00:00 Số lượt truy cập: 2896765

Hội Nông dân Tây Ninh: Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch 

Được đăng : 12/07/2023

802023dsc0411 

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn của Hoàng Xuân farm tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng 

Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, không bị hạn hán, lũ lụt. Phát triển triển nông nghiệp - nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

Đến nay, ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Trong đó, tỉnh quy hoạch 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2022-2030 với diện tích quy hoạch trên 11.650 ha. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đang đạt được sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp khi giai đoạn 2020-2023, thu hút 112 dự án chăn nuôi khép kín, hiện đại, quy mô lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn 9.600 tỷ đồng. Hiện đã có 51 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với quỹ đất sẵn có, tỉnh đang hình thành 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo hướng liên kết chuỗi giá trị gồm: 13 vùng trồng trọt, 5 vùng chăn nuôi, 2 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích trên 11.300 ha. Các vùng sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh sẽ triển khai theo từng giai đoạn: giai đoạn 2022 - 2025 có 9 vùng, giai đoạn 2026 - 2030 có 11 vùng, phấn đấu mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, nhằm phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI.

Ngoài Sở Khoa học công nghệ, Hội nông dân các cấp đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để có nguồn lực tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón... cho hội viên, nông dân. Gắn liền với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức hàng trăm lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, theo chuỗi giá trị để hội viên tham quan, học tập và làm theo.

Thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2025 giữa Sở KH&CN và Hội Nông dân tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ hội, hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sản xuất và đời sống; xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ có giá trị kinh tế cao, bền vững, từng bước nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân vào thực tiễn sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao với nhiều dạng mô hình khác nhau, hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Việc phổ biến ứng dụng khoa học công nghệ được Hội Nông dân tổ chức với các hình thức đa dạng: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham quan mô hình, qua bản tin, website, tuyên truyền trên Báo Tây Ninh, Đài PTTH tỉnh... Sở KH&CN tỉnh đã chủ trì xây dựng 02 clip tuyên truyền: “KH&CN phục vụ sản  xuất và đời sống của người dân khu vực nông thôn”, “KH&CN tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới”; thiết kế và phát hành 200 cuốn tài liệu  Infographic tuyên truyền về các mô hình KH&CN. Bên cạnh đó, Sở KH&CN  cũng đã chủ trì phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai 03 lớp tuyên truyền phổ  biến kiến thức về truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại thành phố  Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và huyện Gò Dầu thu hút 90 lượt người tham dự. Hội Nông dân tỉnh phối hợp đăng tải các clip trên Trang thông tin điện tử  của đơn vị, phổ biến rộng rãi qua hệ thống zalo; truyền gửi trực tiếp các bộ tài  liệu Infographic đến các cấp hội.  

Nhằm tạo điều kiện giúp các hội viên nông dân và người dân khu vực  nông thôn được tiếp cận với những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ  thuật, Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với Sở KH&CN tổ chức 05 lớp tập  huấn (thời gian diễn ra các lớp tập huấn (trung bình) từ 05 - 12 ngày) triển khai  03 mô hình điểm ứng dụng KH&CN, 02 mô hình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp  thu hút 150 lượt học viên tại địa phương tham gia với tổng kinh phí thực hiện cho các mô hình hơn 372 triệu đồng.

Hưởng ứng Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc lần thứ IX (2021-2022), Hội thi  “Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật” tỉnh Tây Ninh lần thứ 13 năm 2022-2023  được sự quan tâm tích cực của đông đảo cán bọ, hội viên. Trong năm 2021, đã có 80 đề tài, giải pháp đăng ký tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, kết  quả đạt 01 giải nhì, 03 giải ba và 09 giải khuyến khích. Nhiều sáng kiến, sáng  chế, sáng tạo hữu ích được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Năm 2022, có 01 cá nhân được đề cử tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà  nông” (Ông Lê Thanh Liêm), 01 nhóm tác giả (Nguyễn Văn Giàu, Phạm Thị  Thu Hiền) đạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông  toàn quốc lấn thứ IX (2021-2022) với mô hình: “Nhân giống và nuôi thương  phẩm cá chạch lấu trên ao nổi”.  

Việc cung cấp các thông tin liên quan về hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập  thể, chỉ dẫn địa lý, mã số, mã vạch cho các sản phẩm nông nghiệp góp phần thực  hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh luôn được hai đơn vị  chú trọng quan tâm. Các tổ chức, cá nhân luôn được kịp thời tư vấn, hướng dẫn,  giải đáp thắc mắc khi có nhu cầu xây dựng, phát triển nhãn hiệu và sử dụng mã  số, mã vạch trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp. 

Nhằm triển khai nhân rộng kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh sau nghiệm  thu (đề tài: “Ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh  (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực tại tỉnh Tây Ninh”), Sở KH&CN chủ trì,  phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 01 lớp tập  huấn chuyển giao mô hình “Nuôi thâm canh tôm càng xanh (Macrobrachium  rosenbergii) toàn đực trong ao” tại hộ nuôi tôm của ông Trần Công Lý thuộc xã  Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu với sự tham gia của 15 người dân địa  phương, kinh phí triển khai là 57.723.000 đồng. 

Nhìn chung, với sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Sở KH&CN và Hội Nông dân tỉnh, chương trình phối hợp giữa hai ngành giai đoạn 2021 - 2025 được tổ chức đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định Chương trình phối hợp họat động giữa hai đơn vị là hiệu quả, thiết thực. Thông qua việc tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân. Nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Phúc Nguyên