00:00 Số lượt truy cập: 2669098

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim Trĩ 

Được đăng : 10/09/2020

22 

I. Đặc điểm sinh học của chim trĩ

Chim Trĩ có sức sống, sức đề kháng mạnh mẽ đối với bệnh tật, sống được ở nhiệt độ từ - 320C đến 460C. Trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng rất cao nên ít mắc bệnh. Ngoài 7 tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng, mỗi con mái trưởng thành trong một năm có khả năng đẻ 90 – 120 quả trứng tùy theo điều kiện chăm sóc. Nuôi nhốt trong điều kiện thiếu các phương tiện ấp trứng nhân tạo thì khó thành công vì chim trĩ đỏ không có bản năng ấp trứng. Những hộ nuôi ít thì thường cho gà ấp hộ, tỉ lệ ấp nở thành công tới hơn 75%. Nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, thêm côn trùng và điều kiện chiếu sáng nhân tạo mỗi con trĩ đỏ mái có thể đẻ đến hai trứng mỗi ngày. Nếu dùng máy ấp nhân tạo với các thông số độ ẩm, nhiệt độ phù hợp thì có thể cho tỉ lệ nở 90 – 95 %.

II. Kỹ thuật nuôi

1. Về chuồng trại

Vị trí chuồng nuôi phải chọn nơi cao ráo, thoáng mát, cách xa các trại nuôi gia súc, gia cầm khác nhằm hạn chế tối thiểu mức rủi ro do lây nhiễm chồng chéo.

Chuồng trại phải đảm bảo giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng phải bằng phẳng, tiện cho công tác dọn vệ sinh, rải chất độn chuồng bằng phôi bào hoặc trấu có thể trộn với cát được phơi khô đã được phun khử trùng. Mặt khác phải đảm bảo thực hiện được biện pháp an toàn sinh học.

Lưu ý: Bà con phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2- 3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi ni lông trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến thủng diều, chết. Tuỳ mục đích, quy mô sản xuất bà con có thể lựa chọn cách thiết kế chuồng trại sao cho phù hợp nhất với điều kiện sẵn có mà vẫn đảm bảo được yếu tố kỹ thuật trong việc quản lý và chăm sóc chim.

2. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng nuôi

Trước khi đưa chim vào nuôi dù quy mô lớn hay nhỏ cần phải chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như: lồng úm, chụp sưởi, máng ăn, máng uống, chất độn chuồng, tiêu độc khử trùng và chọn người nuôi.

Chim 0 – 30 ngày tuổi:

40 - 15 con /m2

30 – 60 ngày tuổi: 12 – 6 con / m2

60 – 90 ngày tuổi: 4 – 2 con /m2

Sau 90 ngày tuổi có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 – 2 con /m2

Lồng úm nuôi giai đoạn 1 – 4 tuần tuổi

Lồng úm và dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi đưa chim vào nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch, tường, nền được quét nước vôi đặc nồng độ 40%. Sau đó để khô phun tiêu độc bằng xút 2% (NaOH) với liều 1 lít/m2 hoặc bằng các loại thuốc sát trùng khác như Foocmol 3% phun 2 – 3 lần. Trước khi thả chim trĩ vào nuôi 1 – 2 ngày phun tẩy uế lại bằng Formalin 3% và đóng kín cửa. Sau khi phun 5h mở cửa cho thông thoáng bay hết mùi thuốc sát trùng rồi mới thả chim. Nếu như chồng trại xây mới thì có thể chỉ dùng thuốc sát trùng Virkon của hãng Bayer: pha 100g với 10 lit nước, phun 300ml/m2, phun toàn bộ trại bao gồm nền, tường, bồn ăn uống, không khí, giày ủng.

Hầu hết các kiểu úm gia cầm đều phù hợp cho việc úm chim trĩ.

Trong thời gian úm, để nguồn nhiệt một phía, tránh gió lùa sử dụng lồng úm với chiều cao 40 – 50 cm; chiều dài 1,0 – 1,2 m; chiều rộng 0,7 – 0,9 m. Xung quanh được đóng bằng gỗ ép hoặc cót ép, phía trên làm bằng lưới ô nhỏ để tránh chim bay, cửa lồng có thể nằm ở phía trên tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Lồng này dùng để úm chim non trong 28 – 30 ngày đầu, mỗi lồng như vậy có thể úm từ 50 – 80 chim.
Chuồng nuôi giai đoạn 5 – 12 tuần tuổi.

 Giai đoạn này chim trĩ được nuôi thả ra nền chuồng bê tông để rải trấu hoặc phôi bào với độ dày 5 – 8 cm, có khu đổ cát để chim tắm cát. Chim trĩ được thả ra ngoài cho chim vận động, nhưng phải có lưới quây để cho chim khỏi bay đi. Bên ngoài lớp lưới của sân chơi có thể phủ lên những cành cây giúp cho môi trường sống giống với các điều kiện tự nhiên. Giai đoạn này một chim cần 0,5 m2 tổng diện tích sàn bên trong chuồng nuôi và 2 m2 diện tích nền bên ngoài được dùng cho việc vận động. Sau quá trình ấp, chim trĩ có thể được nuôi khép kín, nhưng cần thiết phải có nơi cư trú đầy đủ. Sân chơi được rào kín bằng lưới để ngăn chim thoát ra ngoài. Để ngặn chặn việc bay mất, kẹp lông cánh khi chúng 4 tuần tuổi hoặc cắt lông cánh ngay ban đầu.

 Giai đoạn sau 12 tuần tuổi

Ở giai đoạn này có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 – 2 con/m2. Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim. Nếu tốn kém trong việc chia chuồng ra nhiều ô nhỏ thì có thể chọn phương án nuôi tập trung (quần thể). Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên nóc sử dụng các loại tấm lợp Fibro xi măng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương, miễn sao đảm bảo chim không thoát ra ngoài. Nền chuồng được dải một phần hoặc toàn bộ cát, sử dụng loại cát vàng, để chim tắm cát và làm ổ đẻ. Phần còn lại có thể sự dụng bằng nền bê tông, hoặc trồng cỏ trong khoảng sân chơi.

Mái che bán phần và đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông. Khi có rét đậm rét vào mùa đông, hoặc sương muối, nên che chắn cẩn thận toàn bộ chuồng nuôi bằng vải bạt và thắp điện sưởi để tránh rét cho chim.

Bà con nên lưu ý đến các đợt mưa tạt, gió lùa vì đây là những thời điểm chim rễ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, cầu trùng, tụ huyết trùng, thương hàn,...

Giai đoạn chim lớn

Về kích thước chuồng có thể làm 1 trong 2 cách sau:

- Với mô hình nuôi chim sinh sản:  mỗi chuồng chỉ 1 trống và 3 mái. Diện tích sàn: 1.5x2m, cao 1.8-3m. Mỗi chuồng nên làm 1 cửa ra vào vừa đủ rộng và chiều cao phù hợp sao cho chúng ta ra vào mỗi chuồng dễ dàng mà chim không  bay ra ngoài. Vấn đề thức ăn và nước uống nên đặt bên ngoài mỗi chuồng để tối ưu hoá thời gian cho chim ăn, uống và ít làm ảnh hưởng đến sinh lý của chim

- Với mô hình nuôi chim thịt:  nuôi thả bầy (đàn) với số lượng không hạn chế.

Bà con nên lưu ý: số lượng nên giảm dần theo độ tuổi sao cho phù hợp, không quan trọng tỷ lệ trống mái. Diện tích sàn tùy thuộc vào số lượng chim, diện tích đất thực tế sao cho chim phù hợp. Bà con có thể kết hợp làm chuồng kết hợp với trồng cây ăn trái, cây kiểng...ở trong chuồng: cây vừa tạo bóng mát cho chim, vừa tiết kiệm được chi phí bón cây, công vệ sinh chuồng, diện tích đất,..

Ngoài ra, còn nên gác nhiều cây cho chim đứng, ngủ, ...đồng thời nên làm thêm vợt bắt chim, vợt lượm trứng khi cần thiết giảm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chim trĩ.

3. Chọn chim giống

Bà con nên chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, khối lượng 20 - 23g là đạt yêu cầu. Loại ngay những con khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn, bụng nặng, lông bết.

4. Nhiệt độ, ẩm độ và thông thoáng

Hai tuần đầu tiên chim không tự điều chỉnh thân nhiệt một cách hoàn hảo, do đó các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh khi ẩm độ môi trường lên cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng của chim. Thời điểm khi chim xuống chuồng nên để nhiệt ở 350c, sau nhiệt độ được giảm dần xuống 300c khi chim được 3 tuần tuổi. 

Từ tuần tuổi thứ 2 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở chim để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp. Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ: Nếu thấy chim tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt, chim bị lạnh. Nếu chim tản ra xa nguồn nhiệt, nháo nhác, kêu, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ. Nếu chim tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần che kín hướng gió thổi. Khi đủ nhiệt, chim vận động ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều lồng úm.

Chim con cần chiếu sáng 24/24 giờ trong 4 tuần đầu, sau 5 – 9 tuần giảm thời gian chiếu sáng đến 16h, từ tuần thứ 7 – 9 lợi dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo cường độ ánh sáng 3W/m2 là đủ. 

5. Nước uống

Nước là nhu cầu đầu tiên của chim khi mới xuống chuồng. Cần cung cấp nước sạch, tốt nhất là pha thêm 5g đường Glucoz và 1g Vitamin C/lít nước cho những ngày đầu, nước uống cho chim không được lạnh tốt nhất là hơi ấm 18 – 210c trong vài ngày đầu. Sử dụng chụp nước tự động bằng nhựa 0,6 – 0,8 lít/50 chim non. Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho chim dễ tiếp cận và không bị máng ăn che khuất. Tuân thủ cho chim uống nước trước, sau 2 – 3 giờ mới cho thức ăn.

6. Thức ăn và kỹ thuật cho ăn

Cũng như chăn nuôi các loài gia cầm, chăn nuôi chim cũng như vậy. Thức ăn của trĩ là cám tổng hợp (loại không có tăng trọng), ngô xay, thóc, đậu tương, rau xanh, cỏ,... Ngoài 2 tháng có thể cho trĩ tập ăn thóc bằng cách trộn 10 – 20 % vào khẩu phần ăn. Ở giai đoạn 5 – 8 tháng có thể trộn đến 50 % thóc vào khẩu phần ăn. 
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng thoả mãn đầy đủ các nhu cầu sinh lý đòi hỏi phát triển cơ thể ở mỗi giai đoạn sẽ khai thác tối đa tiềm năng di truyền của giống, đạt nhanh đến khối lượng giết mổ càng sớm càng tốt.

 

                                                                                  Ths Phạm Văn Đức