00:00 Số lượt truy cập: 2662163

Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất 

Được đăng : 01/06/2020

 

 

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phát động đăng ký các chỉ tiêu thi đua, tổ chức các buổi tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực KH&CN như: Xây dựng các phóng sự truyền hình, báo, tạp chí, trang Website,.... phổ biến Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách hỗ trợ ứng dụng nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025….Cụ thể, hai ngành đã tích cực phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Trị xây dựng các phóng sự như: Chuyên mục Khoa học Công nghệ và đời sống được phát hàng quý/chuyên mục;   Chuyên mục Trang NN&PTNT phát định kỳ 1 tuần/chuyên mục. Đồng thời viết và đăng một số bài trên báo Quảng Trị, Tạp chí hoạt động khoa học, báo Khoa học và Phát triển, đặc san Khoa học Công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, các cấp Hội tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Hội; phát hành bản tin nông dân 1.500 cuốn/1quý về tới cơ sở, chi, tổ Hội trên toàn địa bàn tỉnh để cán bộ, hội viên đọc tham khảo thông tin khoa học công nghệ.

Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ đến với hội viên, nông dân là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản và chủ yếu được lãnh đạo hai ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thông qua tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho hội viên, nông dân và các chủ trang trại, nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các loại hình kinh tế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 05-10 lớp đào tạo nghề cho các hội viên;  Phối hợp với Trung tâm môi trường nông thôn của Trung ương Hội tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức trách nhiệm và thay đổi hành vi về sử dụng túi ni lông cho 160 học viên gồm Chủ tịch, phó chủ tịch và chi hội trưởng, chi hội phó Hội Nông dân cơ sở tham gia.

Sở KH&CN đã đầu tư thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng các điểm thông tin KH&CN cho 20 xã, thị trấn (hỗ trợ máy vi tính, máy chiếu, dĩa mềm cơ sở dữ liệu thông tin hỏi đáp về KH&CN, các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao). Đồng thời, hàng năm Sở KH&CN đã bố trí kinh phí hỗ trợ cấp huyện để tổ chức 10-15 lớp tập huấn với hơn 600 người tham gia, nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về khoa học và công nghệ; chuyển giao các quy trình khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách hỗ trợ ứng dụng nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025,…

Triển khai xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân

Với phương châm đưa KH&CN về cơ sở, không ngừng tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng, từ năm 2016 đến nay bình quân mỗi năm Sở KH&CN phê duyệt và triển khai thực hiện từ 7-10 đề tài/dự án cấp cơ sở với tổng mức kinh phí đầu tư bình quân gần 2 tỷ đồng/năm, các nhiệm vụ tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, nhằm làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất đến việc chế biến sâu thành các sản phẩm hàng hóa có đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được thương mại hóa trên thi trường như: Trà vằng hòa tan nhãn hiệu TRALAVANG, Cà gai leo - Linh chi hòa tan CAGALI, tỏi đen và rượu tỏi đen Winner, Linh chi hòa tan ĐẤT LỬA, Nhộng trùng thảo, Tinh bột nghệ hòa tan QT-Stac, chế phẩm vi sinh QT-Mic, Trichoderma; đề tài xây dựng mô hình sản xuất mướp đắng trong nhà lưới, trồng nấm dược liệu, nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn, hoa lily thương phẩm và một số cây dược liệu mới như cây Chè vằng, Trạch tả, Ngưu tất...đã được nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương. 

Các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp Bộ cũng đã tập trung xây dựng các mô hình thử nghiệm trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đem lại kết quả tốt và đã được người nông dân ứng dụng nhân rộng vào sản xuất; nhiều mô hình  được hỗ trợ kinh phí để ứng dụng các công nghệ sinh học như VSV kỵ khí biogas; công nghệ enzym,….nhằm sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất ở các làng nghề bún (Triệu Sơn, Cam An); Dự án phân lập, lựa chọn, lưu giữ, hoàn thiện quy trình công nghệ, sản xuất thử nghiệm và sản xuất thành công nhiều loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường như: Chế phẩm EM và chế phẩm  Compo - QTMIC xử lý chất thải, ủ phân hữu cơ vi sinh; Chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi (Bio - QTMIC); Chế phẩm xử lý ao nuôi thủy sản (Nitro - QTMIC); Chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi (Pro - QTMIC), chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma và Pseudomonas …bằng công nghệ tiên tiến hiện đại, chất lượng cao, hiệu quả sử dụng tốt, giá thành thấp, được người dân đón nhận, sử dụng rộng rãi. Ứng dụng công nghệ Biogas kết hợp với hệ thống hồ sinh học để xử lý nước thải chế biến cà phê (Công ty CP Nông sản Tân Lâm); ứng dụng công nghệ Enzym để chế biến võ cà phê  Công ty TNHH Đình Tàu đã được Sở hỗ trợ 95 triệu đồng; hỗ trợ Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã sử dụng hệ enzime Biologycal và chế phẩm E.M trong xử lý nước thải và hệ thống thu hồi khí CH4 dùng làm khí đốt cho lò sấy

Ngoài ra, Sở KH&CN cũng đã đầu tư  hỗ trợ kinh phí, chế phẩm sinh học cho một số huyện vùng đồng bằng thực hiện 05 mô hình sản xuất phân vi sinh từ rơm phế thải, dây lạc, bèo lục bình, nhằm giúp bà con nông dân tận dụng triệt để nguồn chất thải nông nghiệp tạo ra được nguồn phân hữu cơ tại chổ cung cấp dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng, tăng năng suất, bảo vệ đất đai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Từ kinh phí SNKH của Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi như dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”;  “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm trong mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị” và dự án  “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan Hồ điệp, hoa Lily tại Quảng Trị”. Các dự án tập giải quyết các vấn đề bức thiết do thực tiễn địa phương đặt ra. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển sản xuất cho vùng bãi ngang phục vụ chuyển đổi sinh kế cho nhân dân vùng ven biển sau sự cố môi trường biển và khai thác tiềm năng, lợi thế và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao ở khu vực bắc Hướng Hóa.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (Sở KHCN) chuyển giao các loại giống hoa đạt chất lượng cho Hội viên nông dân trong toàn tỉnh cao như: Hoa cúc, lay ơn, Ly ly. Các mô hình nuôi trồng nấm sò, nấm Linh chi,.. đã được ứng dụng nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành KH&CN đã được Lãnh đạo tỉnh quan tâm đúng mức, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 17/12/2017 về chính sách hỗ trợ, ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017-2025. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1569/KH-UBND ngày 11/7/2018 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 17/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh nêu trên. Đây là một trong những chủ trương về hỗ trợ chính sách có tính đột phá và kịp thời, nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh nói chung và các huyện nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Đầu tư kinh phí xây dựng và triển khai các dự án khoa học và công nghệ tại địa phương

Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp, tổ chức thực hiện các dự án và  đề tài cấp tỉnh gồm:

Năm 2015 – 2016, Hội Nông dân tỉnh xây dựng và triển khai đề tài khoa học: Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi Gà ri lai vàng rơm an toàn sinh học tại Quảng Trị” từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ, thực hiện ở 02 hộ chăn nuôi ở huyện Vĩnh Linh. Mô hình được nhân rộng ở một số  địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2016-2017 xây dựng và chuyển giao  mô hình bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị, nhằm đảm bảo môi trường, tiết kiệm nguyên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018:Xây dựng mô hình trồng sắn dây, áp dụng khoa kho học kỷ thuật trông trồng trọt tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, với quy mô trên 03 ha đem lại năng suất cao, và chất lượng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, và đang lập dự án  về dây chuyền sản xuất tinh bột sắn dây sau thu hoạch;

Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị từ nguồn hỗ trợ Trung ương Hội;

Năm 2019, Hội đã xây dựng  bảo vệ  đề tài khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ  trong nuôi cá chình lòng” tại xã Gio Bình, huyện Gio Linh, đã được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh thẩm định và thống nhất triển khai trong thời gian 02 năm từ 2019-2020; 

Ngoài ra  02 cơ quan đã phối hợp đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại trà hòa tan gồm: Chè Vằng (TralaVang), Cà gai leo - Linh chi (Cagali), Linh Chi (Đất lửa); Các loại thực phẩm, thức uống bảo vệ sức khỏe gồm: Nhộng Trùng Thảo (Đông Trùng Hạ Thảo), rượu Đông Trùng Hạ Thảo; Tỏi đen là các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, hàm lượng khoa học cao, mang tính đặc thù của địa phương, sức cạnh tranh cao. Các nhiệm vụ KH&CN cũng đã chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy tiến tiến (sấy ở nhiệt độ thấp) để chế biến, bảo quản một số sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao ở địa phương như: Ném, Hồ tiêu, Chuối, Cá ... vừa bảo quản được nông sản, vừa nâng cao giá trị từ đó hình thành hàng hóa thương mại trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ của Hội Nông dân tỉnh trong 5 năm qua đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về ứng dụng tiến bộ KHCN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN đã chọn lựa và chuyển giao được sự hưởng ứng tích cực từ phía các hộ nông, ngư dân cũng như cộng đồng. Thành công của các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đang từng bước giúp thay đổi tư duy của người nông dân, dần hướng sang phương thức canh tác nông nghiệp sạch, bền vững và theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.