00:00 Số lượt truy cập: 2679164

Bệnh gây hại trên Bưởi và biện pháp phòng trị 

Được đăng : 10/03/2022

cachchuasauducthancaybuoi

Bệnh sâu đục thân trên cây bưởi

        1. Rầy chổng cánh

       Gây hại: Là tác nhân truyền bệnh vàng lá Greening trên cây có múi, cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút đọt non rồi truyền bệnh.

       Phòng trị:

       Bảo tồn các loài thiên địch (nuôi kiến vàng) trong tự nhiên để khống chế sự phát triển của Rầy.

       Sử dụng thuốc hoá học phun lúc cây ra đọt non bằng các loại thuốc như: Bascide, Applaud - Bas, Butyl, Fenbis, Secsaigon,…

      2. Nhện

       Nhận biết: Cả ấu trùng và thành trùng đều rất nhỏ, màu nâu, vàng lợt hoặc trắng trong, không cánh, có 8 chân giống như nhện.

       Gây hại: Nhện thường chích hút lá non và bên ngoài vỏ quả non khoảng 1 - 2 tháng tuổi; mặc dù, sự chích hút của nhện ít khi làm rụng quả, nhưng thường làm vỏ quả sần sùi như da cám, làm giảm giá trị thương phẩm.

       Phòng trị:

       Bảo vệ thiên địch.

       Có thể áp dụng biện pháp canh tác để hạn chế nhện chích hút quả bằng cách bao quả lúc còn nhỏ.

       Hoặc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết như: dầu D-C Tronplus, Comite, Sulox, Ortus,…

        3. Sâu vẽ bùa

        Gây hại: Thường tấn công vào thời điểm lá non, sâu đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường ngoằn ngoèo làm lá biến dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đọt non.

       Phòng trị:

      Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành đồng loạt cho các đợt ra lộc tập trung, nhanh thành thục.

      Sử dụng các loại thuốc hoá học như: Vibasu, Diaphos, Supracide, Fenbis, Lancer,…

       4. Rầy mềm

       Gây hại: Thường chích hút nhựa ở đọt non, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, rầy thải ra nhiều chất đường mật, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển; Rầy mềm còn  là môi giới truyền bệnh Tristeza trên cây có múi.

      Phòng trị:

      Nuôi kiến vàng.

     Phun thuốc lúc cây ra đọt non khi có Rầy xuất hiện bằng các loại như: Vibasu, Lancer, Secsaigon, Pyrinex,…

        5. Sâu đục thân

      Sâu thường đục cành nhỏ, rồi lan dần vào cành lớn, đến thân và có loại đục vòng quanh gốc, ăn lớp vỏ, ngăn cản quá trình lưu thông dinh dưỡng và vận chuyển chất hữu cơ, làm tán lá héo vàng và có thể làm cho cây bị chết.

       Phòng, trị:

       Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều đạm làm cho lá phát triển, hấp dẫn sâu đến phá hại; định kỳ 15 đến 20 ngày từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm (mưa nhiều), kiểm tra tán cây, gốc cây để phát hiện sớm sâu hại để có biện pháp phòng từ thích hợp.

       Vệ sinh, phát dọn cỏ dại quanh gốc cây cách gốc ít nhất 20cm để dễ dàng phát hiện sớm vết sâu cắn và mùn gỗ (phân sâu thải ra), có biện pháp tiêu diệt kịp thời.

       Quét vôi quanh gốc cây định kỳ 1 - 2 tháng/lần, đoạn sát mặt đất lên cao 80 - 100cm, lớp vôi bám vào vỏ cây ngăn không cho sâu đục thân trưởng thành (một loại xén tóc) đến đẻ trứng.

       Thắp bóng điện sáng ở giữa vườn vào buổi tối (từ 19 đến 21h) dùng vợt bắt xén tóc bay đến đẻ trứng đem giết.

       Bẻ cành tăm héo do sâu hại để bắt sâu non; dùng mũi dao, ngọn mây hoặc dây phanh xe đạp luồn vào trong lỗ sâu đục, chọc chết sâu; có thể hoà thuốc trừ sâu loại có tác dụng tiếp xúc mạnh với nồng độ cao 5 - 10%, độ độc với người thấp như: Sokupi 0,36AS; Sherpa 25EC; Abamectin 36EC; … cho vào bơm tiêm tiêm vào lỗ sâu đục để diệt sâu.

       6. Bệnh thối gốc chảy nhựa

       Nhận biết: Do nấm Phytophthora sp gây ra; lúc đầu, bệnh làm cho vỏ thân cây ở vùng gốc bị mủn, thối rữa, sau đó khô, nứt dọc, chảy nhựa ra có màu nâu đen rất hôi. 

      Gây hại: Vỏ rễ bị thối, nhất là ở các rễ non; trên thân, khi vỏ bị nứt làm cho nhựa chảy ra, có mùi hôi, làm cho lá vàng và rụng đi; đồng thời, cũng làm cho quả bị thối, nhất là những quả gần mặt đất. Bệnh thường tấn công ở những vườn trồng dày, độ ẩm cao.

      Phòng trị:

      Trồng với mật độ khoảng cách vừa phải (5 x 5m) để làm giảm độ ẩm trong vườn.

      Đất trồng phải cao ráo, không được ngập úng. Hàng năm, bón từ 20 - 30kg phân chuồng hoại mục/cây.

      Phun các loại thuốc đặc trị như: Mexyl - MZ, Alpine, Ridomyl, Aliette, Vimonyl, Ridozeb,…liều lượng theo chỉ dẫn ghi trên bao bì.

      7. Bệnh loét

      Nhận biết: Bệnh có thể gây hại trên lá, quả và cành, phát triển lây lan mạnh trong mùa mưa và những lúc có sương mù; do vi khuẩn Xanthomonas Campestric pv.citri gây ra, triệu chứng dễ thấy nhất là trên lá bị cháy những đốm tròn, xung quanh có quầng vàng nhưng lá không bị biến dạng.

      Gây hại: Trên lá và quả, vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước màu xanh đậm, sau đó biến thành màu nâu nhạt mọc nhô lên mặt lá hay vỏ quả làm cho lá giảm khả năng quang hợp và quả bị thối nhũn đi; bệnh lây lan nhanh qua tưới nước, trời mưa và sương mù, gây hại nặng ở những vườn bị sâu vẽ bùa tấn công và trên những vườn ươm giống.

       Phòng trị:

      Cắt và tiêu huỷ những cành lá, quả bị bệnh.

      Hạn chế tối đa việc làm sây sát lá và quả, đặc biệt là phòng trị sâu vẽ bùa.

      Phun các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Bordeaux, Kasuran, Funguran,…

       8. Bệnh ghẻ

      Nhận biết: Vết bệnh có màu nâu nhạt nổi lên mặt dưới của lá, trên cành non và quả, bệnh ghẻ không có quầng vàng xung quanh như bệnh loét; bệnh do nấm Elsinoc Fawcetii gây ra.

      Gây hại: Bệnh tấn mặt dưới của lá trên cành non, đọt non và quả làm cho lá bị sần sùi, biến dạng, giảm khả năng quang hợp, giảm đi giá trị thương phẩm của quả. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa và qua nước tưới.

      Phòng trị:

      Cắt tỉa và tiêu huỷ ngay các cành, lá, quả bị bệnh; vệ sinh vườn hạn chế sự lây lan của bệnh .

      Phun các loại thuốc như: Oxyclorua đồng, Zin, Dipomat, COC, Funguran, Dithan - M,…

       9. Bệnh vàng lá Greening

       Nhận biết: Bệnh do vi khuẩn Gram âm (Liberibacter asiaticus) gây ra và do Rầy chổng cánh truyền bệnh; cách nhận biết rõ nhất là nhìn bằng mắt thường, lá vẫn xanh nhưng có những đốm vàng; trong khi, ở một số lá phiến lá bị vàng gân lá nhỏ, hẹp dài, rụng sớm. Ở nhánh bị bệnh thì quả nhỏ, méo mó, hạt bị thui đen, ra hoa nhiều đợt trên cùng một cây.

      Phòng trị:

     Không nhân giống từ những cây đã bị bệnh, đồng nghĩa với việc là trồng cây sạch bệnh.

     Khử trùng dao kéo khi cắt, tỉa cành.

     Phun các loại thuốc như: Bascide, Applaud - Bas, Butyl, Fenbis, Secsaigon,…

      10. Bệnh đốm rong

       Nhận biết: Do một loài rong có tên là Cephaleurosviresens gây ra, ngoài bưởi và những cây thuộc họ có múi khác như: cam, quýt,… bệnh còn xuất hiện rất phổ biến trên ổi, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, măng cụt, vú sữa…

      Gây hại: Bệnh xuất hiện và gây hại trên thân cây, cành lá già, cũng có khi trên vỏ quả; lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu xanh, sau đó lớn dần, có hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có một lớp lông tơ mịn, màu xanh rêu, giữa vết bệnh có vết màu đỏ gạch cua; nếu nặng, bệnh làm cho vỏ cành bị nứt.

      Bệnh thường xuất hiện và gây hại vào mùa mưa, độ ẩm cao, những vườn không được chăm sóc chu đáo, những vườn trồng quá dày làm cho vườn luôn rậm rạp, không thông thoáng thường bị bệnh gây hại nhiều hơn.

       Phòng trị:

       Không trồng với mật độ quá dày; thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già đã bị bệnh, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho quả đem đi tiêu huỷ để hạn chế nguồn bệnh; đồng thời, làm cho vườn có độ thông thoáng.

       Bón phân đầy đủ, cân đối, không nên phun phân bón lá định kỳ dễ làm cho quả bị nhiễm bệnh, tưới nước đầy đủ để đảm bảo đất luôn đủ ẩm, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh,… để cây luôn phát triển tốt.

       Có thể dùng một trong các loại thuốc như: Đồng Oxyclorua, Booc đô 1%, Copper-Zinc 75WP, Kocide, Champion, Copper-B,… pha đặc quét lên thân, cành già mỗi năm 2 lần vào khi cây ra hoa đậu quả và cuối mùa thu hoạch.

 

Phạm Nghiêu