông dân Việt Nam chủ động tham mưu và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện các dự án và phối hợp thực hiện các dự án có liên quan đến nông nghiệp, nông dân nông thôn; chủ động  báo cáo với Đảng, Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có những nội dung liên quan về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam luôn quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất và tạo những điều kiện cần thiết cho công tác phổ biến, tuyên truyền vận động của Chương trình nhằm cung cấp thường xuyên, liên tục những thông tin, kiến thức, các giải pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ, những mô hình, điển hình tiên tiến cho bà con nông dân.

b)Ở địa phương

Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trên cơ sở Chương trình phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ, hai bên thống nhất xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân; hàng năm tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo về Trung ương Hội để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo hai ngành.

Căn cứ nội dung Chương trình phối hợp đã ký và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện của hai ngành, Ban Thường vụ Hội Nông dân và Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố đã tập trung vào công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Đó là:

Tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Chương trình phối hợp và “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa  học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là các nhiệm vụ về đào tạo, tập huấn khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tiếp thu và nhân rộng kết quả chuyển giao KH&CN cho nông dân.

Căn cứ vào nội dung của Chương trình phối hợp, đến nay, cả nước có đủ 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức ký Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ.

Phối hợp với các ngành liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, vệ sinh môi trường, văn hoá, xã hội đẩy mạnh công tác vận động, hư­­ớng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ để thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đặc biệt có một số địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất vật tư phân bón, các tổ chức khoa học công nghệ để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học công nghệ giúp nông dân xây dựng các mô hình ứng dung khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nghiên cứu và tổ chức nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong nông thôn, nông dân.

2. Về tuyên truyền và nâng cao hiểu biết về KH&CN cho cán bộ, hội viên nông dân

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Hội Nông dân đã tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Trong đó chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng.

Bản tin “Khoa học với nhà nông” và trang Website “Khoa học cho nhà nông” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong 5 năm đã cung cấp 19.127 tin, bài, quy trình về KHCN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay có trên 322.214  lượt người truy cập vào Website này. Bản tin “Khoa học với nhà nông” đã phát hành 30 số với 160.000 bản đến cấp tỉnh, huyện và một số xã. 

Trong 5 năm Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức sản xuất và phát sóng 27 chương trình “Mỗi kỳ một nghề cho nhà nông” trên sóng VTV2 trong chuyên mục “Bạn Nhà nông” Đài Truyền hình Việt Nam. Phối hợp với VTV1 tổ chức tôn vinh nông dân xuất sắc nhằm tôn vinh những người nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu. Cùng với phương pháp tuyên truyền miệng, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới của Hội đã tăng cường mở chuyên mục thêm nhiều nội dung mới về phổ biến KH&CN; website Hội Nông dân Việt Nam, Bản tin Thông tin công tác Hội phát hành 150.000 bản là các ấn phẩm chứa nhiều nội dung KHCN dùng làm tài liệu phục vụ sinh hoạt th­ường kỳ của các chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân.

Các ban, đơn vị của cơ quan Trung ư­ơng Hội đã tổ chức biên soạn nhiều đầu sách, tài liệu có nội dung liên quan đến KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn như: “Nông dân làm giàu và hội nhập”, “Về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam”, với hàng chục vạn cuốn được đưa xuống cơ sở. In và phát hành hàng chục triệu bản các loại tờ rơi, thông tin quảng cáo phục vụ Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình dân số gia đình và trẻ em, Chương trình phát triển ngành nghề nông thôn. Tăng cường công tác đưa thông tin về cơ sở, miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Trung ương Hội đã cho xuất bản và phát hành sách “Kỹ thuật chăn nuôi một số con gia súc ở miền núi”, “Kỹ thuật trồng trọt một số cây trồng ở niền núi”...với trên 56 ngàn cuốn. Tổ chức xây dựng VIDEOCLIP để tuyên truyền gương nông dân sản xuất giỏi, những kinh nghiệm làm giàu và tương trợ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững với 33.784 đĩa được phát hành đến Hội Nông dân 54 tỉnh,  472 huyện, 4820 xã, 3000 điểm bưu điện văn hóa xã. Xây dựng và phát hành 18.000 áp phích tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ, 34.000 cuốn sách tuyên truyền về gương nông dân vượt khó áp dụng khoa học kỹ thuật đã trở thành hộ khá, giàu.

Tổ chức phổ biến tuyên truyền KHCN qua các hoạt động văn hoá, trên các phương tiện thông tin đại chúng nh­­ư thông tin, cổ động, áp phích, tờ rơi… Hầu hết các tỉnh, thành Hội đều tổ chức tốt “Hội thi Nhà Nông đua tài” ở cả 3 cấp từ cơ sở đến huyện, thị; tỉnh, thành với các nội dung về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi dưới hình thức “sân khấu hóa”. Ttung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức thi cấp khu vực, bán kết và chung kết. Đặc biệt vòng bán kết, chung kết đã tổ chức quay trực tiếp và phát sóng trên Đài Truyền hình VN. Các cấp Hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức các hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tuyên dương các hộ nông dân tiên tiến, xuất sắc trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng. Trung ương Hội đã tổ chức thành công 2 Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc vinh danh trên 600 đại biểu nông dân SX giỏi đến từ 63 tỉnh, thành Hội. Thông qua hội nghị, các thông tin về kinh nghiệm làm giàu của các hộ được chuyển tải đến đông đảo hội viên nông dân cả nước. Triển khai có hiệu quả dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm” ở các xã đặc biệt khó khăn, giúp cho hộ nông dân nghèo biết làm ăn, tổ chức các Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông. Nhiều tỉnh đã tham gia vào các dự án xoá đói, giảm nghèo; ứng dụng, chuyển giao các mô hình khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nước sạch, vệ sinh, môi trường, … của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức biên soạn và phát hành:

- Cuốn sách “Canh tác ngô bền vững trên đất dốc với hàng chắn cây xanh”

Nội dung: phổ biến kiến thức và kinh nghiệm của nông dân ở vùng đồi, núi canh tác ngô kết hợp với trồng cây xanh làm hàng chắn để tăng độ che phủ cho đất, giảm xói mòn, rửa  trôi đất, tăng chất hữu cơ và đạm cho đất thêm màu mỡ, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đất dốc.

Đối tượng phát hành: 48 Hội Nông dân tỉnh; 386 Hội Nông dân huyện; 3302 Hội Nông dân xã, 3302 chi Hội Nông dân (chi Hội điển hình trong HND xã); 3302 điểm bưu điện văn hóa xã, nộp lưu chiểu và gửi các cơ quan quản lý theo quy định. Số lượng phát hành: 10.400 cuốn.

- Cuốn sách “Kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc”

Nội dung: Phổ biến kiến thức và kinh nghiệm của nông dân ở vùng đồi, núi canh tác ngô, đảm bảo nâng cao năng suất cây ngô, giảm thiểu xói mòn cho đất, giảm rửa trôi đất, tăng chất hữu cơ và đạm cho đất thêm màu mỡ, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đất dốc.

Đối tượng phát hành (không thu tiền): 48 Hội Nông dân tỉnh; 386 Hội Nông dân huyện; 3302 Hội Nông dân xã, 3302 chi Hội Nông dân; 3302 điểm bưu điện văn hóa xã, nộp lưu chiểu và gửi các cơ quan quản lý theo quy định. Số lượng phát hành: 20.800 cuốn.

Trong công tác vận động, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã quan tâm đến vai trò của các chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân; các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; cán bộ khuyến nông tự nguyện; các hình thức “đỡ đầu” của các tổ chức khoa học công nghệ, các ngành có liên quan đến khoa học công nghệ và nông nghiệp, nông thôn.

Tất cả 63 tỉnh, thành Hội đều có trang tuyên truyền công tác Hội và phong trào nông dân, trong đó có nội dung liên quan phổ biến khoa học công nghệ trên Báo và Đài PT-TH địa phư­ơng; có Bản tin Công tác Hội thư­ờng kỳ, trong đó có chuyên mục phổ biến KHKT cho hội viên, nông dân và phát hành 720 ngàn cuốn.

3. Về đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Trong khuôn khổ Chương trình phối hợp, Hội Nông dân đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Giai đoạn 2011 – 2015 đã tổ chức 2 Cuộc thi sáng tạo nhà nông lần thứ V và lần thứ VI, được triển khai từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành, huyện thị, cơ sở Hội và đến từng hội viên, nông dân.

Các giải pháp sáng tạo của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng rất cao. Hầu hết các giải pháp, sản phẩm dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân nhằm ứng dụng hiệu quả các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Kết quả 2 cuộc thi ở cấp trung ương đã lựa chọn và trao giải cho 32 giải pháp sáng tạo xuất sắc nhất bao gồm: 02 giải nhất, 02 giải nhì, 08 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Ngoài Cuộc thi sáng tạo Nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Bộ Khoa học và Công nghệ còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Cuộc thi sáng chế, Cuộc thi sáng tạo KH&CN toàn quốc (VIFOTEC), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Kết nối cung cầu (Techdemo) đây là các sân chơi rất quan trọng cho các nông dân say mê sáng tạo có thể tham gia, đồng thời cũng là nơi kết nối, cung cấp nhiều thông tin rất hữu ích, là nơi chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới cho nông dân.

Ngoài những hoạt động trên, các đơn vị của Trung ương Hội còn tích cực hướng dẫn, khuyến khích và có nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên nông dân trong tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, trong đó tập trung nhiều vào các lĩnh vực kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường, chế biến, bảo quản nông sản và có hàng triệu lượt nông dân tham gia.

Tổng hợp báo cáo từ cơ sở, Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác vận động, hư­­ớng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ để thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Bằng phư­­ơng pháp lồng ghép tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề, hội thảo “đầu bờ”, các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân, các điểm trình diễn kỹ thuật để phổ biến, cung cấp các thông tin, kiến thức về khoa và công nghệ, các mô hình, điển hình tiên tiến, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân. Phối hợp các ngành mở các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tin học, truy cập mạng cho nông dân. Năm 2015 đã tổ chức 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học vào sản xuất, có 15,016 triệu lượt người tham gia; tổ chức 54.125 cuộc hội thảo khoa học đánh giá kết quả triển khai và ứng dụng khoa học cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và chuyển giao thành công 480 mô hình khoa học công nghệ cho nông dân; tập huấn 3.900 lớp kinh tế tập thể với 12.707 lượt người tham gia, đồng thời xây dựng 14.640 mô hình kinh tế tập thể; tập huấn 270.000 lớp hướng dẫn nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội với 16,2 triệu lượt người tham gia. Đặc biệt năm 2015 tổ chức tập huấn cho 10 tỉnh về sử dụng chế phẩm AT vi sinh xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng được 1572 ha tạo ra được 1.965.600 kg phân hữu cơ vi sinh; đồng thời hướng dẫn cho nông dân phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh bón cho đồng ruộng, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường sống ở cộng đồng dân cư.

4. Về thực hiện Chương trình Nông thôn - miền núi và một số Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác.

Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện 322 dự án; trong đó có 103 dự án trồng trọt, 51 dự án chăn nuôi,46 dự án thủy sản, 56 dự án công nghệ sinh học, 14 dự án bảo quản, 28 dự án nước sạch, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng, chế biến dự án.... với tổng kinh phí là 1.739 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 663,190 triệu đồng.

Trong giai đoạn này, Chương trình đã chuyển giao được 2.384  quy trình công nghệ, xây dựng được 1.048 mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việc triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ đã xây dựng chuyển giao được 2.764 mô hình ứng dụng KHCN và đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho khoảng 70.000 nông dân. Từng bước hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ phù hợp và người dân có khả năng ứng dụng các công nghệ mới tại địa phương, giúp chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thực thi các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý trong việc triển khai Chương trình đã có nhiều dự án phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP: VietGAP hoặc GlobalGAP).

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phân công một đồng chí Phó Chủ tịch tham gia Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn miền núi và đã tích cực chỉ đạo, chủ động trong việc tham gia kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tổng kết Chương trình Nông thôn - miền núi giai đoạn 2011-2015 cùng Ban Chỉ đạo quốc gia. Cũng trong khuôn khổ Chương trình này, một đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh phía Bắc”. Thông qua Dự án đã hình thành được các nhóm nông dân liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ; góp phần tạo thêm việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. Dự án đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển vùng sản xuất theo hướng hữu cơ tập trung, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Thông qua các hoạt động của Dự án, đã tăng cường tinh thần hợp tác, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong các tổ, nhóm nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Để đẩy nhanh việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ngoài Chương trình Nông thôn - miền núi, ngành Khoa học và Công nghệ còn phối hợp với Hội Nông dân các cấp triển khai các Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản, đặc sản ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho nông dân. 

5. Đánh giá chung kết quả thực hiện Chương trình:

5.1. Về ưu điểm

a) Việc thực hiện Chương trình phối hợp đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho hội viên, các gia đình nông dân được tham gia trực tiếp các dự án thuộc Chương trình ở cả 63 tỉnh, thành phố. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao trong phạm vi Chương trình đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị thực sự cho người nông dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong vùng; các lớp tập huấn về Intenet nói riêng và khoa học công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao rõ rệt nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ; nâng cao được trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, kinh doanh và dịch vụ của nông dân.

b) Chương trình đã mang lại những hiệu quả xã hội thiết thực. Thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN cho nông dân, đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ. Các dự án thành công đã thu hút hàng chục triệu lao động nông thôn có việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định, góp phần làm giảm di cư từ nông thôn ra thành thị, góp phần vào việc phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống cho nông dân.

c) Chương trình phối hợp đã giúp cho nông dân tăng cường kiến thức, năng lực ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông sản hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, qua đó đã giảm nhiều việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý; việc nông dân ý thức và tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp.

5.2. Về một số hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành còn một số hạn chế sau:

- Một số tỉnh, thành Hội còn chậm trễ, chưa thành nề nếp, nhất là việc xây dựng kế hoạch nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.

- Sự phối hợp hoạt động giữa Sở Khoa học & Công nghệ và Hội Nông dân một số tỉnh, thành còn thiếu chặt chẽ, thậm chí còn hình thức, không có hiệu quả thiết thực, cụ thể.

- Việc triển khai Chương trình phối hợp ở một số tỉnh chưa đều qua các năm, có năm thực hiện, có năm không thực hiện; nếu cần thì ký Nghị quyết liên tịch theo năm; kinh phí chuyển cho HND tỉnh còn rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ được xây dựng theo kế hoạch hàng năm.

- Một số địa phương còn chưa phối hợp được trong việc tổ chức, kiểm tra các cấp tham gia tổ chức thực hiện Chương trình.

- Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa được thường xuyên liên tục. Vì vậy, việc bố trí Ngân sách của các địa phương giành cho Chương trình phối hợp hoạt động còn ít, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tiễn.

Mặc dù còn có những hạn chế, nhưng với những kết quả trên đây cho phép chúng ta khẳng định Ch­­ương trình phối hợp đã và sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

II: PHƯƠNG HƯỚNG PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Xuất phát từ kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2011 - 2015 và từ đòi hỏi thực tiễn của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam thống nhất tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động trong việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; tuyên truyền các tiến bộ kỹ thuật, các thành tựu về khoa học và công nghệ trong sản xuất - kinh doanh - chế biến. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương để đa dạng hóa các hình thức phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật cho nông dân.

2. Hỗ trợ cho nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; Hỗ trợ nông dân tham gia “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; Cuộc thi bình chọn sản phẩm nhà nông xuất sắc; Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo).

3. Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn, khuyến khích và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên, nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho nông dân đủ khả năng giảm nghèo tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Khuyến khích và hỗ trợ cho nông dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

4. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. Trong đó ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường; hàng năm, hai ngành xây dựng các mô hình điểm để tập trung chỉ đạo nhân rộng kết quả cho nông dân./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư TW Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- VPTW Đảng, VP Chính phủ, VP Quốc hội;

- Ban Dân vận TW, Ban Tuyên giáo TW;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;