00:00 Số lượt truy cập: 2785235

Gia Lai: Kết quả phối hợp triển khai, thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 

Được đăng : 20/05/2020

Tỉnh Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích 15.510,99 km2, với 90 km đường biên giới giáp tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia; đất sản xuất nông nghiệp 801.532,92 ha; dân số trên 1,4 triệu người, gồm 34 dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,75%, chủ yếu là dân tộc JraiBahnar; nông dân chiếm 69,91% dân số; tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn chiếm 70,9% lực lượng lao động xã hội; có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố), 220 đơn vị hành chính cấp xã (182 xã, 24 phường, 14 thị trấn, trong đó có 61 xã đặc biệt khó khăn). Đất đai và khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, tiêu, điều, chè…), cây ăn quả (sầu riêng, bơ), cây công nghiệp ngắn ngày (mía, thuốc lá…), cây lương thực (lúa, ngô…), cây thực phẩm (rau, đậu các loại…), chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề. Nông nghiệp phát triển ổn định; đã và đang phát huy lợi thế so sánh của từng vùng; từng loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới, chế biến sâu, liên kết chuỗi giá trị… để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; tạo ra nông sản an toàn, nông sản sạch, có giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung, qui mô lớn gắn với chế biến như cao su, cà phê, tiêu, chè ở phía tây tỉnh; mía đường, sắn ở khu vực phía đông tỉnh. Chăn nuôi tiếp tục phát triển những vật nuôi chủ lực, có lợi thế như chăn nuôi bò, heo theo hướng thâm canh, bán thâm canh; chăn nuôi trang trại để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Nuôi trồng thủy sản được chú trọng đầu tư, khuyến khích. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm và chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình hình nông nghiệp của tỉnh còn gặp không ít khó khăn, thời tiết, khí hậu; dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá một số nông sản chủ lực giảm mạnh… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ, xây dựng cánh đồng lớn, liên kết chuỗi giá trị chưa áp dụng sâu rộng; quy mô cơ sở chế biến nông sản còn nhỏ, nông sản được chế biến sâu còn ít; sức cạnh tranh của nông sản chưa cao. Chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, trang trại chưa nhiều.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp hoạt động số 190-CTr/HND-SKHCN, ngày 19 tháng 4 năm 2016 giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2020; hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, giao chỉ tiêu đến Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai đến 100% hội viên nông dân thường xuyên được tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới.

Tích cực phối hợp triển khai hỗ trợ, thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua việc tập huấn, xây dựng các mô hình, góp phần nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất, tăng giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản, khai thác thế mạnh của từng vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia Hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật”,“Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, tham gia Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo); tham gia gian hàng trưng bày tại các phiên chợ nông sản, lồng ghép trưng bày sản phẩm trong các ngày Hội (ngày Du lịch, ngày lễ, ngày hội...); Hội Nông dân tỉnh giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, của các Tổ liên kết, Tổ hợp tác như: Mật ong Gia Lai, Hồ tiêu Chư Sê, cà phê Thu Hà ... Một số kết quả đạt được như:

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ được các cấp Hội phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện sâu rộng, qua đó giúp cho hội viên nông dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất. Nhiều cơ chế chính sách về phát triển khoa học và công nghệ đã kịp thời tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, hội viên nông dân thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn, hội thi, hội thảo đầu bờ, bản tin nội bộ của Hội. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh chuyển tải 9.600 cuốn bản tin Nông dân Gia Lai gửi đến các cơ sở Hội, chi hội; chuyển tải báo nông thôn ngày nay (phát hành từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần), Tạp chí trang tại Việt (phát hành hàng tháng) đến 222 cơ sở Hội để làm tài liệu tuyên truyền. Ngoài ra, các hoạt động khoa học, công nghệ được các cấp Hội đăng tải trên trangFacebook, Fanpage, Zalo của Hội nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến hội viên nông dân… Trong 05 năm, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được 7.372 buổi với  453.426 lượt người tham gia.Hội Nông dâncác cấp trong tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp... tổ chức tập huấn về khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân, nội dung tập trung chủ yếu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững. Thông qua các lớp tập huấn được hội viên nông dân tích cực tham gia, trao đổi kinh nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Đây cũng được xem như là một kênh để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Trong 05 năm, các cấp Hội phối hợp tổ chức được 1.359 lớp tập huấn với 84.414 lượt người tham dự.

          Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn khoa học và công nghệ, hội viên nông dân đã nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, hiệu quả mang lại từ việc triển khai thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng xuất, sản lượng, rút ngắn thời gian canh tác, mức đầu tư ở các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Hội viên nông dân đã mạnh dạn tham gia các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất; trong quá trình thực hiện luôn được sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, Hội đồng khoa học và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi từ nguồn kinh phí, chuyển giao kỹ thuật; phần lớn các mô hình đạt yêu cầu với nhiệm vụ đề ra và được nhân rộng ở cơ sở. Trong 05 năm, các cấp Hội đã phối hợp triển khai được 73 mô hình/926 người tham gia với tổng kinh phí từ nguồn khoa học công nghệ 14.082,550 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, chất lượng cao.

          Các dự án khoa học và công nghệ hàng năm được triển khai đúng theo quy định của Bộ khoa học và công nghệ và được triển khai từ 02 nguồn: Một là từ ngân sách của tỉnh cấp cho các đơn vị làm chủ dự án, Sở khoa học và công nghệ chỉ tham gia xem xét góp ý dự án cho cơ sở; Hai là từ đấu giá đất của cơ sở được trích lại để thực hiện các dự án khoa học công nghệ do các huyện, thị xã, thành phố quyết định, việc xét duyệt nội dung để triển khai dự án do Hội đồng khoa học và công nghệ cấp huyện quyết định (trong đó Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố là thành viên Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu, tham gia phản biện). Trong 05 năm, các cấp Hội đã phối hợp triển khai được 74 dự án với tổng mức đầu tư từ nguồn khoa học công nghệ 32.914,701 triệu đồng (trong đó năm 2017, UBND tỉnh cấp 01 tỷ đồng vốn sự nghiệp khoa học - công nghệ để Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình nuôi bò lai kết hợp ủ phân vi sinh với quy mô 16 con/16 hộ, chăn nuôi dê bách thảo với quy mô 50 con/10 hộ và mô hình trồng bời lời đỏ với quy mô 20 ha/20 hộ tại xã ĐakTaLey và xã H’ra, huyện Mang Yang).

          Thực hiện Quyết định số 3220/QĐ-BKHCN ngày 24/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020; các cấp Hội phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn “Xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP”. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đến từ 12/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 08 sản phẩm được đánh giá 4 sao gồm: Hạt điều rang củi của Công ty cổ phần hạt điều Hải Bình; tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí của Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa; bò khô Huy Vũ của Công ty TNHH MTV Bò khô Huy Vũ Đắk Đoa; chanh dây quả của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai; mật ong hoa cà phê của Hợp tác xã Mật ong Phương Di; Trà Biển Hồ của Công ty cổ phần Chè Biển Hồ; 34 sản phẩm khác được đánh giá 3 sao (50 điểm trở lên) như: viên tinh nghệ đỏ, hạt Sacha Inchi, gạo Phú Thiện, khoai lang Lệ Cần, gạo Ba Chăm, Rượu ngâm Đinh Lăng,…

Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng công tác Hội và phong trào nông dân trong tthời gian tới  Hội nông dân tỉnh Gia Lai tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; tuyên truyền các tiến bộ kỹ thuật, các thành tựu về khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, chế biến; phối hợp với các cơ quan truyền thông để đa dạng hóa các hình thức phổ biến kiến thức về KH&CN cho nông dân. Đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân; chú trọng phát triển các ngành nông, lâm nghiệp có giá trị cao; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ an toàn thực phẩm vào sản xuất; phấn đấu nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; vận động và giúp đỡ nông dân xây dựng mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã nhằm phát triển kinh tế trang trại chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp… góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững.