00:00 Số lượt truy cập: 2663053

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở khoa học và công nghệ tích cực xây dựng và triển khai các dự án khoa học và công nghệ tại địa phương 

Được đăng : 13/05/2020

 

Nhằm trang bị kiến thức cho các hộ nông dân biết lập kế hoạch sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, đặc biệt là người dân tộc, nông dân vùng sâu,vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Trong 5 năm đã có 111 đề tài, dự án khoa học và Công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực như Khoa học nông nghiệp, Khoa học xã hội, khoa học nhân văn, Khoa học kỹ thuật, y, dược...đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó có 54 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 48.6 %). Các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung thực hiện mục tiêu đưa nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái ở địa phương, hướng tới phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đã bảo tồn được 06 nguồn gen: Quýt Nam Sơn huyện Tân lạc; Lúa nếp cẩm Kim Bôi; Tỏi tía Tân lạc, Mai Châu; Trám đen Hòa Bình; Quất Hồng bì Kỳ Sơn; Khoai Phúc Sạn Mai Châu. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho 15 sản phẩm: Su Su Tân Lạc; Bưởi đỏ Tân Lạc; Cam Lạc Thủy; Quất hồng bì Kỳ Sơn; Na Lạc Thủy; Dê Lạc Thủy; Khoai sọ Phúc Sạn; Xạ đen Hòa Bình; Sả- tinh dầu sả thành phố Hòa Bình; Chè sông bôi; Nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà - Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình; nhãn hiệu chứng nhận “Hòa Bình” cho sản phẩm mật ong Hòa Bình.... Qua việc tập trung phát triển tài sản trí tuệ địa phương theo chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm nhằm quảng bá sản phẩm cho bà con nông dân, thực hiện đúng quy trình sản xuất và tăng giá trị cho sản phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm, mô hình sản xuất như: mô hình thâm canh Ổi ODL1, mô hình trồng thử nghiệm cây Thiên Ngân, mô hình nuôi thử nghiệm cá Hồi Vân trong bể xi măng và ao lót bạt nilon tại xã Hiền Lương - Đà Bắc, mô hình sản xuất nấm Linh Chi từ nguyên liệu gỗ keo tươi và mùn cưa, bảo quản cam Cao phong tại Cao Phong bằng màng phủ sinh học (saponin kết hợp với chitosan và axit axetic), mô hình trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ và cây Trám đen tại 02 xã Yên Lập và Yên Thượng, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình...

  Ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài đã tiến hành nhân giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ việc triển khai Đề án Thay thế giống mía Tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Hòa Bình từ năm 2016-2020, từ việc phục tráng và nhân giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô kết quả ban đầu như sau: Năm 2016, huyện Yên Thủy đã trồng được 4 ha giống mía tím làm giống cấp I, từ giống cấp I đã mở rộng được diện tích lên đến 20 ha; năm 2017 đã cung cấp 12 vạn cây giống mía tím cho huyện Cao Phong và Tân Lạc ( từ 12 vạn cây giống ban đầu hiện tại diện tích trồng mía mô tại 2 huyện đã tăng lên 15 ha), năm 2018, 2019 cung cấp thêm 22 vạn giống mía mô tới các huyện trong tỉnh. Theo báo cáo sơ bộ một số huyện tính đến năm 2019 Yên Thủy đã mở rộng 106 ha mía nuôi cấy mô, huyện cao Phong là 36 ha và huyện Tân Lạc 85 ha.

Nhiều dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Chương trình khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây bắc đã và đang được triển khai tại tỉnh góp phẩn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn. Từ năm 2016 đến nay đã có 11 dự án nông thôn miền núi, 02 đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia được thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 08 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án Nông thôn miền núi được phê duyệt trên cơ sở đề xuất của tỉnh, ngoài việc huy động nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương các dự án còn huy động được nguồn nhân lực khoa học, kinh phí từ địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ thuộc thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi: Dự án Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại bền vững trên vùng đất dốc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; Dự án Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ phát triển nghề nuôi Ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Hòa Bình; Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình; Mô hình nuôi cá Trắm đen; nuôi thương phẩm giống Trâu lai Murrah; xây dựng mô hình chuỗi giá trị cho cây Lạc và cây Lúa; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia: Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cam, quýt tại tỉnh Hòa Bình. Nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây bắc: Nghiên cứu xây dựng mô hình và hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng và cảnh báo nguy cơ lũ quét, cháy rừng và sâu bệnh nông nghiệp cấp huyện vùng núi phía bắc”. Nhiệm vụ cấp bách: đề xuất giải pháp về phòng chống sạt lở đồi Ông Tượng, đồi máng nước, thành phố Hòa Bình và khu vực xã Hạ Bì, Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Đặc biệt trong đợt mưa lũ gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng Bộ Khoa học triển khai 02 dự án trên địa bàn tỉnh là: Dự án “Nghiên cứu đề xuất phương án định cư ổn định lâu dài và giải pháp sử dụng đất hợp lý tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình” mục tiêu của dự án là xác định được các mức độ ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ lụt,...) do biến đổi khí hậu gây ra tại tỉnh Hòa Bình; Phân định được các vùng có các nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ lụt...) trên địa bàn tỉn Hòa Bình; Xác định các vùng dân cư và tái định cư ổn định tránh ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ lụt,...) do biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình từ đó đề xuất hệ thống các giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng tái định cư và các giải pháp sử dụng đất hợp lý tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai (sạt lở đất, lũ lụt,...) do biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình và Xây dựng thành công các mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng tái định cư và Dự án “ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp phục hồi sản xuất sau thiên tai, tạo sinh kế cho người dân tại huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình” dự án đã hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả do thiên tai và tạo sinh kế lâu dài cho người dân tại huyện Đà Bắc, đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay, với tổng kinh phí được phê duyệt 15 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2018, sẽ hỗ trợ: 200 con bò giống, 450 con lợn giống, trồng 100ha gạo J02, 50 ha Bưởi, 6000 con gà, 60 lồng cá và nhiều nội dung khác. Với mục tiêu xây dựng thành công các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bền vững; đồng thời chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân trong và ngoài vùng, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội nông dân Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở khu vực nông thôn và miền núi. Các nội dung tuyên truyền, phổ cập trên cả ba mặt nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao; quảng bá, giới thiệu những tiến bộ khoa học công nghệ mới, những mô hình ứng dụng tiến bộ trong sản xuất và đời sống có hiệu quả phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; xây dựng các chuyên đề giới thiệu, phổ biến kiến thức khoa học và tập huấn kỹ thuật cho nông dân trên Bản tin công tác Hội (3 tháng/số) với trên 2.000 cuốn/năm phát đến 150 cơ sở Hội, 1.474 chi Hội; 6.050 cuốn Tập San Thông tin Khoa học và Công nghệ (40 trang /cuốn, xuất bản định kỳ 01 số /quý); 18.200 cuốn Bản tin Thông tin Kinh tế Khoa học và Công nghệ với 28 trang /số; 12 số/năm; 14.500 cuốn Nông lịch Hòa Bình; trên trang thông tin điện tử, thông qua công tác tập huấn, sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt CLB, hội thi, in ấn tài liệu phát hành, tổ chức các buổi giao lưu sân khấu hoá, tuyên truyền cổ vũ những gương điển hình tiên tiến, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên nông dân. Các phong trào phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống cũng được tổ chức thường xuyên, từ đó tạo ra sự chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ, đã giúp cho người nông dân có được những kiến thức bổ ích phục vụ sản xuất và chăn nuôi, ngoài nguồn thông tin như sách, báo, tài liệu, truyền hình... người nông dân đã và đang được tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại như internet... Qua đó tuyên truyền kiến thức và khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội thực thi pháp luật về khoa học công nghệ một cách hiệu quả, bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.

Kết hợp tuyên truyền với tập huấn nhằm giúp nông dân hiểu sâu, nắm chắc kiến thức về khoa học công nghệ mới, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan hữu quan tổ chức tập huấn về nghiệp vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; sáng kiến…  Nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại được đầu tư và làm chủ như: hệ thống nhà lưới điều khiển tự động; nhà nuôi cấy mô cùng các thiết bị chuyên dùng theo dây chuyền công nghệ cao phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm; xây dựng các phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2001…nhờ đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị, các phòng thí nghiệm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức khoa học và công nghệ được tăng cường một bước về năng lực hoạt động và ứng dụng chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hội Nông dân các cấp phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đào tạo, tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ mới, tiếp cận thị trường và hội nhập. Tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp hữu cơ cho trên 180.000 hội viên; quản lý sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật sử lý các phế phụ phẩm trong nông nhiệp làm phân bón vi sinh cho 200 hội viên; Tổ chức 03 lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho 300 cán bộ, hội viên; 08 lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý rác thải cho gần 800 cán bộ, hội viên nông dân; Phối hợp tổ chức 80 lớp dạy nghề về hướng dẫn nấu ăn, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp, nghề may công nghiệp, sửa chữa xe máy.... cho 2.835 hội viên. Tư vấn tập huấn KHKT cho nông dân, giúp bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống như kỹ thuật trồng nấm, nuôi ong, xây dựng hầm bioga, đồng thời xây dựng được nếp sống văn minh và giữ gìn thôn xóm sạch đẹp./.

NDHB