00:00 Số lượt truy cập: 2677540

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò lai sinh sản 

Được đăng : 07/09/2021

cungcapbolaisin1

 

1. Chăm sóc bò chửa. 

Sau khi phối giống thành công, bò mang thai (bò chửa), lúc này bò cần được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày cho ăn từ 30 – 40 kg cỏ tươi sạch, 1kg thức ăn tinh (như ngô, cám…), 25–30 gr bột xương và bổ sung thêm thức ăn khoáng, vitamin. Đối với bò đang chửa tháng thứ 3, tháng thứ 7, tháng thứ 8 và thứ 9 cần có chế độ vận động nhẹ, hợp lý và có thời gian cho bò tắm nắng.

2. Đỡ đẻ cho bò.

Những trường hợp bò sinh đẻ bình thường (có thai thuận )thì không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò đẻ bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra. Cắt dây rốn dài khoảng 10 cm (không cần buộc dây rốn) và sát trùng bằng loại cồn Iốt 5%.  Vệ sinh sạch sẽ cho bê con mới sinh: dùng khăn vải mềm sạch lau rớt rãi trong mũi, mồm bê con, phần thân tự để bò tự liếm bê con sạch sẽ. Bóc móng để bê con đỡ bị trơn trượt khi tập đi. Dùng khăn sạch vô trùng lau sạch phần bầu vú của bò mẹ, bổ sung thêm nước uống có pha thêm muối cho bò, cho ăn thêm cám và uống nước ấm.

Đối với những trường hợp bò khó đẻ cần phải gọi cán bộ thú y để được hỗ trợ kịp thời, không tự làm sẽ gây hậu quả.

Chuẩn bị và chăm sóc chu đáo bò cái vào lúc đẻ, sau khi bò đẻ nên thụt rửa tử cung bằng dung dịch Rivanol 1 – 2% khoảng 300 – 500ml.

DùngGentanyline 1ml cho 10kg thể trọng hoặc Ampi-seplol với liều 1ml cho 10 – 12kg thể trọng tiêm bắp 5 ngày liên tục để tránh nhiễm trùng tử cung.

Trường hợp đẻ khó, sót nhau hoặc bị viêm nhiễm đường sinh dục cần can thiệp và điều trị kịp thời, kết hợp ăn uống điều độ để bò sớm phục hồi chức năng sinh sản.

3.Chăm sóc, nuôi dưỡng bò mẹ.

Trong khoảng thời gian từ 15 – 20 ngày đầu, sau khi bò đẻ cần cho bò ăn cháo hoặc 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày, trộn 30 gam muối ăn, 40 gam bột xương, cỏ non xanh ăn tại chuồng thoải mái. Không chăn thả ngoài đồng, tránh mưa, nắng.

Thời gian nuôi con, một ngày cần phải cung cấp cho bò mẹ ăn khoảng 40kg cỏ tươi, 1 – 2kg cám hoặc có thể dùng thức ăn hỗn hợp để bò mẹ hồi phục sức khỏe, nhanh động dục lần tiếp theo để phối giống, trong chuồng luôn có đá liếm để bổ sung khoáng chất cho bò mẹ.

Chuồng trại đảm bảo đông ấm, hè mát, luôn khô, sạch sẽ; thực hiện sát trùng, khử khuẩn thường xuyên. Bò cái mang thai trung bình 9 tháng, sau khi đẻ, bò động dục trở lại phụ thuộc nhiều ở kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc. Để rút ngắn khoảng cách lứa đẻ phải tuân thủ những quy trình chăn nuôi đúng kỹ thuật.Trong điều kiện bình thường bò động dục trở lại chỉ mất khoảng 40 – 50 ngày sau khi đẻ. Nếu thấy bất thường cần báo cho cán bộ thú y để được tư vấn, hỗ trợ cho bò sớm động dục trở lại. Tuyệt đối không tùy tiện tiêm các chất kích thích sinh sản cho bò. Việc dùng các chất kích thích sinh sản phải tuân theo chỉ định của bác sỹ thú y.

4.Chăm sóc, nuôi dưỡng bê con.

    Bê con từ lúc mới sinh ra được nuôi tại nhà, cạnh bò mẹ ít nhất trong 1 tháng, luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa vào chuồng, chuồng nuôi phải sạch sẽ và khô ráo, nếu sinh vào mùa đông  những ngày lạnh nên dùng đèn hồng ngoại sưởi ấm cho bê và có tác dụng diệt khuẩn.

Khi bê trên 1 tháng tuổi được chăn thả theo bò mẹ ở những bãi cỏ gần chuồng, tập cho bê ăn thêm thức ăn tinh.

Từ 3 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn khoảng 5 – 10kg cỏ tươi và 0,2 -  0,3kg thức ăn tinh hỗn hợp, cai sữa cho bê con lúc 6 tháng tuổi.

Từ 6 – 24 tháng tuổi, thực hiện chăn thả, mỗi ngày cho bê ăn thêm khoảng 10 – 20kg thức ăn thô xanh, kết hợp cho ăn thêm thức ăn tinh khoảng 0,5 kg/con/ngày, hoặc thực hiện nuôi nhốt tùy theo từng phương pháp nuôi.

Nếu nuôi nhốt cần phải có đá liếm trong chuồng, có sân tắm nắng cho bê, mỗi ngày bê tắm nắng từ 2 đến 3 giờ vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; thực hiện chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng và cân đối để bê sinh trưởng và phát triển tốt.

Thực hiện chế độ tiêm phòng vắc xin các loại bệnh theo quy định của thú y.

P. Loan