00:00 Số lượt truy cập: 2637697

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tích cực đưa Khoa học công nghệ đến với nông dân 

Được đăng : 26/03/2019

 

Lê Văn Khôi

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, có 3 vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và miền núi; có 827.976 người sống ở khu vực nông thôn (chiếm 76,7%). Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị đầu mối hội nông dân cấp huyện, thành phố trực thuộc, với 135 cơ sở hội và 1.320 chi hội. Toàn tỉnh hiện có trên 15 vạn hội viên nông dân, gần 4 vạn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của tố khoa học công nghệ đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ của tổ chức Hội đối với hội viên nông dân trong quá trình phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tích cực là cầu nối để đưa tiến bộ khoa học, công nghệ đến với hội viên nông dân.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức ký chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ. Hằng năm, hai đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai công tác khoa học và công nghệ tới các cấp Hội trong tỉnh. Hướng dẫn các cấp Hội bám sát tình hình thực tiễn địa phương đăng ký, phối hợp thực hiện các chương trình, dự án khoa học công nghệ.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức gần 200 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, nhân rộng các đề tài, dự án khoa học đã được nghiệm thu cho gần 25.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền giúp nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như đối với phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, giúp hội viên nông dân nắm bắt thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng thành công vào sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế điểm đem lại thu nhập cao, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội tập trung triển khai tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho hội viên nông dân được thực hiện. Nội dung chủ yếu là các kỹ năng sản xuất nông sản an toàn; những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu những mô hình sản xuất điển hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao để nông dân học tập và áp dụng. Nhiều đề tài, mô hình nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ được áp dụng vào sản xuất như: Nhân giống và trồng cây Ba kích thương phẩm; mở rộng, phát triển cây Ba kích trên địa bàn huyện Tam Đảo… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của cán bộ, hội viên nông dân vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện mức sống và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hằng năm, các cấp Hội đăng ký triển khai và thực hiện các đề tài khoa học, mô hình thực nghiệm như: Xây dựng mô hình thực nghiệm giống sắn KM98-7; mô hình thực nghiệm trồng mía nguyên liệu, mô hình trồng chanh tứ quý trên vùng đất đồi. Các cấp Hội tập trung đưa các giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp với các biện pháp canh tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất: Nuôi thỏ lai Newziland; nuôi vịt trời; cấy lúa ứng dụng hiệu ứng hàng biên; phát triển cây dược liệu trà hoa vàng, ba kích; trồng cà chua ghép trên gốc cà dại; xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả, cây rau…

Như vậy, từ những hoạt động cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của ngành khoa học công nghệ, sự quan tâm đầu tư nguồn lực của cấp ủy, chính quyền và sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương Hội, các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước đưa khoa học công nghệ đến với nông dân, đi vào thực tiễn sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân./.