00:00 Số lượt truy cập: 2896745

Kon Tum: Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ 

Được đăng : 04/11/2020

     caphephuchoidondau

Trong giai đoạn 2016 – 2020, hai ngành phối hợp mở 72 lớp tập huấn cho 3.024 lượt hội viên, nông dân về áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa các giống cây, con có năng suất, giá trị vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn ViệtGAP; sản xuất theo chuỗi giá trị... nhằm khai thác nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương. Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân như: tham gia Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân nắm bắt thông tin thị trường, đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, cung ứng về giống, vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.Trong giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều dự án được phê duyệt thực hiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, qua đó xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như:  Xây dựng mô hình giống lúa nước ngắn ngày mới (DT122, QR1, PC6, P6ĐB, VS1, OM4088, HT1) tại 3 xã với diện tích 2160m2, trong đó xã Diên Bình Đăk Tô là 720m2; mô hình tuyển chọn giống lúa nước tại xã Đoàn kết 1440 m2; Nghiên cứu về liều lượng phân bón, mật độ cho giống lúa nước mới với diện tích 3600 m2, 2 ha mô hình trình diễn giống lúa nước sản xuất tại xã Đoàn Kết; Xây dựng mô hình giống mía mới tại xã Đăk La (Đăk Hà) diện tích 2,8 ha, xã Đoàn Kết 1,4 ha; khảo nghiệm kỹ thuật canh tác mía tơ trên đất đồi xã Đăk La 1800m2;  Nghiên cứu xây dựng mô hình tuyển chọn, bảo tồn một số giống ngô nếp với diện tích 336 m2; mô hình thâm canh tổ hợp ngô lai LVN61 diện tích 7 ha; 3,5 ha mô hình thâm canh ngô lai LVN61 xen đậu đen tại xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Lung (Kon Rẫy); tổ chức 01 đợt học tập kinh nghiệm cho 40 hội viên nông dân nghèo đi thực tế ở một số mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.  Xây dựng 01 mô hình nuôi gà 3.000 con; 01 mô hình trồng 03 ha cà phê, để áp dụng chế phẩm sinh học BIOWISH, tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô; thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ trong sản xuất luôn được quan tâm

 * Trong lĩnh vực nông nghiệp.

  - Về trồng trọt: Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để triển khai ứng dụng trong thực tiễn sản xuất như: các giống rau hoa, xứ lạnh (cà chua, dưa leo, các loại rau ăn lá, bí ngồi; giống hoa lily, cúc...); các giống mía K95-156, Suphanburi, K88-92, LK92-11; các giống cà phê chè TN1, TN2, F5TN1; giống cà phê RT4; các giống sắn KM 140, KM 419, KM98-7, SM2075-18,… Các kết quả nghiên cứu đã được các Hợp tác xã, hộ nông dân triển khai trong sản xuất, tạo sản phẩm hàng hoá. Nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật để chuyển giao ứng dụng như: quy trình trồng, chăm sóc Sâm Ngọc Linh, Ngũ vị tử, Đảng sâm (sâm dây), Kim tuyến, các loại nấm ăn và nấm dược liệu,.... Các mô hình trình diễn ứng dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, lúa, hoa, rau, quả và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; mô hình sản xuất rau theo hướng VietGap, mô hình sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã và đang được các Hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất. Qua đó, đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm như: rau, hoa; sản phẩm dược liệu (Đảng sâm), gạo chất lượng cao,... Thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hỗ trợ Hợp tác xã rau hoa Thanh Niên Măng Đen vốn sản xuất rau hoa với quy mô công nghiệp để cung cấp hoa trong các dịp lễ, tết.

 - Trong nuôi trồng thủy sản: Một số doanh nghiệp, hộ gia đình đã tiếp nhận quy trình công nghệ ương ấp cá giống nước ngọt để phục vụ sản xuất; các giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng nha, cá thát lát cườm, Diêu hồng, cá chẽm thuần hóa nước ngọt,.. đã được tiến hành nuôi thử nghiệm, chọn lọc để đưa vào sản xuất có hiệu quả trên các lòng hồ thủy điện Sê San, Pleikrong, qua đó liên kết, hình thành một số tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. 

* Trong chế biến nông sản, dược liệu và tiêu thụ sản phẩm

- Triển khai nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm như: nước sâm dây đóng lon, cao sâm dây; sản xuất cà phê bằng công nghệ lên men,... Hiện đang hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ Hợp tác xã Tuyết sơn ứng dụng công nghệ để sản xuất cao đương quy Nhật bản trên địa bàn huyện Kon Plông.

- Thông qua Hội chợ thiết bị và công nghệ (Techmart) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Sở Khoa học và Công nghệ đã thông báo đến các Hợp tác xã và các thành phần kinh tế của Tỉnh để tham gia và đã cung cấp các thông tin về các công nghệ và thiết bị mới đến các doanh nghiệp để nghiên cứu và triển khai ứng dụng tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tổ hợp tác, Hợp tác xã và tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp mua “sáng chế - bản quyền”, nhập khẩu công nghệ để ứng dụng phát triển sản xuất, nâng cao trình độ và mở rộng sản xuất.

 

                                                                                  Trung Hiếu