00:00 Số lượt truy cập: 2667180

Hướng dẫn kỹ thuật phòng và điều trị một số bệnh gây hại trên cây sắn 

Được đăng : 23/11/2021

unnamed-1123

 

Trong những năm gần đây diện tích sản xuất sắn tăng liên tục, những dịch hại mới đây xuất hiện trên sắn như: Bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng, bệnh thối củ, bệnh khảm lá do vi rút, … ngày càng tăng mạnh trên diện rộng và làm thiệt hại lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người trồng sắn.

1.      Bệnh chổi rồng trên cây sắn

Bệnh do Phytoplasma (Candidatus phytoplasma aurantifolia) gây ra, bệnh hại chủ yếu trên giống sắn KM94 tại các tỉnh như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum….

- Bệnh chổi rồng hại sắn lan truyền chủ yếu qua 2 con đường:

 + Hom giống đã nhiễm bệnh.

 + Môi giới truyền bệnh là loài rầy được ghi nhận trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam các nghiên cứu vẫn chưa kết luận.

 - Bệnh thường xuất hiện gây hại vào đầu mùa mưa (tháng 5- 6) và phát triển mạnh từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.

 - Bệnh gây hại nặng trên giống sắn KM 94 và hại nặng ở những vườn sắn không đầu tư chăm sóc. Dùng hom giống bị bệnh để làm giống.

 Biện pháp phòng trừ:

Không sử dụng những giống sắn bị bệnh để làm giống, không vận chuyển hom sắn giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

 Ruộng, rẫy bị bệnh phải thu gom đốt sạch tàn dư của cây sắn, luân canh với cây trồng khác họ từ 1- 2 vụ, sau đó mới trồng lại sắn.

  Đối với diện tích sắn non, giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

    Bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K theo qui trình canh tác sắn bền vững, trồng xen cây họ đậu để bổ sung dinh dưỡng cho đất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất.

    Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây sắn để phòng trừ kịp thời, đặc biệt với rầy môi giới truyền Phytoplasma.

2.      Rệp sáp bột hồng hại sắn

                  Bệnh do loài rệp sáp ( Phenacoccus manihotis) gây hại trên cây sắn.  điều kiện nhiệt độ môi trường khoảng 280C, thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành đẻ trứng khoảng 33 ngày (vòng đời). Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ 300- 500 trứng. Rệp sáp bột hồng hại sắn phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô và các tháng có lượng mưa thấp (< 30mm).

     Rệp sáp bột hồng gây hại gây hiện tượng chùn ngọn, cây lùn. Trên lá, rệp bám ở mặt dưới lá, gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng. Khi bị có rệp với mật độ cao, toàn bộ lá cây bị rụng,  cây chết và làm năng suất củ giảm tới 80%.

Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, kiến, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển…

Biện pháp phòng trừ

Khoanh vùng những diện tích bị nhiễm, thu gom cây bị nhiễm, đốt tiêu hủy sạch.

Sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất Thiamethoxam hàm lượng 350g/l, dạng thành phẩm SC; Imidacloprid hàm lượng 25%w/w, dạng thành phẩm WP; Nitenpyram hàm lượng 50% w/w, dạng thành phẩm; Dinotefuran hàm lượng 20% w/w, dạng thành phẩm WP. Tực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

    Không vận chuyển cây sắn từ vùng nhiễm Rệp sáp bột hồng sang vùng khác. Xử lý hom giống sắn bằng cách ngâm trong dung dịch nước thuốc BVTV 30 phút trước khi trồng. Tạo vườn sắn thông thoáng, bón phân cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển tốt. Bảo vệ thiên địch (bọ rùa, bọ cánh gân, ong ký sinh…), nhân thả ong ký sinh Apoanagyrus lopezi, sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát rệp. Dùng các giống sắn có khả năng chống chịu đối với rệp sáp bột hồng để trồng.

3      Bệnh thối củ sắn

Bệnh thối củ sắn có nhiều nguyên nhân gây bệnh, do nhóm nấm Fusarium sp, Rhizoctonia sp, nhóm vi khuẩn Xanthomonas sp, Erwinia sp, Pseudomonas sp, bệnh xuất hiện trong điều kiện mưa nắng thất thường trong mùa mưa, và bệnh xuất hiện trên những ruộng sắn thâm canh cao, canh tác sắn nhiều năm. Khi bị bệnh sắn giảm năng suất từ 40- 50% và hàm lượng tinh bột thấp.

Phòng bệnh

Chọn đất trồng sắn ở những nơi cao không bị ngập úng cục bộ. Không chọn hom giống ở những vườn sắn bị bệnh. Vệ sinh đồng ruộng sau khi đã thu hoạch xong vụ, tốt nhất luân canh một vụ cây trồng khác sau đó như lúa, cây đậu hoặc cho đất nghỉ một thời gian. Bón phân NPK cân đối, không quá lạm dụng phân đạm nhất giai đoạn hình thành củ.

    Khi bị bệnh phun tưới thuốc trừ bệnh có gốc đồng, nhóm thuốc có Carbendazim ( thuốc Carmanthai 80 WP), hoặc kasumin.

4       Bệnh khảm virus trên sắn (Cassava mosaic disease)

Bệnh lây truyền phổ biến qua bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Biểu hiện của bệnh khảm là trên lá cây sắn xuất hiện những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, làm giảm năng suất và chất lượng củ sắn. Nếu cây sắn bị nhiễm bệnh lúc còn non sẽ không cho thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ

Chỉ sử dụng những giống sắn khỏe, sạch bệnh để làm giống, không vận chuyển hom sắn giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

    Khi phát hiện vườn bị bệnh, thu gom đốt triệt để thân và tàn dư của cây sắn bị bệnh.  Đối với diện tích sắn giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

 Bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K theo qui trình canh tác sắn bền vững. Luân canh cây sắn với cây trồng khác phù hợp như các loại cây họ đậu, không nên trồng sắn độc canh trên một chân đất.

 Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây sắn để phòng trừ kịp thời, đặc biệt với bọ phấn trắng môi giới truyền vi rút khảm lá sắn. Để phòng trừ loại sâu này phải sử dụng thuốc phun theo khuyến cáo hướng dẫn của Cục BVTV như thuốc; Ikuzu 20WP với liều lượng 320g/ha và Longanchess 750WP liều lượng 300g/ha phun 400 lít/ha, phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn...

T. Khuyên