00:00 Số lượt truy cập: 2667954

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao cho nông dân 

Được đăng : 02/05/2020

 

           Trong thời gian qua Hội Nông dân luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở KH&CN trong triển khai các nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng KHCN vào trong sản xuất trên các lĩnh vực như:

-  Lĩnh vực thủy sản

Đã nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn MSC trong thời gian qua và đề xuất định hướng việc áp dụng tiêu chuẩn này trong thời gian tới tại Bến Tre để tiến tới phát triển bền vững nghề nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh.Điều tra hiện trạng phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa; đánh giá các tác động tiêu cực phát sinh ảnh hường đến môi trường (đất, nuớc) và hệ canh tác nông nghiệp khác trong vùng để đề xuất các giải pháp giảm thiểu nhiễm mặn trong môi trường nước, đất và mô hình chuyển đổi canh tác hợp lý khắc phục hậu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng cũng như mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trong vùng ngọt hóa. Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hạn chế dịch bệnh EMS/AHPNS (Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính) cho tỉnh Bến Tre để góp phần hạn chế dịch bệnh trên tôm thẻ.

-  Lĩnh vực trồng trọt.

Tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN phát triển ngành dừa và bưởi tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu nghiên cứu các vấn đề KH&CN tiếp cận theo chuỗi giá trị cây dừa, cây bưởi, đặc biệt là kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, máy móc thiết bị hỗ trợ cơ giới hóa, chuyển giao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới, phát triển các mô hình liên kết, thúc đẩy thương hiệu và thị trường tiêu thụ.

Đã xác định được đặc điểm sinh thái, sinh học, tập quán sinh sống và triệu chứng gây hại của bọ vòi voi và sâu đục trái dừa; Thu thập, phân lập, nhân nuôi và đánh giá được hiệu quả của một số loại nấm ký sinh và chế phẩm sinh học (chất hấp dẫn sinh học hoặc thuốc trừ sâu sinh học…) trên bọ vòi voi và sâu đục trái dừa; xây dựng mô hình quản lý tổng hợp bọ vòi voi và sâu đục trái dừa theo hướng sinh học an toàn, phù hợp tiêu chuẩn GAP và chương trình phóng thích ong ký sinh A. hispinarum để phòng trị bọ cánh cứng hại dừa (B. longissima); Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận VietGAP cho Tổ sản xuất lúa xã An Nhơn huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre với 100 ha lúa chất lượng cao, kết quả thực hiện đã góp phần tăng năng suất lúa tăng 5-10%, giá bán cao hơn từ 200 - 500đ/kg lúa so với canh tác thông thường. Đã tiếp nhận và làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép gồm sản xuất cây đầu dòng S1, trồng và chăm sóc cây đầu dòng; Xây dựng mô hình nhân giống bưởi Da xanh, cam Sành sạch bệnh, quy mô 4000m2, đạt tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Xây dựng quy trình quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả trên 80%. Trong đó đã nghiên cứu và nuôi thành công loài ong ký sinh sâu đục trái bưởi và đã thả trên 15.000 con ong ký sinh góp phần hạn chế sâu đục trái bưởi trên các vườn bưởi. Tổ chức đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (từ dự án JICA) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh Bến Tre. Phối hợp với Viện di truyềnnghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu gây nên.

Đã nghiên cứu chọn lọc, xây dựng mô hình và quy trình vườn cây đầu dòng với các loại cây như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, mít, vú sữa; sản xuất trên 1.131 cây giống đầu dòng trên diện tích 12.800m2, cung cấp 58.480 cành mắt ghép/năm nhằm tạo nguồn vật liệu ghép phục vụ cho sản xuất cây giống có nguồn gốc, giống xác nhận của tỉnh.  

-  Lĩnh vực chăn nuôi

          Xây dựng 6 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thử nghiệm ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: heo, bò và tôm biển.

Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống quản lý trang trại chăn nuôi Heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP tại huyện Mỏ Cày Nam với 18 hộ được chứng nhận có sản lượng 1.134 tấn/năm.

Đã tiếp nhận chuyển giao và xây dựng các mô hình và qui trình kỹ thuật về chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt, bò lai, bò vỗ béo và mô hình trồng, thu hoạch và bảo quản cỏ cho bò từ Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi. Kết quả đã góp phần Zebu hóa trên 95% (bò cái nền), trong đó bò thịt chiếm trên 60% tổng đàn chủ yếu tập trung nhiều ở huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Bình Đại, góp phần nâng cao tay nghề dẫn tinh viên với tỷ lệ phối thành công đạt 68 - 70%, chất lượng bê sinh ra có màu sắc, ngoại hình đẹp, tăng trọng nhanh, thích hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh, đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi. Đã nghiên cứu chọn được 6 công thức tổ hợp khẩu phần thức ăn lên men cho bò thịt từ nguyên liệu tại địa phương, trong đó 3 công thức cho giai đoạn sinh trưởng (bò giai đoạn 8 - 12 tháng tuổi) và 3 công thức cho giai đoạn vỗ béo (bò giai đoạn bò 18 - 22 tháng tuổi), thời gian bảo quản thức ăn 5-6 tháng (có thể bảo quản thức ăn thô xanh dư thừa trong mùa mưa sang mùa nắng), đã góp phần cung cấp và dự trữ nguồn thức ăn cho các hộ chăn nuôi và được nhân rộng ứng dụng cho các hội nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

          Xây dựng Chỉ dẫn địa lý đã công nhận: Bến Tre cho sản phẩm bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh; đang xây dựng: tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm, Cái Mơn cho sản phẩm sầu riêng Chợ Lách.

          Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đã công nhận cho sản phẩm: rượu Phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam, xoài tứ Quý Thạnh Phú; đang xây dựng tôm sinh thái Thạnh Phước.

          Xây dựng nhãn hiệu tập thể đã công nhận cho các sản phẩm: lúa sạch Thạnh Phú, bánh phồng Sơn Đốc, gà nòi Mỹ Sơn Đông, chổi Mỹ An, tép rang dừa Mỹ Hưng; đang xây dựng nhãn Long Hòa,  nhãn Tam hiệp;

          Hỗ trợ 35 nhãn hiệu thông thường đăng ký bảo hộ trong nước (DPM, hình;  Sa Sâm Việt; FSM; Cô Thinh, hình; Thảo san; Sáu Lài; Lộc Mai; S-Sẵn sàng, hình; Phước Xoàn, hình; Smart friend, hình; Cao Trí, hình; Hồng Yến; COOP hình;GECOSEXCHUNG…) và 01 đăng ký ra nước ngoài (Công ty dừa Lương Quới).

- Công nghệ Sinh học

Đã nghiên cứu xác định được đặc điểm sinh thái, sinh học, tập quán sinh sống và triệu chứng gây hại của bọ vòi voi và sâu đục trái dừa; Thu thập, phân lập, nhân nuôi và đánh giá được hiệu quả của một số loại nấm ký sinh và chế phẩm sinh học (chất hấp dẫn sinh học hoặc thuốc trừ sâu sinh học…) trên bọ vòi voi và sâu đục trái dừa nhằm tạo cơ sở để phòng trị theo hướng sinh học an toàn; Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp bọ vòi voi và sâu đục trái dừa theo hướng sinh học an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn canh tác của GAP và chương trình phóng thích ong ký sinh A. hispinarum để phòng trị bọ cánh cứng hại dừa (B. longissima).

Đề xuất và được Bộ KH&CN hỗ trợ đề tài Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp KH&CN chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu tại Bến Tre và một số tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đã xây dựng quy trình phân lập giống gốc, giống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 nấm Hầu Thủ; quy trình sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu hại thay thuốc hóa học trong canh tác nông nghiệp và quy trình nhân giống, trồng cây hoa chuông bằng phương pháp nuôi cấy mô có khả năng ứng dụng vào thực tiễn; tiếp nhận công nghệ và sản xuất chế phẩm sinh học từ nguồn nguyên liệu tại địa phương quy mô công nghiệp, sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý. 

Xây dựng quy trình nhân giống hoa Thược Dược và cúc Mâm Xôi bằng phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng mô hình trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng; mô hình trồng cà chua Picota đạt năng suất cao. Phối hợp thực hiện 105 mô hình hệ thống thông khí ASP để ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông ở các huyện, Thành  với kinh phí hỗ trợ là 1.113.000.000đồng; 30 mô hình sử dụng sản phẩm EM trong chăn nuôi với số tiền hỗ trợ là 244.500.000đ.

Trong 5 năm qua bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng như thông qua hội nghị, các cuộc họp, những buổi sinh hoạt tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật… đã tổ chức tuyên truyền được 3.354 cuộc với 90.558 người dự với các nội dung như: Ứng dụng KHCN vào trong xây dựng chuổi giá trị, kỷ thuật chăm sóc cây ăn trái trong mùa mưa, kỹ thuật nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, hoa kiểng....

Phối hợp phát hành bản tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn định kỳ 1số/ tháng, bản tin KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới định kỳ 01 số/quý. Thực hiện 84 chuyên mục KH&CN trên Báo Đồng Khởi, 1 chuyên mục/tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Cập nhật mới 840 tin, bài trên website Sở KH&CN. Tiếp nhận 1530 câu hỏi và trả lời cho bạn đọc; Thực hiện 30 chuyên mục KH&CN trên kênh truyền hình của địa phương, 140 chuyên mục KH&CN trên Báo Đồng Khởi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và hoạt động KH&CN đến với người dân và doanh nghiệp, các nội dung hướng dẫn nông dân áp dụng KH & CN trong sản để phòng chống hạn mặn. Ngoài ra Hội cơ sở còn thường xuyên phối hợp phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học và công nghệ; nâng cao nhận thức cho nông dân về yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân áp dụng KH & CN vào trong sản xuất để hạn chế bị thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh.