00:00 Số lượt truy cập: 2637321

Công dụng và kỹ thuật trồng cây nghệ 

Được đăng : 10/05/2022

Cây Nghệ thuộc họ gừng, còn có tên gọi là Uất kim, Khương hoàng; người ta dùng thân, rễ cây nghệ gọi là Khương hoàng và rễ củ gọi là Uất kim.

 Nghệ là một loại cây thân cỏ cao 0,6 đến 1m; thân rễ thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang có màu vàng cam sẫm; lá hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu, hai mặt đều nhẵn dài tới 45 cm, rộng tới 18 cm; cuống lá có bẹ; cụm hoa mọc từ giữa các lá lên, thành hình nón thưa. Tràng có phiến, cánh hoa ngoài màu xanh lục vàng nhạt, chia thành ba thuỳ, thuỳ trên to hơn, phiến cánh hoa trong cũng chia ba thuỳ, 2  thuỳ hai bên đứng và phẳng, thuỳ dưới hõm thành máng sâu.

Nghệ được trồng ở khắp nơi ở nước ta để làm gia vị chế biến món ăn và làm thuốc.

Về làm thuốc: nghệ có vị cay, đắng, tính ôn, vào 2 kinh Can và Tỳ; nghệ có tác dụng phá ác huyết, huyết ích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết; nhưng nếu âm hư mà không ứ trệ cấm dùng; các bệnh hậu sản (phụ nữ sau khi sinh nở) mà không phải nhiệt kết ứ cũng không nên dùng; đàn bà có thai không nên dùng. Nghệ thường dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sinh nở xong đau bụng…

Thu hoạch: thu hoạch vào mùa thu; cắt bỏ hết rễ để riêng, thân rễ để riêng; muốn để được lâu phải đồ hoặc hấp trong 6 - 12 giờ, sau đó đợi ráo nước, đem phơi nắng hoặc sấy khô.


cay-nghe
Nghệ được trồng khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh Miền Bắc và Tây Nguyên 

 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ

1.     Đất, thời vụ trồng

- Đất trồng: Nghệ là cây lấy củ; do đó, đất trồng phải là những chân đất có độ xốp, mùn cao, để thuận lợi cho sinh trưởng của cây và phát triển củ, như: đất đồi, đất bãi phù sa ven sông; một số vùng có thể trồng nghệ xen dưới tán rừng, chỗ không vướng rễ cây lớn...

Từ 3 đến 5 ngày trước khi trồng thì tiến hành làm đất; đất được đào thành rạch rộng 50 - 60cm, sâu 20 - 25cm ở chính giữa, đất trong rạch được làm  nhỏ.

- Thời vụ: Ở miền Bắc; trồng vào mùa xuân, khi tiết trời có mưa phùn, đất đã đủ ẩm (tháng 2 - tháng 4); đối với miền Nam; trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 - tháng 8).

2. Kỹ thuật và mật độ trồng

 - Kỹ thuật trồng cây nghệ:

Trồng nghệ sau những ngày có mưa, lúc này đất hoàn toàn ẩm, mềm; chúng ta tiến hành cuốc hốc (tạo hố trồng), các hốc cách nhau khoảng 25cm; khi trồng nghệ trên loại đất không được tốt lắm thì có thể bón lót trước khi trồng; mỗi hốc bón lót 1kg phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) trộn với đạm ure theo tỷ lệ 5%.

Cách đặt hom giống (củ giống): đào hốc sâu từ 8 - 10cm, băm đất dưới hốc thật nhỏ, rải Basudin xuống hốc (với lượng 2 kg/1.000 m2), sau đó đặt củ nghệ giống xuống cho tiếp xúc với đất rồi phủ lên một lớp đất mỏng, không phủ đất quá dày, làm mầm chồi không mọc lên được sẽ bị thối củ giống; tưới đủ ẩm, rồi phủ lên một lớp rơm hay cỏ khô để giữ ẩm; cây nghệ được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khi mầm nghệ mọc vươn lên khỏ mặt đất và ra được 2 - 3 lá thì tiến hành xới xáo quanh gốc và vun đất vén gốc cho cây nghệ, giữ cho cây mới mọc thẳng, không bị nghiêng đổ.

- Mật độ trồng: Mỗi ha trồng khoảng 25.000 hốc (gốc).

Có thể áp dụng một trong các khoảng cách trồng như sau:

+ Nếu trồng theo hai hàng dọc, hàng cách hàng 50cm và cây cách cây 20cm thì lên luống rộng 1m.

+ Nếu trồng theo hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm thì lên luống rộng 1,2m.

+ Nếu trồng theo khoảng cách hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 20cm thì luống rộng 1,2m, trồng hai hàng dọc theo luống; sau này khi vun gốc, tiến hành lấy đất ở giữa luống đắp vào hai hàng nghệ hai bên, tạo thành luống đơn như trồng khoai lang.

  3. Chăm sóc cây nghệ

- Tưới nước: Đất thường xuyên được đảm bảo đủ ẩm để cây nghệ sinh trưởng và phát triển củ tốt.

 - Bón phân: Lượng phân bón cần dùng cho diện tích 1.000m2: Super lân 100kg (bón lót toàn bộ), Kali 10kg (bón lót 5kg), Ure 50kg.

 Khi cây nghệ lên cao khoảng 20 - 30cm thì pha một muỗng canh Ure vào thùng 20 lít nước để tưới; tưới 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày; lượng Kali còn lại bón nốt vào 90 ngày sau khi trồng.

- Vun gốc: vun gốc khi cây có 3 - 4 cây con/bụi (gốc), bỏ phân hữu cơ thẳng vào gốc, sau đó lấp lên một lớp đất mỏng khoảng 1 - 2cm; có thể trộn 50% đất và 50% phân hữu cơ để vun gốc là biện pháp hiệu quả nhất; khi thấy củ non lộ ra trên mặt đất thì phải tiến hành vun gốc.

- Làm cỏ: cần làm sạch cỏ dại, kết hợp xới xáo làm cho đất thoáng xốp để tránh được hiện tượng lèn đất./.

 

Phạm Nghiêu